Nghệ An: Nhiều khó khăn trong phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá

19/11/2016 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, cùng với nhiều chính sách phát triển ngư nghiệp thì công tác hậu cần nghề cá đang được các cấp, ngành và địa phương quan tâm, chú trọng. Đây được xem là “bước đệm” quan trọng để góp phần giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nguồn nguyên liệu…trong hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản trên biển. Tuy nhiên, để công tác này thực sự phát huy hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu cho ngư dân yên tâm bám biển vẫn còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Với chiều dài hơn 82km đường bờ biển, 3 cảng cá gồm Cửa Hội (thị xã Cửa Lò), Lạch Vạn (Diễn Châu), Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) và 4 bến cá ở Nghi Tân, Nghi Thuỷ (thị xã Cửa Lò), Lạch Cờn (thị xã Hoàng Mai), Lạch Thơi (Quỳnh Lưu), Nghệ An được xem là địa phương có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Chú trọng nâng cao, mở rộng hoạt động khai thác thuỷ hải sản trên biển cũng là chủ trương chung mà các cấp, ngành và địa phương quan tâm trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, với đội hình hơn 4.000 tàu thuyền (trong đó có gần 1.400 tàu thuyền tham gia khai thác xa bờ công suất trên 90CV) các loại trực tiếp tham gia đánh bắt trên biển, mỗi năm Nghệ An đạt sản lượng khai thác thuỷ hải sản khoảng hàng trăm nghìn tấn tôm, cá các loại.

Lạch Thơi là 4/6 cửa lạch đang bị bồi lắng, gây cản trở không nhỏ tới việc ra vào neo đậu tàu thuyền của ngư dân
Lạch Thơi là 4/6 cửa lạch đang bị bồi lắng, gây cản trở không nhỏ tới việc ra vào neo đậu tàu thuyền của ngư dân

Trong những năm qua, công tác khơi thông dòng lạch, mở rộng cửa biển đã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi sản phẩm cho ngư dân và giúp tàu thuyền ra vào tránh trú bão an toàn. Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An còn xây dựng được 14 khu chế biến thuỷ hải sản tập trung với quy mô sản xuất lớn, hiện đại ở các huyện, thị như Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Cửa Lò. Không chỉ vậy, những khu chế biến tập trung này đã trở thành nơi tiêu thụ thuỷ sản cho ngư dân tại chỗ, góp phần không nhỏ vào việc giải quyết đầu ra sản phẩm mỗi khi tàu thuyền đánh bắt trở về. Bên cạnh đó, hệ thống cung cấp nguyên liệu trực tiếp cho tàu thuyền vươn khơi như xăng dầu, đá lạnh, nhu yếu phẩm…đã phát triển rộng khắp ngay tại các cửa biển, lạch luồng.

Ông Trần Văn Tý, một chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) cho biết: “Những năm trước, khi tàu của chúng tôi muốn vươn khơi, đánh bắt xa bờ thì phải chờ nhiều ngày liền để nạp đủ xăng dầu, đá lạnh và thực phẩm. Còn khi vào bờ phải nối đuôi nhau đợi các tàu vào, ra mới có chỗ neo đậu. Chưa nói tới việc các thuyền viên khi cập bến phải phân công nhau đi tiêu thụ sản phẩm ở các nơi làm sao cho hết số cá, tôm đánh bắt được. Nay, khi tàu về đã có tư thương trực tiếp đến tận mạn tàu để bốc hàng đi tiêu thụ. Còn khi muốn vươn khơi tiếp, chúng tôi cũng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ cung cấp xăng dầu, nguyên liệu cần thiết để đi ngay. Cũng có khi khai thác trên biển nếu được giá thì chúng tôi có thể bán trực tiếp trên biển cho tàu lái buôn luôn mà không cần phải cập bến như trước nữa”. Theo ghi nhận của chúng tôi, với hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng được nâng cấp, đầu tư xây dựng đã phần nào giúp ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi. Chính vì vậy, nhìn vào tổng giá trị thu nhập bình quân đầu người ở các địa phương ven biển đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Tuy nhiên, để nâng cao giá trị khai thác thuỷ hải sản trên biển hơn nữa thì công tác hậu cần nghề cá hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là hệ thống cảng biển, cửa lạch để tàu thuyền ra vào vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Bên cạnh đó, do tác động của thiên tai nên hệ thống cửa biển trong những năm qua đang bị bồi lắng. Chưa kể, việc người dân tự ý xây dựng, cơi nới các công trình dân sinh ở các cửa lạch, gây khó khăn tới việc neo đậu của tàu thuyền.

Ngư dân vận chuyển cá từ tàu xuống bến bãi tại cảng cá Lạch Quèn
Ngư dân vận chuyển cá từ tàu xuống bến bãi tại cảng cá Lạch Quèn

“Với 274 tàu thuyền trực tiếp tham gia khai thác thuỷ sản, trong đó có 220 chiếc đánh bắt xa bờ với công suất 90CV trở lên. Hầu hết, các tàu thuyền trên địa bàn đều ra vào neo đậu ở cửa biển lạch Thơi trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do bị bồi lắng nên nhiều tàu thuyền công suất lớn không thể vào lạch được. Nhiều chủ tàu đã phải neo đậu ở cửa lạch khác thông thoáng hơn mà không dám về lạch Thơi. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn nhà nước tiếp tục đầu tư nâng cấp cửa lạch tại địa phương để ngư dân tiếp tục đóng tàu to, thuyền lớn vươn khơi” – ông Trần Văn Hùng, chủ tịch UBND xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu kiến nghị.

Còn theo thống kê của Cục thuỷ sản thì hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An đang có 4/6 cửa lạch bị bồi lắng, tàu thuyền rất khó có thể vào cập bến.  Ngoài ra, tại một số cửa lạch vẫn chưa có hệ thống phao chỉ dẫn đồng bộ gây nguy hiểm cho tàu thuyền khi ra vào. Chưa kể, hầu hết diện tích các cảng cá hiện nay còn rất nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu để mở rộng, phát triển công tác dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong khi đó, việc phát triển công tác này chủ yếu là những cá nhân, hộ gia đình riêng lẻ, chưa tập trung xứng tầm với nhu cầu thực tế hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Nghệ An, cho biết: Có một thực tế đang tồn tại hiện nay là để phát triển công tác dịch vụ hậu cần nghề cá thì nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn cần sớm được tháo gỡ. Bởi với số lượng tàu thuyền ngày một tăng, trong đó có các tàu công suất lớn đang được triển khai đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP thì việc cập cảng ở các địa phương là rất khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống các cảng cá, bến cá hiện nay không còn quỹ đất để đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá nữa.

Có thể nhận thấy rằng, việc đẩy mạnh hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển đánh bắt xa bờ, nâng cao sản lượng khai thác thuỷ sản. Qua đó, việc xây dựng hậ tầng kỹ thuật nghề cá, hệ thống cảng biển…để trở thành điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, góp phần đảm bảo an ninh và chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, phát huy tốt công tác này chính là giúp ngư dân giảm thiểu tổn hao sau thu hoạch, nâng cao giá trị cũng như chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, để giải quyết các vướng mắc trong công tác dịch vụ hậu cần nghề cá, các cơ quan ban ngành và địa phương cần quan tâm hơn nữa, sớm tìm ra gải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Phạm Tuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Nhiều khó khăn trong phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO