Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các sở, ngành tăng cường tham mưu, chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng trên.
Từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2013, trên địa bàn hai xã Quang Phong và Cắm Muộn (huyện Quế Phong) và các xã Yên Hòa, Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Thắng (huyện Tương Dương) đã xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép có quy mô và diễn biến phức tạp với sự tham gia của hàng trăm người dân bản địa và một số "đầu nậu" từ các tỉnh khác như Thái Nguyên, Nam Định, Hải Phòng...với các trang thiết bị máy móc hiện đại như máy múc, máy hút, máy khoan cùng các thiết bị thô sơ như cuốc, xẻng, bàn đãi khai thác. Tình trạng trên gây thất thoát tài nguyên quốc gia, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự trên địa bàn, gây bức xúc trong dư luận...
Trước thực trạng trên, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh và có sự phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan (nhất là Công an tỉnh) để vào cuộc xử lý.
Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 06/2013/CT-UBND ngày 07/3/2013, Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 02/5/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc chấn chỉnh hoạt động khai thác trái phép quặng vàng trên địa bàn huyện Quế Phong và huyện Tương Dương. Đặc biệt, Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ.UBND ngày 05/02/2013 ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sở TN&MT cũng ra Công văn số 1208/STNMT.KS ngày 15/5/2013 về việc đề xuất giải pháp quản lý tài nguyên khoáng sản vàng trên địa bàn huyện Tương Dương và Quế Phong.
Sở TN&MT đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các huyện Tương Dương, Quế phong cùng các Sở, ngành cấp tỉnh tổ chức thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài đối với công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và xử lý nạn khai thác khoáng sản vàng trái phép. Đối với giải pháp trước mắt, Sở TN&MT kiến nghị tỉnh chỉ đạo UBND huyện Quế Phong và Tương Dương tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đã được UBND tỉnh và các Sở, ngành đã ban hành, chỉ đạo. Huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã trong việc tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; tăng cường kiểm tra đột xuất tới các địa bàn hay xẩy ra khai thác trái phép để kịp thời xử lý; giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cấp xã thường xuyên cập nhật, báo cáo, đưa nội dung xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xem đây là nhiệm vụ chính trị đột xuất, lấy đây là tiêu chí đánh giá xếp loại tổ chức, cá nhân, đảng viên hàng năm. Làm rõ trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cấp xã trong việc triển khai chậm, lỏng lẻo, đối phó hoặc có dấu hiện bao che cho hoạt động khai thác vàng trái phép. Đồng thời giao cho công an kiểm tra chặt chẽ việc tạm trú, tạm vắng đới với các đối tượng ở địa phương khác, nhất là các phu vàng từ Thái Nguyên để xử lý dứt điểm. Riêng đoàn công tác theo Quyết định 163 của UBND tỉnh phải tăng cường kiểm tra đột xuất, thu thập thông tin để báo cáo UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo huyện xử lý các điểm khai thác trái phép khi mới manh nha, đồng thời hỗ trợ địa phương, xử lý các điểm phức tạp nằm ngoài khả năng của các địa phương.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng tham mưu cho UBND tỉnh đề ra một số giải pháp lâu dài. Trước hết, giao trách nhiệm cho UBND các huyện Quế Phong và Tương Dương chịu hoàn toàn trước pháp luật và UBND tỉnh trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản và các Quyết định, Chỉ thị của UBND tỉnh. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch & Đầu tư; các Sở, ngành khác có liên quan tham mưu UBND tỉnh có chính sách khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân có tiềm lực tham gia đấu thầu thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản vàng theo quy định, nhất là các điểm thường xuyên xẩy ra hoạt động khai thác quặng vàng trái phép. Giao Sở Công Thương và Sở TN&MT, các Sở, ngành khác và các địa phương có liên quan rà soát quy hoạch khoáng sản vàng, kết quả điều tra đánh giá tiềm năng khoáng sản vàng, khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, căn cứ chiến lược phát triển khoáng sản của nhà nước, các quy định hiện hành để lựa chọn, khoanh định khu vực có tiềm năng về khoáng sản vàng mà công tác quản lý không đem lại hiệu quả để thực hiện tham mưu cơ quan có thẩm quyền cấp phép thăm dó, khai thác theo quy định. Giao Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện bảo vệ tốt đất, rừng; đồng thời có kế hoạch xây dựng đề án nông lâm nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân địa bàn có cuộc sống ổn định lâu dài.
Ngoài ra, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản chung trên toàn địa bàn tỉnh. Ngày 23/5/2013, Sở TN&MT tiếp tục có công văn số 1304/STNMT.KS về việc xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Qua đó, Sở đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Vinh phải chủ động tổ chức thực hiện tốt các văn bản UBND tỉnh đã ban hành thực hiện tốt luật khoáng sản năm 2010 và các văn bản yêu cầu tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Đồng thời, yêu cầu báo cáo công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, việc xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Nhờ những giải pháp được đưa ra và triển khai thực hiện kịp thời nên cho đến thời điểm này các "điểm nóng" về khai thác khoáng sản trái phép, nhất là các khai thác vàng tại hai huyện Tương Dương và Quế Phong đã được giải quyết ổn thỏa. Hiện, các giải pháp lâu dài mà Sở TN&MT đưa ra nhằm quản lý khoáng sản vàng tại hai huyện Tương Dương và Quế Phong đang được tiếp tục nghiên cứu, xem xét để áp dụng vào thực tế, sớm ổn định tình hình lâu dài.
Bài & ảnh: Đình Tiệp