Có 19 địa phương xuất hiện ổ dịch viêm da nổi cục
Địa phương mới nhất xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm này là huyện Yên Thành. Trước đó, có 18 địa phương ở Nghệ An đã có trâu, bò nhiễm bệnh bao gồm: Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Cửa Lò, Nam Đàn, Thanh Chương, Quế Phong, Con Cuông, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Diễn Châu, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai, TX Thái Hòa, Quế Phong, Quỳ Châu, Đô Lương, TP. Vinh.
Như vậy, thời điểm này dịch bệnh viêm da nổi cục đã lan đến 19/21 địa phương (hiện chỉ còn 2 huyện biên giới Kỳ Sơn và Tương Dương chưa xuất hiện dịch). Dịch này đã khiến hơn 1.500 con trâu, bò nhiễm dịch. Tổng số bò, bê, nghé phải tiêu hủy trên địa bàn đến nay là trên 108 con, tổng trọng lượng trên 18 tấn.
Dịch bệnh viêm da nổi cục đã lan đến 19/21 địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An với hơn 1.500 con trâu, bò nhiễm bệnh |
Cụ thể các huyện có ổ dịch nhiều bao gồm: Diễn Châu, Nghi Lộc (14 ổ dịch/huyện); Nghĩa Đàn 10 ổ dịch, Đô Lương 9 ổ dịch. Một số ổ dịch có tổng số con mắc bệnh nhiều, diễn biến phức tạp như xã Vĩnh Sơn (Anh Sơn), phường Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai)...
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An, hiện lực lượng thú y tại các địa phương đang tiêm phòng đồng loạt cho đàn trâu, bò, đặc biệt là ưu tiên cho những xã đang có dịch để hạn chế lây lan trên diện rộng. Mặc dù vậy, với tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh Nghệ An lên đến 750.000 con thì hiện số lượng vaccine chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ. Nguyên nhân là do đây là loại vaccine mới, phải nhập khẩu từ nước ngoài (Thổ Nhĩ Kỳ) nên lượng vaccine trên toàn quốc nói chung và Nghệ An nói riêng không nhiều.
Thói quen chăn thả rông trâu, bò cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh |
Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Nghệ An - cho biết, Chi cục đang tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp, mời các huyện thực hiện huy động mọi nguồn lực để triển khai phòng, chống dịch. Người dân cần khai báo sớm khi phát hiện trâu, bò có dấu hiệu bất thường để khoanh vùng chữa trị. Cần huy động người dân bỏ tiền để mua vaccine cho đàn trâu, bò; mua hoá chất, khử khuẩn bằng vôi và các loại thuốc diệt ruồi muỗi, côn trùng tránh lây nhiễm.
Ra công điện “khẩn” ứng phó với dịch bệnh
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò và các dịch bệnh khác trên gia súc, gia cầm, ngày 02/4/2021, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công điện khẩn số 12/CĐ-UBND yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Giám đốc các sở, ban, ngành có liên quan về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò và Dịch tả lợn châu Phi trong giai đoạn hiện nay.
Dịch tả lợn Châu Phi cũng đang tái bùng phát ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh |
Để chủ động ngăn chặn các loại dịch bệnh nguy hiểm như Viêm da nổi cục trên trâu, bò và Dịch tả lợn châu Phi, Cúm gia cầm, lở mồm long móng... nhằm hạn chế các thiệt hại do dịch bệnh gây ra, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, thị xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.
Đối với bệnh viêm da nổi cục, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan chức năng chỉ đạo người chăn nuôi mua vắc xin tiêm phòng 100% trâu, bò thuộc diện tiêm, mua hóa chất đặc hiệu Hantox, Deltox... để tiêu diệt côn trùng (như ruồi, muỗi, ve, mòng...) là yếu tố trung gian làm lây lan dịch bệnh viêm da nổi cục.
Nghệ An đang "gồng mình" chống các loại dịch bệnh, nhất là dịch bệnh trên đàn gia súc |
Đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, áp dụng nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học theo Quyết định số 3385/QĐ-UBND ngày 01/10/2020 của UBND tỉnh, thực hiện "06 không” trong phòng, chống bệnh: Không dấu dịch, không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết, không giết mổ tiêu thụ thịt lợn bệnh, thịt lợn chết, không vứt xác lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn, không sử dụng nước sông, ao, hồ, kênh, mương chưa qua xử lý để tắm cho lợn, vệ sinh chuồng trại, cho lợn uống; mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh...
Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các ổ dịch khi mới phát hiện, ở phạm vi hẹp, báo cáo đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn/xóm/bản đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định hiện hành; chỉ đạo, tổ chức tốt công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm Vụ Xuân năm 2021 đảm bảo tiêm đạt 100% diện tiêm theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm năm 2021.