Doanh nghiệp “sống” nhờ “ăn đất chui”
Có một thực tế đáng báo động là hầu hết các nhà máy gạch nung nói chung và các nhà máy gạch tuynel nói riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang rất khan hiếm nguồn nguyên liệu đất sét để hoạt động. Trong những năm trở lại đây chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay các mỏ sét gạch ngói phục vụ cho hoạt động sản xuất gạch tuynel đang còn hiệu lực. Vì thế, đã từ khá lâu, để có nguồn nguyên liệu đất sét phục vụ cho hoạt động sản xuất gạch thì các chủ doanh nghiệp đều phải tự chủ động liên hệ với người dân có nhu cầu cải tạo ao, hồ đập hay ruộng đồng để mua một cách trôi nổi, bất hợp pháp.
Khai thác đất bán cho nhà máy gạch núp dưới danh nghĩa cải tạo ruộng đồng đang diễn ra phổ biến ỏ Nghệ An |
Vào những ngày đầu tháng 8 vừa qua, khi có dịp về xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương chúng tôi bắt hàng loạt xe tải chở đất sét từ cánh đồng của xã này nối đuôi nhau về Nhà máy gạch tuynel Rào Gang đóng trên địa bàn. Qua tìm hiểu, lãnh đạo nhà máy gạch này liên hệ với người dân có nhu cầu cải tạo ruộng đồng để thuê một đơn vị khác mang máy xúc, xe tải đến đào đất đem về kho dự trữ nguyên liệu của nhà máy gạch để sản xuất. Tại hiện trường, PV ghi nhận hai chiếc máy xúc đang đào bới hết công suất trên một cánh đồng cạn, hàng vạn khối đất đã được đào đi, những thửa ruộng vuông vức đang bị đào bới nham nhở, sâu đến hơn 1 mét. Đường sá đi qua làng mạc bao phủ bởi lớp bụi mù mịt vì dàn xe nườm nượp vào ra.
Tại một địa điểm khác, theo phản ánh của người dân xóm 7, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, lợi dụng việc nạo vét, cải tạo ao đầm để làm trang trại, doanh nghiệp đã dùng hàng chục chiếc xe tải, 3 cái máy múc, múc đất đem đi bán cho công ty Cổ phần gạch ngói 30/4, đóng trên địa bàn xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương.
Tìm đến địa điểm khai thác đất của doanh nghiệp khai thác đất tại xóm 7, xã Nam Thái, chúng tôi rất ngạc nhiên vì một công trường rộng lớn nằm ngay cạnh nghĩa trang nhân dân xã, có 3 máy múc liên tục múc đất lên xe, sau khi múc đầy đất những chiếc xe tải ào ào chạy theo dọc đê Thanh Khai hướng về Công ty Cổ phần Gạch ngói 30/4.
Hàng loạt nhà máy gạch nung tại xã Kỳ Sơn – huyện Tân Kỳ thi nhau nhả khói, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng |
Nói về nguồn nguyên liệu đất sét phục vụ cho quá trình sản xuất của đơn vị, ông Lê Xuân Thanh – Giám đốc Công ty CP gạch ngói và xây lắp Hưng Nguyên, cho biết: “Trước đây, các nhà máy thường lấy nguyên liệu trong khu vực của nhà máy nhưng nay nguồn nguyên liệu đó đã cạn kiệt nên buộc phải mua trên thị trường để duy trì việc sản xuất, kinh doanh. Theo đó, đất cải tạo ruộng đồng và đất nạo vét lòng hồ hiện nay đang được các nhà máy gạch ưa chuộng nhất. Đương nhiên là nguồn đất đó trước khi đơn vị mua thì phải có kiểm nghiệm chất lượng, nếu đạt thì mới lấy”. Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì hầu hết lãnh đạo các Nhà máy gạch tuynel cùng chung lời giải thích như vị giám đốc nhà máy nói trên khi đề cập đến nguồn nguyên liệu đất sét phục vụ cho việc sản xuất gạch nung.
Thanh tra ra hàng loạt sai phạm
Theo kết quả Thanh tra mới đây (công bố tháng 7/2016) của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An về việc chấp hành pháp luật Đất đai, tài nguyên Khoáng sản, bảo vệ Môi trường và tài nguyên Nước đối với 03 Nhà máy gạch tuynel trên địa bàn gồm Xí nghiệp gạch ngói Trung Đô Hoàng Mai; Xí nghiệp gạch ngói Trung Đô Nam Giang (thuộc Công ty CP Trung Đô); Công ty Cổ phần Gạch ngói và Xây lắp Hưng Nguyên thì cả 3 đơn vị nói trên đều có sai phạm.
Đơn cử, theo kết luận thanh tra của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An thì Xí nghiệp gạch ngói Trung Đô Hoàng Mai chưa thực hiện việc nộp hồ sơ thuê đất, đăng ký đất đai theo quy định. Hiện trạng sử dụng đất do chưa được trích đo diện tích đất nên không có cơ sở để khẳng định chính xác diện tích đất đang sử dụng của Xí nghiệp. Đơn vị có Hợp đồng mua bán nguyên liệu đất sét với Công ty TNHH Thư Lộc không có giấy phép khai thác khoáng sản là nguyên liệu đất sét; Nguyên liệu sét được Công ty TNHH Thư Lộc bán cho Công ty có nguồn gốc không hợp pháp. Hiện nay, Xí nghiệp gạch ngói Trung Đô Hoàng Mai cũng không có mỏ nguyên liệu đất sét để phục vụ cho sản xuất. Ngoài ra, đơn vị không có báo cáo cho cơ quan nhà nước đã phê duyệt Đề án BVMT chi tiết về việc hoàn thành các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định; chưa trồng đủ số lượng cây xanh xung quanh nhà máy để giảm thiểu tiếng ồn và bụi thải như Bản cam kết bảo vệ Môi trường được phê duyệt; chưa lắp đồng hồ đo lưu lượng việc khai thác, sử dụng nước và việc xả nước xả thải vào nguồn nước; chưa mở sổ sách theo dõi việc khai thác, sử dụng nước và việc xả nước xả thải vào nguồn nước.
Khai thác đất bán cho nhà máy gạch núp dưới danh nghĩa cải tạo ruộng đồng đang diễn ra phổ biến ỏ Nghệ An |
Đối với Công ty Cổ phần Gạch ngói và Xây lắp Hưng Nguyên, dù năm 2004, UBND tỉnh Nghệ An đã thu hồi 12.731,2 m2 đất để quy hoạch đất ở cho hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, Công ty chưa thực hiện việc đăng ký biến động đất đai theo quy định. Công ty có Hợp đồng mua bán nguyên liệu đất sét với các doanh nghiệp không có giấy phép khai thác khoáng sản nguyên liệu đất sét, sử dụng nguồn nguyên liệu đất sét có nguồn gốc không hợp pháp. Dẻ lau dầu mỡ chưa được thu gom triệt để mà vẫn còn tồn tại ở sân công nghiệp, chất thải nguy hại tự xử lý (tự đốt) mà chưa ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý theo quy định và chưa mở sổ sách theo dõi số lượng, chủng loại chất thải nguy hại theo quy định. Chưa trồng đủ số lượng cây xanh xung quanh nhà máy để giảm thiểu tiếng ồn và bụi thải, đặc biệt là khu vực sản xuất. Công ty chưa lắp đồng hồ đo lưu lượng khai thác, sử dụng nước và việc xả nước xả thải vào nguồn nước; chưa mở sổ sách theo dõi việc khai thác, sử dụng nước và việc xả nước xả thải vào nguồn nước.
Trước đó, giữa năm 2015, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã tiến hành Thanh tra 24 đơn vị sản xuất gạch nung trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Quyết định 138/QĐ-TTr. Theo đó, hầu hết các đơn vị được thanh tra đều tồn tại khá nhiều sai phạm.
Hàng loạt nhà máy gạch nung tại xã Kỳ Sơn – huyện Tân Kỳ thi nhau nhả khói, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng |
Trong đó, những vi phạm mà chủ yếu các đơn vị bị thanh tra đang tồn tại nhiều nhất như không lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ hàng năm (17/24 đơn vị); không có giấy phép xây dựng các hạng mục công trình hoặc xây dựng cơi nới nhà xưởng không có giấy phép xây dựng (20/24 đơn vị); mua sét làm nguyên liệu qua hợp đồng kinh tế nhưng không chứng minh được nguồn gốc đất hợp pháp (17/24 đơn vị)...
Theo tìm hiểu của PV, để xẩy ra nhiều sai phạm như đã nêu ở trên tại các nhà máy gạch nung trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngoài nguyên nhân chủ quan là các chủ doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất kinh doanh thì dư luận đang cho rằng, thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đang có sự buông lỏng trong hoạt động quản lý, giám sát?
Trước thực trạng trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần phải có các biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh, xử lý, sớm đưa hoạt động của các nhà máy gạch nung trên địa bàn tỉnh vào nền nếp, tránh những tiền lệ xấu và hệ lụy không đáng có.
Đình Tiệp