Nghệ An ưu tiên đầu tư hạ tầng tại các Cụm công nghiệp

Đình Tiệp (thực hiện)| 24/03/2022 09:26

(TN&MT) - Nghệ An là tỉnh có hàng chục Cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động. Thế nhưng, cho đến nay cơ sở hạ tầng như đường sá, hệ thống xử lý môi trường của không ít CCN nơi bị thiếu, nơi đã xuống cấp trầm trọng, khó phát huy được hiệu quả sản xuất kinh doanh như mong đợi. Phóng viên Báo TN&MT đã trao đổi với ông Lê Ngọc Hoa  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết khái quát về các CCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay?

Ông Lê Ngọc Hoa: Tính đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh này có tới 53 CCN được quy hoạch. Trong đó, có 24 CCN đã thu hút được khoảng trên 250 doanh nghiệp đi vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%.

Riêng TP. Vinh có 5 CCN. Đó là các CCN Hưng Đông 1, Hưng Đông 2, Đông Vĩnh, Hưng Lộc, Nghi Phú; hay huyện Quỳ Hợp nhiều nhất khi có đến 9 CCN với khoảng trên dưới 100 cơ sở sản xuất, bao gồm các CCN Thung Khuộc, Châu Quang, Châu Hồng, Thọ Sơn 1, Thọ Sơn 2, Châu Lộc, Đồng Lèn, Đồng Cạn và CCN 5 xóm Đồng Hợp; ngoài ra, tại huyện Diễn Châu hiện nay có 2 CCN đang hoạt động, đó là CCN Diễn Hồng và CCN Tháp - Hồng - Kỷ…

anh-5.jpg
ông Lê Ngọc Hoa  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

PV: Các CCN này có vị trí, vai trò cũng như đã tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Hoa: Phải thừa nhận rằng, việc quy hoạch, thu hút đầu tư vào các CCN đã mang lại những lợi ích lớn lao về mặt kinh tế - xã hội đối với tỉnh nhà. Các CCN góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm các ngành công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn, dự án lớn mà tỉnh đã và đang thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT). Đồng thời, khai thác tiềm năng của các vùng miền, các địa phương, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hạ tầng ở các CCN về cơ bản đang thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và khu vực dân cư cận kề.

Bên cạnh đó, có một số dự án đầu tư chưa phù hợp hoặc thiếu tính bền vững như CCN Diễn Hồng (Diễn Châu), CCN Thị trấn Đô Lương, CCN Đông Vĩnh, Hưng Lộc (TP. Vinh)… quy hoạch sát khu dân cư, thường xuyên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường do thiếu hệ thống xử lý nước thải, rác thải...

Đơn cử, CCN Hưng Lộc (TP. Vinh) có quy mô 8,89ha thu hút 11 doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, thời gian qua, mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực trong công tác cải thiện môi trường nhưng vẫn chưa triệt để. Người dân 2 xóm Hòa Tiến, Mỹ Hạ (xã Hưng Lộc, TP. Vinh) nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng về vấn đề khói bụi, tiếng ồn, nước xả thải... của các công ty sản xuất giấy, ván ép, nhựa tái sinh.

Hay như tại xã Đồng Hợp (huyện Quỳ Hợp), toàn xã có 3 CCN với hàng chục doanh nghiệp hoạt động chế biến, cưa xẻ đá các loại. Đó là CCN Đồng Cạn, CCN Đồng Lèn và CCN 5 xóm Đồng Hợp. Tuy nhiên, theo phản ánh thì tất cả các CCN này đều hình thành tự phát đã lâu và mới được bổ sung quy hoạch CCN, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên vấn đề ô nhiễm môi trường là vấn đề nan giải từ nhiều năm trước đến nay vẫn chưa được giải quyết.

thumbnail_anh-3.jpg

Một góc CCN Đồng Cạn, xã Đồng Hợp (huyện Quỳ Hợp) được quy hoạch thành CCN trên cơ sở các xưởng chế biến đá tự phát hình thành từ hàng chục năm trước.

Còn toàn huyện Quỳ Hợp có đến 9 CCN với khoảng trên dưới 100 cơ sở sản xuất nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hạ tầng cũng "chắp vá", không đồng bộ. Hay huyện Diễn Châu hiện nay có 2 CCN đang hoạt động, đó là CCN Diễn Hồng và CCN Tháp - Hồng - Kỷ. Đối với CCN Diễn Hồng, năm 2004 UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết CCN này với diện tích 10ha, với 41 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thu mua, chế biến phế liệu.

Mặc dù CCN Diễn Hồng đã có 3 hồ lắng nước thải, tuy nhiên các hồ lắng này hiện nay đã phủ đầy bèo và gần như không có tác dụng. Hơn nữa nước thải trong khu vực không hoàn toàn được thu gom về đây gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.

Theo Sở Công Thương Nghệ An, các CCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thu hút được 251 dự án vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chủ yếu là các lĩnh vực chế biến khoáng sản, dệt may, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế nhựa... Các nhóm lĩnh vực này đều có nguy cơ ô nhiễm cao nhưng chỉ mới có 10/24 CCN có hệ thống xử lý nước thải.

Năm 2010, UBND huyện Diễn Châu đã quyết định xây dựng trạm thu gom và xử lý nước thải, có công suất xử lý khoảng 300 m3/ngày, đêm, trị giá 6,1 tỷ đồng tại CCN Tháp - Hồng - Kỷ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành và tiến hành chạy thử năm 2012 đến nay, công trình này chủ yếu hoạt động cầm chừng.

PV: Thời gian tới, UBND tỉnh Nghệ An sẽ có những giải pháp nào để từng bước làm thay đổi "bộ mặt" các CCN trên địa bàn tỉnh?

Ông Lê Ngọc Hoa: Chiến lược của tỉnh Nghệ An là thúc đẩy phát triển các CCN đồng bộ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành các ngành công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn mà tỉnh thu hút đầu tư vào các KCN, KKT. Đồng thời khai thác tiềm năng của các vùng miền, các địa phương. Cụ thể vừa qua, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị Quyết về các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các CCN như chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản như đầu tư, nâng cấp đường sá, cầu cống, điện, nước; đặc biệt, sẽ hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt chuẩn để giảm tải áp lực về môi trường, hạ tầng giao thông lên các địa phương có CCN đóng trên địa bàn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An ưu tiên đầu tư hạ tầng tại các Cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO