Nghệ An: Ô nhiễm nghiêm trọng tại trang trại bò sữa TH - Bài 2: Ai giúp người dân ?

25/06/2013 00:00

Bài 1: "Ốc đảo" ô nhiễm Tân Lâm

 

"Cóc kêu không thấu tri"          

 

Lời tâm sự da diết đến tội nghiệp của bà Nguyễn Thị Cúc ở xóm Tân Lâm cứ ám ảnh tôi mãi: "Ô nhiễm thì đã rõ. Ô nhiễm từ mùi phân, nước tiểu của bò thì ai đi vào xung quanh các trại bò và xóm chúng tôi đều được kiểm chứng. Ngoài ra, hàng ngày có đến hàng trăm, hàng nghìn lượt xe chạy bạt mạng khiến cho bụi bặm bay khắp nơi, bao trùm hết xóm làng, nhà cửa; đồ đạc trong nhà lau chùi liên tục cũng không tài nào sạch bụi. Chưa hết, cổng vào trại số 2 chỉ cách nhà tôi và nhiều nhà khác chưa đầy 50 mét, ở đó lại có bãi đất trống nên cứ mỗi lần xe về chở bò đi là họ phun xịt hóa chất tùm lum, mùi khó chịu lắm; hóa chất tồn đọng lại trên bãi đất, những khi mưa xuống là tống vào nhà cửa, giếng nước và vườn tược, ao cá của chúng tôi hết. Có ở đây mới thấy được nỗi khổ sở, cùng cục của người dân chú ạ".

Chị Nguyễn Thị Phương đứng bên giếng nước nhà mình xót xa: "Cái số của tôi khổ thế đấy chú ạ. Nhà có mỗi 2 mẹ con, chắt bóp mãi mới xây được căn nhà cấp 4 để có chỗ che mưa, che nắng; thế mà cũng chẳng được sống yên ổn mà làm ăn. Nước giếng không dùng được nữa vì đã bị ô nhiễm trầm trọng; năm ngoái họ có hỗ trợ cho 2,7 triệu để mua bồn chưa nước mưa nhưng ngặt nỗi, nước mưa lại hứng trên mái nhà, bụi bặm như thế hứng nước vào bồn rồi cũng không dùng được, phải chạy xa hàng vài cây số xin hoặc mua nước cơ cực vô cùng".

Băn khoăn về một dự án lớn, thế nhưng lại để xảy ra những hiện tượng ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân. PV đặt câu hỏi "Các bác đã bao giờ kiến nghị hay đơn từ gì lên chủ đầu tư và chính quyền chưa?". Bà Nguyễn Thị Nguyệt nói như mếu: "Hết cách rồi chú ơi. Kêu mãi, nói mãi, đơn từ mãi rồi cũng vậy thôi. Cóc kêu không thấu ông trời!".

 

 

 

Nước phân bò ngập đường, vườn tược sau trận lụt (ảnh người dân cung cấp)

 

 

 

 

Nước phân bò tràn xuống khu dân cư trong trận lụt năm 2012 (ảnh do người dân cung cấp)

 


Mòn mi ch tái đnh cư

Những vùng đất nằm trong "vùng lõi" của dự án này đã được các bên liên quan quy hoạch để thực hiện tái định cư. Từ khi xây dựng dự án đến nay, công tác này vẫn đang được các bên nghiên cứu để triển khai nhưng đến nay đang vẫn bế tắc.

Nói về việc tái định cư (TĐC), chị Nguyễn Thị Phương bày tỏ: "Sống ở đây lâu dài thì không thể sống được là điều đã rõ. Giờ dân chúng tôi chỉ mong muốn sao cho chủ đầu tư và chính quyền sớm đền bù và tìm nơi ở mới để chúng tôi ổn định cuộc sống chứ sống thế này mãi khổ lắm chú ạ".

Ông Phan Tiến Hậu, có nhà ở sát phân trại số 2, hiện là cán bộ của trại bò đồng nhất quan điểm: "Là người sống sát sườn nhất với trại bò nên tôi cảm nhận đầy đủ và rõ nhất về sự bất ổn khi sống ở đây. Về lâu dài dứt khoát là không thể sống được. Công tác kiểm đếm tài sản, đo đạc đất đai, nhà cửa đã được tiến hành rồi nhưng không hiểu sao đến nay vẫn còn án binh bất động. Tôi cũng như hàng trăm hộ dân khác chỉ mong sao sớm được chủ đầu tư và chính quyền giải quyết TĐC để ổn định tư tưởng sản xuất, ổn định cuộc sống".

Ngược ra khu vực C10 (xóm 5, xã Nghĩa Sơn), tuy không ô nhiễm nghiêm trọng như ở xóm Tân Lâm nhưng tại đây hàng trăm hộ dân cũng đang phải hứng chịu ô nhiễm từ khu xử lý thức ăn của dự án. Mùi hôi thối bốc lên do quá trình ủ thức ăn, xúc thức ăn và nước thải ra từ nhà máy xử lý nước vệ sinh bò trước khi vắt sữa cũng khiến người dân nơi đây tỏ ra bức xúc.

Anh Nguyễn Văn B, nhà cách khu vực nói trên khoảng 300m nói: "Ở đây thì chưa bị ô nhiễm nước ngầm như ở khu vực C8 và C12 nhưng lại chịu ảnh hưởng của mùi hôi từ quá trình ủ thức ăn cho bò. Nhất là những ngày trời mưa, trời âm u hay có gió mùa Đông Bắc thì hôi thối không thể chịu nổi".

 

 

 

Nước phân bò tràn xuống ao khiến cá chết hàng loạt (ảnh người dân cung cấp)

 

 

 

 

 

 

Nói về mong muốn TĐC, anh B tha thiết: "Kiểm đếm, đo đạc đất đai của Hội đồng GPMB đã lâu nhưng đến nay chưa thấy có động thái nào tích cực cả. Nhà mình cùng lắm là được đền vài ba trăm triệu thì coi như phục vụ cho việc chuyển đến xây dựng cuộc sống ở nơi ở mới là hết. Thế cũng coi như tạm được, miễn sao cho sớm ổn định cuộc sống".

Là người đại diện để thể hiện tâm tư, nguyện vọng của bà con xóm Tân Lâm, ông xóm trưởng Trần Hồng Lý, nói: "Ngay cả nhà của tôi bị dột nát cũng không thể sửa chữa, mùa mưa gió đã đến rồi nên rất lo lắng. Từ khi có quy hoạch dự án đến nay, vì nằm trong quy hoạch nên các hộ dân nơi đây không được sửa chữa, xây mới nhà cửa và các công trình kiến trúc khác; hơn nữa ô nhiễm môi trường thì đã rõ và ngày càng nghiêm trọng hơn; công tác TĐC lại kéo dài năm này qua năm khác mãi khiến cho tư tưởng của người dân không ổn định. Mong sao các cấp chính quyền và chủ đầu tư sớm giải quyết TĐC cho người dân chúng tôi càng sớm càng tốt".

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, đại diện của UBND huyện Nghĩa Đàn thừa nhận việc gây ô nhiễm môi trường của các trại bò sữa TH là có thật.

"Hiện nay dự án này đang triển khai, mới chỉ có khu trang trại số 1 là đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn. Riêng khu trang trại số 2 hiện nay chưa xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn; từ trước đến nay họ chỉ đem phân và nước thải của bò chở lên đổ ở trên đồi cao (đồi Cù Lẵng - PV) nên khi có trời mưa là bị trôi xuống khu dân cư phía dưới khiến cho người dân bức xúc. Thực tế thì UBND huyện Nghĩa Đàn cũng đã có rất nhiều công văn yêu cầu phía TH không được đổ phân ở khu vực cao hơn các nhà dân để tránh ngấm xuống đất và trôi xuống khu dân cư khi có mưa" - ông Lê Đức An, Trưởng Phòng TN&MT huyện Nghĩa Đàn cho biết.

Cũng theo ông Lê Đức An thì công tác chuẩn bị cho TĐC hiện đang được tiến hành nhưng tiến độ phụ thuộc vào Công ty CP thực phẩm TH. Ông An nói: "Vấn đề quan trọng nhất là công tác TĐC cho các hộ dân nơi đây. Hiện, huyện đã quy hoạch được 2 khu vực tại xã Nghĩa Sơn (26ha) và tại xã Nghĩa Lâm (15,2ha) để làm công tác TĐC cho 650 hộ dân của 7 xóm phải di dời. Cuối năm 2012 và đầu năm 2013 huyện đã tổ chức đo đạc đất đai, kiểm đếm nhà cửa, vật kiến trúc khác và cây cối, hoa màu cho 350 hộ dân ở 4 xóm Tân Lâm, Đông Lâm, Cuộn Đá và Nghĩa Chính của xã Nghĩa Lâm. Thời gian tới 3 xóm còn lại là Sơn Hạ, Sơn Trung của xã Nghĩa Sơn và Làng Bé của xã Nghĩa Yên chúng tôi sẽ tiếp tục công việc này. Hiện nay, khu TĐC đang được phía TH lập thiết kế chi tiết (tỷ lệ 1/500 - PV) và huyện được tỉnh ủy quyền thẩm định. Tuy nhiên, khi nào xong giai đoạn này thì mình cũng không nắm được".

 

 

Bài & ảnh: Đình Tiệp

 

 

 

Ngày 25/3/2013, UBND huyện Nghĩa Đàn có Công văn số 320/UBND-TNMT; ngày 10/5/2013 tiếp tục có Công văn 225/UBND-TNMT đề nghị lãnh đạo Ngân hàng TMCP Bắc Á và Công ty CP Thực phẩm sữa TH khẩn trương hoàn thành việc quy hoạch chi tiết xây dựng khu TĐC trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và xây dựng nhà mẫu để lấy ý kiến của các hộ dân, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC và thực hiện chi trả bồi thường cho các hộ dân. Thực hiện di dời những hộ ở quá sát với trại bò trước...Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, các công việc này hiện nay đang được triển khai rất chậm chạp và không biết bao giờ lời khẩn cầu của người dân mới được những người có trách nhiệm thấu hiểu?


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Ô nhiễm nghiêm trọng tại trang trại bò sữa TH - Bài 2: Ai giúp người dân ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO