Nghệ An: Người trồng cam "khóc" vì cam rụng sau mưa lũ

15/10/2017 00:00

(TN&MT) - Mưa lớn trên diện rộng ở địa bàn tỉnh Nghệ An những ngày giữa tháng 10/2017 đã thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tại địa bàn trồng cam - nhiều vùng bị nước lũ chia cắt, ngập sâu khiến cho hàng loạt cam bị thối, rụng, gây thiệt hại rất lớn.

“Thời điểm nước cao nhất, có vườn cam ngập đến 1m, nước đổ về xối xả, chúng tôi cũng chỉ biết đứng nhìn chứ không biết làm cách nào để cứu cam cả. Chỉ khoảng 1 tháng nữa thôi là có thể thu hoạch được nhưng bây giờ thì vườn cam tiền tỷ chẳng còn gì nữa rồi…” – Anh Trương Văn Tứ, ở xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp xót xa.

Hàng trăm ha cam đã gần cho thu hoạch gần như bị mất trắng do bị rụng quả sau mưa lũ
Hàng trăm ha cam đã gần cho thu hoạch gần như bị mất trắng do bị rụng quả sau mưa lũ

Sau một năm cần mẫn chăm sóc, vụ vừa qua những gốc cam rất sai quả, có những gốc cam ước tính sản lượng hơn 100 kg/1 gốc. Với giá ban giao động từ 30 - 50.000 đồng/1kg, tùy thuộc vào chất lượng. Hứa hẹn mỗi gốc cam sẽ cho thu hoạch khoảng 3 - 5 triệu đồng. Thế nhưng khi người dân chưa kịp vui mừng thì mưa lũ ập về. Toàn bộ khu vực trồng cam tại xã Minh Hợp sau một đêm mưa nước ngập lênh láng, vườn cam cao thì nước dâng 50cm, vườn thấp hơn thì ngập từ 1-1,2m…, những vườn cam cam trĩu quả ngập trong nước lũ.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, một chủ vườn cam, xót xa: “Sau lũ tôi vào thì không khỏi xót xa. Cam rụng nằm la liệt khắp nơi dưới đất. Những quả bị rụng trước đó bị nước lũ cuốn xuống các con mương nằm chất đống. Những quả trên cây cũng chung số phận,  đang vàng úa cả ra, chỉ cần rung lắc nhẹ là rụng xuống hết”. Cũng theo anh Tuấn, đặc tính của cây cam rất “mẫn cảm” với thời tiết, đặc biệt nếu bị ngập nước thì sẽ bị héo và rụng quả là điều không thể tránh khỏi.

Anh Nguyễn Hữu Quế, xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp buồn bã bên 3ha cam bị rụng gần hết quả
Anh Nguyễn Hữu Quế, xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp buồn bã bên 3ha cam bị rụng gần hết quả

Anh Nguyễn Hữu Quế, xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, cho biết: Gia đình anh có 3 ha cam, chủ yếu trồng giống cam Xã Đoài. Cây cam trồng khoảng 4 năm thì cho quả, ngoài chi phí ban đầu như làm đất, giống cây, phân bón… thì mỗi năm đầu phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng/1 năm/1 ha để chăm sóc. Đến khi cho quả thì phải đầu tư khoảng 200 triệu đồng/ha/1 năm. Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều diện tích cam của gia đình anh đã bị ngập lụt, hơn một nửa số cam trên cây đã rụng, số còn lại vẫn đang tiếp tục vàng úa và rụng tiếp.

“Bây giờ chỉ cần rung cây thôi là cam rụng hàng loạt. Các anh cứ nhìn đó, bây giờ cam thúi hết rồi có còn gì nữa đâu. Nguyên nhân như thế nào cũng chưa rõ, nhưng chắc là do thời tiết mưa nhiều thôi. Mấy ngày mưa lũ qua gần như đã “tiêu diệt” vườn cam của gia đình tôi cũng như nhiều gia đình ở đây, cam rụng vàng vườn. Năm nay coi như trắng tay rồi” – Anh Tuấn buồn bã chia sẻ.

Theo chân  người dân vào các vườn cam đang chuẩn bị cho thu hoạch, ghi nhận của PV là hàng vạn quả cam đã bị rơi rụng xuống đất thối rữa, dọc các kênh nhỏ xung quanh vườn cam đầy ắp những quả cam nằm ngổn ngang.

Hàng chục tấn cam hỏng đã bị bỏ đi
Hàng chục tấn cam hỏng đã bị bỏ đi

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Quỳ Hợp, trong đợt mưa lũ vừa qua có khoảng 288 ha cây ăn quả bị ngập nước, trong đó chủ yếu là cam, quýt, chanh và bưởi … những loại cây này sắp đến thời kỳ thu hoạch nên thiệt hại rất nặng nề.

Tại vựa cam ở xã Minh Hợp có những vùng bị ngập nặng. Mỗi hộ gia đình đã bỏ hàng trăm triệu đồng để chăm sóc vườn cam suốt năm qua, mồ nôi, nước mắt chưa kịp thu thành quả thì lũ về đã cướp đi tất cả. Hiện, vẫn chưa thể thống kê con số thiệt hại cụ thể của bà con nông dân tại đây sau trận lụt vừa qua.

Cam rụng vàng vườn ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp
Cam rụng vàng vườn ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp

Được biết toàn huyện Quỳ Hợp có 2.200 ha cam, trong đó 1.200 ha đã cho thu hoạch, chủ yếu trồng các giống cam như: Xã Đoài, Vân Du, VI, V2 … Chỉ khoảng 1 tháng nữa là đến vụ thu hoạch nhưng chủ yếu đã bị vàng héo và rụng gần hết, trên các cành cây chỉ còn lại lơ thơ vài quả còi cọc.

Còn tại Xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc có hàng trăm hộ dân trồng cam Xã Đoài nổi tiếng với tổng diện tích 10 ha, trong đó 7 ha đã cho quả. Chỉ có một số ít nhà trồng cam trên vườn nguyên thổ, đất cao thoát được nước. Phần lớn cam trồng trong vườn nhà chịu ngập úng nặng do khâu thoát nước khó khăn.

Các hộ trồng cam cho biết, năm nay mưa lớn và kéo dài gây ngập, bộ rễ cám cây bị thối gây nên hiện tượng cam rụng. Toàn xã ước có khoảng 350.000 quả cam Xã Đoài cho thu hoạch thì số bị hỏng rụng chiếm 1/3. Với mức giá bán 50.000 đồng/một quả cam, ước tính số tiền bị thiệt hại của người trồng cam là trên 5,8 tỷ đồng.

Hiện cam vẫn tiếp tục rụng và nhiều hộ gia đình trồng cam có nguy cơ mất trắng, nợ nần
Hiện cam vẫn tiếp tục rụng và nhiều hộ gia đình trồng cam có nguy cơ mất trắng, nợ nần

Ông Nguyễn Đức Sơn - Chủ tịch UBND xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc cho biết: “Cam Xã Đoài có giá trị kinh tế cao nhưng lại thường xuyên phải đối phó với sâu bệnh mà nguồn xuất phát chính là do tình trạng đất trồng bị ngập úng. Địa phương sẽ tổ chức xây dựng hệ thống đường giao thông gắn với kênh mương tiêu thoát nước trong khu dân cư để cây cam Xã Đoài có thể phát triển tốt, tránh những thiệt hại như vừa qua”.

Tại “vựa” cam của huyện Con Cuông là xã Yên Khê cũng đang xảy ra tình trạng tương tự. Hộ ông Phùng Ngọc Bình ở bản Pha, xã Yên Khê có 2ha cam với 650 gốc đang trong thời kỳ thu hoạch, ước tính ban đầu vụ cam năm nay gia đình thu hoạch khoảng 20 tấn. Mấy ngày mưa đã khiến vườn cam của gia đình rụng khoảng 6 tấn quả. Với giá bán hiện tại khoảng 28.000 đồng/kg, gia đình ông thiệt hại gần 200 triệu đồng.

Hàng chục tấn cam hỏng đã bị bỏ đi
Hàng chục tấn cam hỏng đã bị bỏ đi

Tương tự, hộ anh Lê Minh Lưu ở bản Nà Pha, xã Yên Khê có 2,5 ha trồng cam. Trên diện tích này, anh đầu tư trồng 1.000 gốc cam thì có 520 gốc trồng giống cam BH. Anh Lưu cho biết: “Qua mấy ngày mưa to, cam rụng vàng hết gốc cây, bị thối hỏng phải đổ đi. Theo ước tính ban đầu vườn cam gia đình rụng gần 10 tấn quả ước tính thiệt hại gần 300 triệu đồng.”

Hiện tại, Con Cuông có 310 ha cam, có 97 ha đã cho thu hoạch. Trong đó Yên Khê là địa phương có diện tích cam lớn nhất huyện với khoảng 300ha. Ông Vi Văn Đậu - Chủ tịch UBND xã Yên Khê, cho biết: "Toàn xã hiện có khoảng 58ha cam đang cho thu hoạch, ước tính sản lượng đạt 110-120 tấn/ha. Ảnh hưởng đạt áp thấp nhiệt đới vừa qua, trên địa bàn có mưa lớn kéo dài khiến cam bị vàng cuống và rụng rất nhiều. Theo thống kê ban đầu đã có khoảng 1/3 sản lượng cam trên địa bàn bị rụng gây thiệt hại nhiều tỷ đồng của người trồng cam”.

Phạm Tuân – Keny Phan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Người trồng cam "khóc" vì cam rụng sau mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO