Nghệ An: Chưa chú trọng đào tạo nghề cho ngư dân

22/12/2016 00:00

(TN&MT) - Vươn khơi, bám biển là truyền thống “cha truyền con nối” từ nhiều đời nay đối với ngư dân. Chính vì vậy, với việc đi biển lâu năm, họ đã đúc rút kinh nghiệm về xử lý sự cố tàu thuyền, thiên tai…từ thực tiễn để khắc phục, sửa chữa. Tuy nhiên, để ngư dân làm chủ được tàu to, thuyền lớn với các phương tiện máy móc ngày càng hiện đại thì công tác đào nghề hiện nay vẫn chưa được quan tâm, chú trọng.

Xử lý sự cố bằng...kinh nghiệm

Có một thực tế phải công nhận rằng, kinh nghiệm từ dân gian đúc kết xét ở khía cạnh nào đó của cuộc sống thì nó là “bảo bối” để các thế hệ kế cận áp dụng. Cũng chính vì điều đó, trải qua nhiều thăng trằm của lịch sử, kinh nghiệm truyền thống được tạo dựng để con cháu làm theo. Đối với ngư dân cũng vậy, để có được kinh nghiệm đi biển, mỗi chuyến ra khơi gặp “trời yên biển lặng”, họ phải trải qua nhiều đời mới có được. Cả khi xử lý những sự cố về máy móc, phương tiện tàu thuyền đang tham gia đánh bắt trên biển, họ cũng sử dụng kinh nghiệm truyền thống của mình để khắc phục.

Ngư dân hiện nay đang bị động trong công tác xử lý sự cố máy móc tàu thuyền tham gia đánh bắt trên biển
Ngư dân hiện nay đang bị động trong công tác xử lý sự cố máy móc tàu thuyền tham gia đánh bắt trên biển

“Trên tàu của mình cũng có trang bị đầy đủ phương tiện la bàn, độ đàm, ICOM liên lạc, điện… để phục vụ đánh bắt cá. Còn để lựa chọn vùng biển để trúng luống cá, mực thì chỉ còn cách dựa vào kinh nghiệm truyền thống. Theo mùa trăng, mùa nước lên, ngư dân chúng tôi nhổ neo ra khơi. Bây giờ, nhiều phương tiện máy móc hiện đại, tuổi cao nên việc áp dụng để điều khiển với tôi không dễ dàng cho lắm. Cái đó trông nhờ vào lớp trẻ họ nắm bắt nhanh hơn” – Ngư dân Nguyễn Văn Sơn ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) đã tham gia đi biển được hơn 20 năm nay chia sẻ.

Không chỉ riêng ông Sơn mà khi được hỏi về kinh nghiệm đi biển, hầu hết các ngư dân đều chỉ dựa vào phương pháp thủ công để hành nghề. Có nghĩa là, đối với ngư dân thì việc quan sát bằng mắt thường, cảm nhận bằng hướng gió để biết được luồng, lạch, dòng nước di chuyển trên biển để điều khiển tàu thuyền của mình.

Ngư dân hiện nay đang bị động trong công tác xử lý sự cố máy móc tàu thuyền tham gia đánh bắt trên biển
Ngư dân hiện nay đang bị động trong công tác xử lý sự cố máy móc tàu thuyền tham gia đánh bắt trên biển

Không thể phủ nhận được việc đúc rút kinh nghiệm quý báu trong việc đánh bắt thuỷ sản trên biển của ngư dân. Chính trong quá trình vươn khơi, bám biển, họ sáng tạo ra những cách làm hay để nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì hầu hết kinh nghiệm xử lý sự cố nói trên chỉ áp dụng đối với những tàu thuyền công suất nhỏ, đánh bắt trong lộng. Còn đối với những phương tiện công suất lớn, máy móc hiện đại thì kinh nghiệm truyền thống không thể áp dụng hiệu quả được.

Cần nâng cao tay nghề cho ngư dân

Khi được hỏi về công tác làm chủ phương tiện, máy móc hiện đại trên các tàu thuyền lớn thì rất người có thể thành thục được. Thực tế trong thời gian qua đã có không ít tàu thuyền công suất lớn bị hư hỏng trên biển, nhiều chủ tàu đã phải gọi “cứu trợ” ngay khi đang trực tiếp đánh bắt trên biển. Nhiều tàu đã phải nhờ các phương tiện khác lai dắt về bờ mới có thể sửa chữa được máy móc. Chưa kể, không ít trường hợp đánh bắt ngoài khơi xa, tàu máy bỗng dưng bị hỏng thì tất cả các thuyền viên lẫn chủ tàu chỉ còn cách nhờ vào sức gió căng buồm để lênh đênh trên biển. Thuyền viên thiếu, yếu về tay nghề kỹ thuật để có thể sẵn sàng khắc phục sự cố máy móc, phương tiện tàu thuyền là thực trạng đang tồn tại hiện nay.

Khi được hỏi vì sao công tác đào tạo kỹ thuật xử lý sự cố về máy móc, phương tiện tàu thuyền, nhiều ngư dân cho rằng họ không có thời gian để tham gia. “Chúng tôi quen với việc khi lớn lên được cho đi biển học nghề câu mực, vây cá chứ động đến sửa chữa máy móc thì không quen. Có chăng may ra chỉ tự mày mò rồi sửa chữa những phần cơ bản của máy móc. Bây giờ để học nghề cũng phải tốn thời gian, kinh phí nên không ai mặn mà lắm” - Ngư dân Hồ Văn Tý ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai cho biết.

Nhiều tàu thuyền vươn khơi được đóng mới
Nhiều tàu thuyền vươn khơi được đóng mới

Ông Nguyễn Xuân Dinh- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: Để từng bước hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, các cấp ngành cùng với địa phương đã không ngừng triển khai nhiều chính sách một cách kịp thời. Công tác tập huấn, phổ biến về kiến thức thuyền truyền, pháp luật an toàn tàu cá và vùng lãnh hải chủ quyền tham gia đánh bắt hải sản cũng đã được triển khai. Hàng năm, trên địa bàn cũng đã tổ chức 1-2 đào tạo thuyền trưởng ngắn hạn cho ngư dân. Tuy nhiên, những lớp đào tạo này mới chỉ dừng lại ở khâu phổ biến pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ thuyền trưởng tàu cá, nghiệp vụ hàng hải… Còn về công tác đào tạo nghề kỹ thuật để ngư dân chủ động khắc phục sự cố ngay khi tham gia đánh bắt trên biển vẫn chưa được triển khai có hiệu quả.

Ngoài ra, qua tìm hiểu thì trong những năm qua do kinh phí hàng năm hạn chế nên để nâng cao kỹ năng xử lý sự cố kỹ thuật máy móc tàu thuyền, nhiều địa phương vẫn chưa thể triển khai được. Chính vì vậy, để giúp ngư dân làm chủ phương tiện tàu to, thuyền lớn công tác đào tạo nghề kỹ thuật cần phải được quan tâm, chú trọng hơn nữa. Đây cũng là một phần thiết yếu quan trọng trong công tác hậu cần nghề cá, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển dài ngày. Bên cạnh đó, cần mở rộng các lớp đào tạo nghề trực tiếp cho ngư dân, nâng cao tay nghề kỹ thuật, tránh trường hợp các thuyền viên bị động mỗi khi máy móc gặp sự cố. Để làm tốt vấn đề này, ngoài việc hỗ trợ kinh phí thì công tác tuyên truyền cho ngư dân tham gia các lớp đào tạo nghề cũng cần mở rộng hơn nữa.

Nghệ An hiện có gần 4 nghìn tàu thuyền lớn nhỏ đánh bắt hải sản, trong đó có hơn 1.300 tàu khai thác xa bờ công suất trên 90CV. Sản lượng đánh bắt năm 2015 đạt trên 110.000 tấn. Sản lượng 11 tháng năm 2016 đạt trên 106 nghìn tấn, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, ngành đánh bắt thỷ hải sản là một thế mạnh của tỉnh Nghệ An.

 

Phạm Tuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Chưa chú trọng đào tạo nghề cho ngư dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO