Nghệ An: Chỉ đạo “Khẩn” ứng phó với các loại dịch bệnh

Đình Tiệp| 11/02/2020 17:01

(TN&MT) - UBND tỉnh Nghệ An vừa có Công điện “khẩn” chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã và các Sở, Ban, Ngành liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là các bệnh truyền lây giữa động vật và người.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại 747 hộ dân, 46 xóm của 25 xã, thuộc 11 huyện, thị xã; Một số ổ dịch Cúm gia cầm tại huyện Quỳnh Lưu và một số ổ dịch Lở mồm long móng tại một vài địa phương.

Nguyên nhân dịch xảy ra là do nhiều loài mầm bệnh như dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng… đang lưu hành rộng rãi trong đàn vật nuôi và trong môi trường chăn nuôi, thời tiết thay đổi thất thường làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm tại một số địa phương đạt thấp, nhiều hộ chăn nuôi tự ý tái đàn khi chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương. Do đó, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan trong thời gian tới rất cao. Đặc biệt là cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi và lở mồm long móng.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, giám đốc Sở; thủ trưởng các Ban, Ngành liên quan tập trung triển khai quyết liệt đồng bộ một số giải pháp.

Dịch bệnh gia súc, gia cầm đang bùng phát trở lại ở Nghệ An

Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản của Trung ương và tỉnh như: Xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí để chủ động triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch bệnh tại địa phương; Chủ động triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, xử lý dứt điểm khi bệnh mới được phát hiện. Tổ chức tuyên truyền tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và các biện pháp phòng chống.

Đối với Sở NN&PTNT thành lập các đoàn công tác đôn đốc chỉ đạo các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch; báo cáo UBND tỉnh tình hình công tác triển khai tại các địa phương; Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các ngành, các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh để báo cáo tham mưu phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả.

Đối với Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai các biện pháp phòng ngừa các chủng virus cúm và các loại bệnh khác lây từ động vật sang người; Chỉ đạo các cơ quan y tế địa phương tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp người nghi mắc bệnh từ động vật sang người, chủ động phối hợp với cơ quan Thú y để điều tra, xác minh truy xuất nguồn gốc gia cầm có liên quan để xử lý.

Đối với các Sở, Ban, Ngành liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn phải chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND cấp huyện triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ đề phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Chỉ đạo “Khẩn” ứng phó với các loại dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO