Hơn 1 năm nay, gia đình anh La Văn Dương, ở bản Lạ, xã Lượng Minh (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) mỗi khi trời mưa to cả nhà luôn ở trong trạng thái “sẵn sàng cơ động” để chạy sang ngủ nhà người thân ở phía bên kia sông. Từ khi thủy điện Nâm Nơn tích nước vào năm 2014 thì cũng là lúc cuộc sống của gia đình anh bị đảo lộn, sống ngày càng bất an. Anh Dương nói, khi trời mưa nước dâng ban đêm nghe âm thanh lạ, tường nhà, nền nhà đều đã bị nứt ban ngày còn biết mà chạy, đêm hôm biết đường nào mà lần nên cứ trời mưa đi sang bên kia sông ngủ cho chắc ăn. Những lúc không mưa nhưng do tâm lý nên ngủ ở nhà cũng ngủ không ngon, cứ chập chờn. Anh Dương cho biết thêm, nhiều nhà đã dọn đi ở nơi khác, gia đình anh cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng được trả lời là khi nào sạt lở mới giải quyết…
Tường nhà chị Vi Thị Coóng mấy tháng nay có thêm vết nứt kéo dài xuống gần móng |
Không phải chỉ nhà anh La Văn Dương mà có đến gần 20 hộ dân sống ở bản Lạ có nhà ở bên bờ hồ thủy điện, cạnh đường vào trung tâm xã bị sụt lún. Nền nhà của các hộ dân chỉ cách mép nước vài mét, có nhiều đoạn đã tạo hàm ếch nguy cơ sụt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi có phóng viên đến, nhiều người dân đã mời chúng tôi về nhà để tận mắt chứng kiến những vết nứt ở nền nhà và ở tường.
Chị Vi Thị Coóng mới lập gia đình, nhà ở cạnh đường vào trung tâm xã Lượng Minh, nằm chênh vênh bên bờ hồ thủy điện. Nhiều tháng nay, không những nền nhà bị sụt nứt mà bờ tường cũng đã hình thành vết nứt hở rộng cả vài cen ti mét. “Gia đình tôi kiến nghị cấp trên hỗ trợ hoặc di dời đi chỗ khác, ở thế này không an tâm. Thế nhưng đến nay vẫn không thấy ai đoái hoài gì?” – Chị Vi Thị Coóng cho biết thêm.
Móng nhà của anh La Văn Dương bắt đầu có những vết nứt khiến cho anh rất lo lắng |
Dọc bên trái đường vào xã Lượng Minh, 48 hộ dân bản Lạ chỉ ở một lối nhà ở duy nhất mặt tiền hướng ra đường, còn sau lưng là hồ thủy điện. Được biết, hiện tượng nứt, lún một phần do nền đất yếu, quá trình tích nước chỉ cần gặp mưa to đã xảy ra hiện tượng này. Qua quan sát, nhiều nhà ở đây khi làm móng đã đổ trụ bê tông cắm xuống bờ đất khá kiên cố nhưng nền nhà vẫn bị nứt. Theo lời chỉ dẫn, phóng viên đến nhà anh Lim Văn Tứ, cán bộ xã đội Lượng Minh. Trong căn nhà cấp bốn mới xây, từ gian bếp lên gian khách, trên nền nhiều vết nứt chi chít kéo dài gần hết ngôi nhà. Anh Lim Văn Tứ nói: “Nền nứt ngày càng nhiều vết nhưng vẫn phải ở, muốn chuyển đi nhưng không có điều kiện thôi đành cầu may vậy”.
Lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng chị Vi Thị Hồng ở bản Lạ vừa chắt bóp xây được ngôi nhà. Thế nhưng nhiều tháng nay, nền buồng ngủ của vợ chồng bỗng xuất hiện một đường nứt ngang ngay dưới giường nằm. Không cần nói thì ai cũng hiểu, mỗi khi mẹ con chị Hồng lên nằm ngủ với tâm trạng như thế nào. Chị Hồng cho biết, không có đêm nào ngủ ngon giấc, cứ lo ngay ngáy sập nhà. Vết nứt ở dưới giường năm ngày càng dài thêm nên vợ chồng chị ngày càng lo.
Vết nứt dưới giường ngủ mẹ con chị Vi Thị Hồng ngày càng dài và rộng thêm |
Công trình thủy điện Nậm Nơn, ở xã Lượng Linh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An được thiết kế hai tổ máy phát điện với tổng công suất 20MW. Sau khi hoàn thành dòng điện từ nhà máy này đã hòa lưới điện với đường dây 110KV, góp phần đản bảo an ninh năng lượng của quốc gia. Cuối tháng 8/2014, sau khi công trình hoàn thành, thủy điện Nậm Nơn bắt đầu tích nước để tiến hành vận hành thử nghiệm. Cũng là lúc mực nước dòng sông bắt đầu dâng lên thì hiện tượng sạt lở cũng bắt đầu xuất hiện. Hiện tượng trên khiến nhiều hộ dân sống trong khu vực lòng hồ trước đó không thuộc diện di dời trở nên hoang mang, lo sợ.Đến nay, xã Lượng Minh có khoảng 20 hộ có nguy cơ bị sụt lún do sạt lở đất tập trung tại bản Lạ và bản Minh Phương.
Ông Lô Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, huyện Tương Dương cho biết, hiện nay có 4 hộ bị ngập và sụt lún đã được di dời và đền bù, còn khoảng 20 hộ có nguy cơ sập lún bất cứ lúc nào. Từ khi thủy điện tích nước, xã đã lập nhiều văn bản báo cáo và kiểm tra, theo dõi thường xuyên và kiến nghị lên Ban quản lý dự án thủy điện Nậm Nơn. Hiện nay, các nhà dân đang nằm trên mốc cao trình chưa bị sạt lở nhưng nguy cơ cao nên xã cũng đã đề nghị cần sớm di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản của nhân dân.
Phạm Tuân – Tưởng Cao