Theo đó, qua thanh tra cho thấy phần lớn các đơn vị sau khi được cấp giấy phép khai thác đá chưa đầu tư xây dựng cơ bản mỏ hoặc chưa thực hiện xong việc xây dựng cơ bản mỏ nhưng đã tiến hành khai thác để thu hồi vốn dẫn đến việc khai thác sai thiết kế diễn ra hết sức phổ biến. Cụ thể, có 10/45 đươn vị chưa thực hiện xây dựng cơ bản mỏ và 26/45 đơn vị chưa hoàn thành việc xây dựng cơ bản mỏ.
Hơn nữa, nhiều đơn vị được cấp giấy phép khai thác đến thời điểm thanh tra từ 1,5 năm đến trên 5 năm nhưng chưa thực hiện xây dựng cơ bản mỏ và hoàn thiện các thủ tục pháp lý khác có liên quan, không có hoạt động khai thác do không đền bù giải phóng mặt bằng được hoặc không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án nhưng UBND tỉnh Nghệ An chưa rà soát để thu hồi. Cụ thể như giấy phép khai thác số 208/GP-UBND ngày 17/01/2014 cấp cho Công ty TNHH Anh Thi; Giấy phép số 01/QĐ-UBND.TN ngày 04/01/2010 cấp cho Công ty CP Netviet…
Mỏ đá của DNTN Phước Thủy (xã hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên) nơi có đến 20 tồn tại, vi phạm mà Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra |
Cũng theo kết quả thanh tra thì nhiều đơn vị xây dựng các công trình nhà điều hành trên đất trồng rừng chư được cấp có thẩm quyền cho phép, không có giấy phép xây dựng, xây dựng nhà xưởng không đúng quy hoạch tổng mặt bằng được UBND tỉnh phê duyệt về diện tích xây dựng, vị trí và không có giấy phép xây dựng.
Nhiều đươn vị chưa có văn bản xác nhận thực hiện đây đủ các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án để đủ điều kiện đưa vào khai thác theo quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về việc duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án cải tạo phục hồi môi trường của mỏ.
Một số giấy phép khai thác đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp không quy định công suất được phép khai thác trong năm là đá nguyên khai hay nguyên khối dẫn tới khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định công suất khai thác trong năm của đơn vị, như Giấy phép số 5523/QĐ-UBND ngày 21/11/2013 cấp cho Công ty TNHH Thanh Xuân; Giấy phép số 4307/QĐ-UBND.TN ngày 31/12/2012 cấp cho Công ty TNHH Dịch vụ tổng hợp Cựu chiến binh Miền Trung…
Bến bãi tập kết rộng lớn nhưng không làm thủ tục thuê đất của DNTN Phước Thủy |
Nhiều đơn vị đã thực hiện khai thác nhưng chưa hoàn thành các thủ tục về thuê đất đối với khu vực làm bãi tập kết vật liệu xây dựng (13/45 đơn vị) như Công ty TNH Xuân Quỳnh (thị xã Hoàng Mai); Công ty TNHH Hồng Trường (huyện Tân Kỳ); Công ty Long Thành (huyện Quỳnh Lưu); DNTN Phước Thủy (huyện Hưng Nguyên); Công ty CP VLXD 99 (huyện Đô Lương); đặc biệt là Công ty TNHH Nguyễn Bá Lương chưa có hợp đồng thuê đất đối với toàn bộ khu vực khai thác, chế biến và khu phụ trợ.
Hầu hết các đơn vị khai thác chưa đúng theo thiết kế đã được phê duyệt dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động cao. Theo giấy phép khai thác và hồ sơ thiết kế mỏ được phê duyệt chủ yếu hệ thống khai thác là lớp bằng nhưng trên thực tế các đơn vị tổ chức khai thác khấu suốt nghiêng sườn tầng khai thác lớn hơn 75 độ và còn nhiều đá treo nguy hiểm không xử lý.
Nhiều đơn vị còn nợ tiền ký quỹ phục hồi môi trường nhiều năm như DNTN Phước Thủy chưa nộp từ năm 2012 đến nay; Công ty TNHH Nguyễn Bá Lương cũng chưa nộp từ năm 2012 đến nay.
Một số đơn vị không cấp phát trang bị bảo hộ lao động hoặc cấp phát nhưng không đầy đủ, không có sổ theo dõi việc cấp phát; nhiều đơn vị không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người lao động hoặc có khám nhưng không đầy đủ, không bố trí người phụ trách y tế hoặc ký hợp đồng nguyên tắc với cơ sở y tế gần nhất dể phục vụ việc sơ cứu ban đầu khi có tai nạn xẩy ra. Nhiều đơn vị không lập hồ sơ theo dõi, không kiểm định định kỳ an toàn các thiết bị thuộc danh mục phải kiểm định hàng năm. Phần lớn các cơ sở sản xuất đá xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa thực hiện công bố hợp quy với sản phảm theo quy định của pháp luật.
Dựa vào báo cáo kết quả thanh tra theo Quyết định thanh tra số 138/QĐ-TTr, ngày 08/6/2015 của Thanh tra Bộ Xây dựng cho thấy tất cả các đơn vị khai thác đá xây dựng được tiến hành thanh tra (45/45) đều có tồn tại sai phạm. Cá biệt, có nhiều đơn vị để xẩy ra hàng loạt sai phạm kéo dài trong nhiều năm. Qua đó cho thấy các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác đá xây dựng đã không tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực hoạt động của mình. Đồng thời, kết quả thanh tra cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này của UBND tỉnh Nghệ An và các bên liên quan.
Những vấn đề trên cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với từng sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật trong hoạt động khai thác, sản xuất đá xây dựng để kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 thì toàn tỉnh có 202 điểm mỏ; tính đến giữa năm 2015 UBND tỉnh Nghệ An đã chấp thuận chủ trương và cấp giấy phép khai thác, chế biến đá xây dựng cho 127 đơn vị. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay còn khoảng 60 đơn vị có giấy phép khai thác đang còn hiệu lực, số còn lại phần lớn đang thực hiện thăm dò nâng cấp trữ lượng để xin cấp lại, một số mỏ hoạt động không hiệu quả được chủ đầu tư chủ động xin trả lại giấy phép. |
Bài & ảnh: Đình Tiệp