Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh Nghệ An phấn đấu trồng thêm được ít nhất 54,25 triệu cây xanh, trong đó có 42,615 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu vực đô thị và khu vực nông thôn; 11,635 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước, vì một “Việt Nam xanh”.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An giao chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán trong cả giai đoạn và từng năm cụ thể tới từng huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, nhiều nhất là các huyện như Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp…
Lãnh đạo Bộ TN&MT trồng cây tại Khu di tích Truông Bồn (huyện Đô Lương, Nghệ An) hưởng ứng Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" |
Đồng thời yêu cầu việc tổ chức trồng rừng, trồng cây xanh phân tán phải đúng thời vụ, thực hiện thường xuyên, lâu dài; việc lựa chọn loài cây phải phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai, đem lại hiệu quả về kinh tế và môi trường. Sau khi trồng, công tác chăm sóc, bảo vệ phải được đặc biệt quan tâm và gắn trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây sau khi trồng đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân.
Từ năm 2021- 2025, sẽ có 42,615 triệu cây xanh được trồng phân tán tại khu vực đô thị và khu vực nông thôn, mỗi năm phấn đấu trồng được hơn 8 triệu cây. Trong đó, ở khu vực đô thị: Tiến hành trồng tại hành lang đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên các trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, các công trình tín ngưỡng, nhà ở và các công trình công cộng khác…
Ở khu vực nông thôn, trồng cây trên đất vườn nhà, hành lang giao thông, ven sông, kênh mương, bờ vùng, bờ đồng, nương rẫy; khu văn hoá, lịch sử, tôn giáo, khu cụm công nghiệp, khu chế xuất; kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp và các diện tích nhỏ phân tán; các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đất bị suy thoái bỏ hoang, bãi thải khai thác khoáng sản và đất chưa sử dụng khác…
Đối với loài cây xanh trồng phân tán trong đô thị ưu tiên trồng các loại cây như: Giáng hương, Bằng lăng, Phượng, Muồng, Lát hoa, Lim xẹt, Lim xanh, Hoàng Nam, Xà cừ, Sưa đỏ, Bàng, Bàng Đài Loan, Sấu, Xoài, Trám, cây Hoa Ban, Sao đen…
Từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh Nghệ An phấn đấu trồng thêm được ít nhất 54,25 triệu cây xanh |
Ở khu vực nông thôn ưu tiên trồng các loại cây: Keo các loại, Bạch đàn lai, Sao đen, cây Hoa Ban, Lim xanh, Sấu, Mỡ, Bằng lăng, Lát hoa, Trám đen, Bơ, Mít, Nhãn, Vải, Xoài, Hồng giòn, Đào, Bưởi, Vú sữa…
Đối với trồng cây xanh tập trung: Thực hiện trồng tập trung trên đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó, trên đất rừng đặc dụng ưu tiên trồng các loại cây như Quế, Trám, Thông nhựa, Lát hoa, Lim xanh, Sở, Giổi, Mỡ… Đối với đất rừng phòng hộ, ưu tiên trồng cây Sao đen, Lát hoa, Lim xanh, Sở, Bần chua, Mỡ. Đối với đất rừng sản xuất tập trung ưu tiên trồng một số loại cây như: Keo Tai tượng, Keo lai, Keo lá tràm, Mỡ, Bạch đàn, Trám, Quế, Thông nhựa, Giổi…
Theo Kế hoạch, năm 2021, toàn tỉnh Nghệ An phấn đấu trồng thêm được ít nhất gần 8 triệu cây xanh, từ năm 2022, mỗi năm trồng bình quân hơn 11,5 triệu cây để đạt mục tiêu đề ra.