Nghệ An: Vì sao hàng trăm mét khối gỗ quý nằm “dầm mưa, dãi nắng” ở vùng biên?

Phạm Tuân| 12/02/2020 15:45

(TN&MT) - Một khối lượng gỗ quý, có giá trị kinh tế cao được tập kết tại một số xã biên giới của hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương đã hơn 1 năm nay. Khối lượng gỗ này đã được xác nhận là “sở hữu toàn dân” nhưng đến nay vẫn đang nằm “dầm mưa, dãi nắng” trước nguy cơ hư hỏng, lãng phí…

Được biết, liên quan đến số gỗ nói trên, ngày 05/11/2019, ông Trần Việt Dũng – Phó giám đốc Sở Tài chính Nghệ An đã ký Công văn số 3865/STC.QLG&CS đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xác nhận toàn bộ gần 400m3 gỗ quý các loại đang được tập kết ở một số xã biên giới tiếp giáp Lào, trị giá ước lượng khoảng hơn 2,1 tỷ đồng thuộc quyền sở hữu toàn dân. Theo Công văn này, Sở Tài chính cũng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An sớm ban hành văn bản để đơn vị này có cơ sở triển khai các bước tiếp theo đối với số lô gỗ nói trên.

Về nguồn gốc số gỗ nói trên, trước đó các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện số gỗ này nằm rải rác dọc sông, suối ở các các xã như Mỹ Lý, Keng Đu thuộc huyện Kỳ Sơn và xã Nhôn Mai thuộc huyện Tương Dương. Số gỗ trên được cho là do mưa lũ trôi dạt từ phía nước bạn Lào sang từ giữa năm 2018?

Hàng trăm mét khối gỗ quý để chỏng chơ và đang "dầm mưa, dãi nắng" ở Tương Dương và Kỳ Sơn

Đến ngày 11/11/2019, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký văn bản xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản là lâm sản với khối lượng khoảng gần 400m3 gỗ do mưa lũ cuốn trôi đã được trục vớt trên địa bàn huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.

Theo đó, toàn bộ số gỗ này đã ra thành phẩm dạng lóng, thanh thuộc các chủng loại Đinh Hương, số còn lại gồm Săng vì, Pơ Mu, Sa Mu… được tập kết dọc một số xã biên giới thuộc 2 huyện nói trên. Được biết, đây là những loại gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao.

Văn bản của UBND tỉnh Nghệ An cũng giao cho Sở Tài chính tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan căn cứ vào các quy định hiện hành để xác định giá khởi điểm bán đấu giá đối với tài sản được xác lập sở hữu toàn dân đối với toàn bộ gần 400m3 gỗ.

 

Được biết, toàn bộ số lô gỗ nói trên đã được trục vớt sau cơn bão số 3, số 4 vào thời điểm tháng 7 và tháng 8/2018.

Việc tập kết, trông coi cũng được các lực lượng chức năng phối hợp tham gia, trông coi suốt hơn 01 năm qua ở các xã tiếp giáp với nước bạn Lào.

Theo ghi nhận của PV, riêng tại xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, chúng tôi thấy hàng trăm m3 gỗ tròn, thanh các loại được tập kết dọc khe suối tiếp giáp với nước bạn Lào. Từ trung tâm UBND xã Keng Đu, phải đi qua hàng chục Km đường đất đèo quanh co mới vào được điểm tập kết gỗ.

Tại điểm tập kết gỗ ở Nhôn Mai, Tương Dương thì hàng chục m3 gỗ tròn Đinh Hương được một hộ dân trông coi, bảo vệ ngay khu vực sát Đồn Biên phòng Nhôn Mai.

Hầu hết các điểm tập kết gỗ quý sau khi được xác lập quyền sở hữu toàn dân đều được che đậy, bảo quản sơ sài rồi để “dãi nắng, dầm mưa” suốt hơn một năm qua.

Gần 400m3 gỗ quý đã được xác lập "sở hữu toàn dân" hơn 1 năm vẫn đang nằm "dầm mưa, dãi nắng"

Điều đáng quan tâm là hầu hết các điểm tập kết gỗ quý sau khi được xác lập quyền sở hữu toàn dân đều được che đậy, bảo quản sơ sài rồi để “dãi nắng, dầm mưa” suốt thời gian qua nhưng mãi chưa được “xử lý” liệu có bị hư hỏng? Và, câu trả lời về số phận lô gỗ quý ở đây trước đó cá nhân, tổ chức nào được phép trục vớt, quản lý… vẫn đang là ẩn số.

Trước những thắc mắc của PV về tiến độ xử lý, hoàn thiện hồ sơ để gần 400m3 gỗ quý nói trên không bị hư hỏng, lãng phí thì ông Trần Việt Dũng – Phó giám đốc Sở Tài chính nói rằng sẽ kiểm tra phòng chuyên môn phụ trách về tiến độ.

Vậy nhưng, đến thời điểm này số phận của gần 400m3 gỗ quý đang tập kết rải rác ở các xã biên giới thuộc Tương Dương, Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An vẫn chưa thể định đoạt.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Vì sao hàng trăm mét khối gỗ quý nằm “dầm mưa, dãi nắng” ở vùng biên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO