Nghệ An: Ô nhiễm nghiêm trọng tại trang trại bò sữa TH

26/06/2013 00:00

Xe chở phân bò, nước tiểu bò lên đổ ở đồi Cù Lẵng

Bài 1: "Ốc đảo" ô nhiễm Tân Lâm

Xóm Tân Lâm (xã Nghĩa Lâm - huyện Nghĩa Đàn - Nghệ An) là một xóm mới được hình thành trên cơ sở là các đội của Công ty Rau quả 19/5 trước đây. Từ khi có dự án đầu tư chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH thì xóm này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, người dân nơi đây thường gọi vui đây là "ốc đảo ô nhiễm Tân Lâm"...

 

Chung vách trại bò

Xóm Tân Lâm có 90 hộ dân thì có đến hàng chục hộ là "hàng xóm" khi chung vách với trại bò số 2 của trang trại chăn nuôi bò sữa TH. Vì thế tình hình ô nhiễm môi trường do "sản phẩm phụ" của hàng vạn con bò sữa khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây hết sức khổ cực.

Sáng ngày 6/6/2013, PV Báo TN&MT đã tiếp xúc với những người dân xóm này để tìm hiểu về cuộc sống "ăn ngủ cùng bò sữa".

Nhà chung bức tường với trại bò số 2, ông Phan Tiến Hậu nói: "Tôi nguyên là cán bộ của Đội 10 - Công ty Rau quả 19/5; hiện đang làm công nhân cho Trang trại bò sữa TH. Do nhà ở quá gần với trại bò nên bị ảnh hưởng nhiều vì mùi hôi thối của phân bò, nước tiểu của bò; nhất là vào mùa mưa và mùa đông. Nhà tôi trước đây có cái giếng sâu 22m nhưng bị ô nhiễm nguồn nước, vì thế hơn 1 năm nay phải đào giếng mới sâu 32m thì mới sử dụng để rửa ráy sơ sơ được". Cùng ở sát chuồng bò như hộ ông Hậu còn có hộ ông Lê Quang Kiện và hàng chục hộ gia đình khác. Tất cả đều ngày đêm "ăn ngủ" cùng ô nhiễm từ nhiều năm nay.

Cũng tại xóm Tân Lâm, hộ bà Nguyễn Thị Cúc chỉ cách chuồng bò tại trại bò số 2 chưa đầy 100m, bà Cúc phản ánh: "Từ khi có trại bò mọc lên sát nhà thì cả gia đình sống khổ lắm chú ạ. Ngoài mùi hôi thối của phân và nước tiểu bò thường trực bao quanh xóm giềng thì ban đêm những máy múc, máy cày phân bò làm việc ầm ầm, mùi hôi bốc lên cùng tiếng động inh ỏi khiến chúng tôi không thể ngủ được. Người lúc nào cũng mệt mỏi, nhức đầu, nhức óc lắm. Mấy đứa cháu của tôi tắm nước giếng khoan bị nổi mẩn ngứa, nổi mụt lên khắp người. Thật khổ quá!".

Kêu khổ chán chê, bà Cúc gọi hai đứa cháu là cháu Võ Thị Diệp Sương (16 tuổi) và cháu Võ Đình Phong (7 tuổi) ra rồi kéo quần, vạch áo lên như để chứng minh: "Chú xem hai đứa cháu của tôi tắm nước giếng này, toàn thân nổi mẩn ngứa, mụn nhọt mọc lên, khắp người đầy sẹo. Cháu Phong là con trai còn đỡ chứ cháu Sương nó đã lớn, lại là con gái nên không dám ra khỏi nhà vì sợ xấu hổ với bạn bè".

Thêm vào câu chuyện "tố cáo" trại bò gây ô nhiễm, bà Nguyễn Thị Nguyên, nhà sát bên nhà bà Cúc nghe nói có nhà báo về cũng chạy sang kéo tay PV về nhà mình. Bà ra ngoài vườn chỉ về phía hai cái ao chỉ cách cổng vào trại bò chừng 50m rồi nói liên hồi: "Chú xem, bà con có nói dối chú đâu. Nước ao nhà tôi ngày trước trong vắt, giờ thì nổi váng xanh đen, bốc mùi hôi thối, mùi khai bao trùm khắp nhà. Nguyên tắc là nước ao lên thì nước giếng lên, cái giếng trước đây sạch sẽ là vậy giờ đục ngầu với mùi hôi toàn phân bò, có dùng được đâu, giờ phải tấp lại".

 

 

Những giếng nước không thể sửa dụng ở Tân Lâm

 

Ám ảnh mùa mưa lụt

Tiếp vào câu chuyện ô nhiễm của trang trại bò sữa TH, bà con xóm Tân Lâm không thể quên những ngày tháng kinh hoàng vào mùa mưa bão; nhất là vào mùa mưa năm ngoái (năm 2012).

Bà Nguyên kể lại: "Hôi thối quanh năm đã đành, mùa mưa lụt còn khổ hơn. Như mùa lụt năm ngoái thì chúng tôi cũng hết sống nổi luôn. Cuối tháng 8 một đợt và ngày 6/9 một đợt. Trời mưa to mấy ngày liền, cơ man nào là nước từ khắp nơi đổ về. Kinh hãi nhất là nước phân từ trên núi Cù Lẵng mang theo toàn bộ phân bò chạy ào ào vào xóm làng, vườn tược, nhà cửa...".

Được biết, khu vực Cù Lẵng là khu vực rộng lớn nhưng lại nằm trên đầu nguồn, tất cả các chất thải (phân bò, nước tiểu bò, xác bò chết...) đều được đưa lên khu vực rộng đến vài chục héc ta này để đổ. Tuy nhiên, do ở trên đồi cao, nhà đầu tư lại chỉ đào những chiếc hố rộng đến vài nghìn mét vuông nhưng hết sức sơ sài nên cứ có mưa lớn là toàn bộ nước phân bò tràn xuống khu dân cư.

Anh Kết, một người dân ở xóm Tân Lâm, nhớ lại: "Mùa lụt năm ngoái khiếp nhất anh ạ. Toàn bộ nước phân bò ào ào từ trên núi xuống tràn vào nhà dân, tất cả vườn tược, hoa màu, cây cối của hàng chục hộ dân Tân Lâm ngập trong phân bò, mùi hôi thối bao trùm khắp xóm làng. Ô nhiễm lắm!".

Chị Lê Thị Phương, ở cùng xóm góp chuyện: "Trận "lụt phân bò" đó dân thiệt hai nhiều lắm. Nhiều ao cá bị chết hàng loạt nổi lềnh phềnh, cây cối, hoa màu chết sạch, đất đai trong vườn bao trùm toàn phân là phân, phải dọn dẹp mấy ngày vẫn chưa hết. Ghê nhất là mấy cái giếng thường dùng sinh hoạt trước đây ngập toàn nước phân. Hết dùng từ đó!".

Nhìn loạt hình ảnh và video clip mà người dân cung cấp về trận "lụt phân" kinh hoàng năm ngoái, chúng tôi không khỏi rùng mình. Trong nhiều đoạn video clip chúng tôi có được, hình ảnh nước phân ào ào như sông từ trên khu vực đổ thải Cù Lẵng, từ Trại bò số 2 tràn xuống nhà cửa, vườn tược, ao cá, giếng nước...của người dân rồi đổ xuống sông Sào khiến bất kỳ ai nhìn thấy cũng không khỏi đau lòng.

 

 Nước giếng chỉ dùng tắm rửa nhưng các cháu nhỏ cũng bị mẩn ngửa, nổi mùn nhọt gây ra sẹo khắp người (trong ảnh là những vét sẹo của cháu Võ Thị Diệp Sương - 16 tuổi)

 

Bài & ảnh: Đình Tiệp

Bài 2: Khẩn cầu trong vô vọng

 

Thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa theo quy mô công nghiệp tại huyện Nghĩa Đàn, Công ty CP thực phẩm sữa TH và UBND huyện Nghĩa Đàn phối hợp thực hiện tái định cư (TĐC) cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án. Theo đó, hơn 650 hộ dân ở 4 xóm của xã Nghĩa Lâm gồm: Tân Lâm, Đông Lâm, Nghĩa Chính, Cuồn Đá; các xóm Sơn Hạ, Sơn Trung của xã Nghĩa Sơn và Làng Bé của xã Nghĩa Yên nằm gần cụm các trang trại bò sữa TH phải di dời. Do đó, từ thời điểm triển khai dự án vấn đề TĐC đã được đặt ra. Tuy nhiên, công tác TĐC triển khai quá chậm so với yêu cầu khiến cho hàng trăm hộ dân đang phải sống chung với ô nhiễm từ các trại bò.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Ô nhiễm nghiêm trọng tại trang trại bò sữa TH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO