Nghề nuôi cá lồng bè tại Côn Đảo

01/05/2017 00:00

(TN&MT) - Hiện nay, trên địa bàn huyện Côn Đảo, một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy hải sản bằng lồng bè, góp phần mang lại nguồn thu nhập cho gia...

 

(TN&MT) - Hiện nay, trên địa bàn huyện Côn Đảo, một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy hải sản bằng lồng bè, góp phần mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, đồng thời bảo vệ nguồn lợi thủy sản của địa phương. 

        

Vịnh Bến Đầm, huyện Côn Đảo là khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ôn hòa, có mực nước sâu, kín gió, rất phù hợp cho việc nuôi trồng thủy hải sản.        

Gia đình Anh Lê Văn Quân bắt đầu mô hình nuôi cá bè từ năm 2007, sau 10 năm đầu tư, hiện tại gia đình anh có trên 1000m2 diện tích lồng nuôi với nhiều loại hải sản khác nhau như: cá Mú, cá Bớp, tôm Bông, tôm Mũ Ni, Ghẹ, cá Nhám… Phần lớn con giống được anh mua lại từ ghe đánh bắt trên biển, sau đó thả nuôi trong lồng, thông thường sau khoảng thời gian từ 4 đến 8 tháng là cho thu hoạch tùy từng loại.       

Theo anh Quân, tất cả các loại hải sản của gia đình anh đều được nuôi theo phương pháp tự nhiên nên chất lượng thơm ngon và giữ được hương vị tự nhiên của từng loại hải sản. Đầu ra của sản phẩm hầu hết cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn tại đảo, số còn lại được các tiểu thương thu mua và bán tại chợ Côn Đảo.     

Cũng là một trong những hộ dân nuôi trồng thủy hải sản ở vịnh Bến Đầm, anh Nguyễn Mạnh Đức, chủ bè cá Đức Hường bắt đầu nuôi cá lồng bè từ hơn 3 năm nay. Thời gian đầu mới nuôi anh gặp khá nhiều khó khăn về kỹ thuật nuôi, con giống… Trong quá trình nuôi, cùng với việc học hỏi từ những người đi trước cộng với việc lên mạng tìm hiểu, anh đã từng bước tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Hiện tại, gia đình anh có 40 lồng nuôi với khoảng 2 tấn cá các loại, trong đó chủ yếu là cá Bớp, cá Mú Trân Châu, tôm Mũ Ni, cá Bò Giáp…   

Năm 2016, nhận thấy tiềm năng phát triển mô hình dịch vụ cho khách tham quan, ăn uống và mua bán thủy hải sản ngay tại bè nên anh Đức đã mạnh dạn đăng ký kinh doanh dịch vụ này. Theo anh Đức, đây sẽ là hướng đi mới của gia đình anh trong thời gian tới.  

Việc phát triển nghề nuôi trồng thủy hải sản lồng bè tại Côn Đảo ngoài việc đem lại lợi ích kinh tế cho các hộ dân còn giải quyết công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương. Tuy nhiên, hiện tại người dân nuôi cá lồng bè vẫn mang tính tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế.    

Vài năm trở lại đây, các chủ lồng bè tại khu vực Bến Đầm còn mở rộng dịch vụ cho khách du lịch tham quan, ăn uống, mua hải sản trên bè, đây là mô hình kinh doanh dịch vụ tại chỗ, do đó, các cơ quan chức năng tại địa phương cũng đã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ của các chủ lồng bè nhằm đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn cho du khách cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, việc kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.       

Được biết, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 1548/QĐ-UBND, ngày 10/8/2012 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh BR-VT đến năm 2020, trong đó, tại huyện Côn Đảo sẽ tập trung vùng nuôi tại các vịnh ven biển như: vịnh Bến Đầm, vịnh Côn Sơn và vịnh Đông Bắc. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để huyện Côn Đảo khai thác tiềm năng và lợi thế hiệu quả mặt nước ven biển tại địa phương, trong đó mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp với loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch tham quan, ăn uống cho du khách sẽ là một hướng đi phù hợp./.  

Thu Huyền

Đài Truyền thanh - Truyền hình Côn Đảo

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề nuôi cá lồng bè tại Côn Đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO