Nghệ An: Cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái biển

12/09/2016 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, tình trạng người dân sử dụng mìn, công cụ nguy hiểm để đánh bắt thuỷ hải sản theo phương thức tận diệt trên biển đã gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc kiểm tra, bắt giữ, xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tái diễn khiến môi trường sinh thái biển bị đe doạ nghiêm trọng.

“Giật mình” tình trạng tận diệt nguồn thuỷ sản

Theo thống kê của Chi Cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nghệ An thì trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng gần 4.500 tàu, thuyền đang trực tiếp tham gia đánh bắt thuỷ hải sản trên biển. Tuy nhiên, số tàu công suất lớn đủ năng lực tham gia đánh bắt xa bờ theo hướng hiện đại chỉ chiếm khoảng 6% tổng số tàu, thuyền hiện nay. Số còn lại chỉ có tàu, thuyền sử dụng ngư cụ thô sơ truyền thống để đánh bắt trong lộng chiếm phần lớn. Trong đó, số tàu, thuyền tham gia đánh bắt gần bờ sử dụng mìn, giã điện, lồng bát quái…vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản thời gian qua vẫn đang là vấn đề nhức nhối.

Chỉ tính trong năm 2015 và giữa năm 2016, các cơ quan chức năng đã phát hiện 523 tàu, thuyền vi phạm các quy định về tham gia hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản trên biển, xử phạt gần 700 triệu đồng. Điều đáng nói là trong số các tàu thuyền bị phát hiện vi phạm thì hành vi sử dụng mìn, điện để đánh bắt hải sản vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Cũng trong tổng số tàu, thuyền bị phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng đã tịch thu 29 bộ giã điện, 516 giây lồng bát quái, 2 quả mìn tự chế đã tra dây cháy chậm, 4 thỏi mìn công nghiệp (tương đương khoảng 800g), 4 kíp nổ đã tra dây cháy chậm… Theo các cơ quan chức năng, đây là con số vi phạm khi kiểm tra bất ngờ mới phát hiện ra còn trên thực tế, số tàu, thuyền vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản còn khá nhiều. Và, hoạt động này ngày càng tinh vi nhằm trốn tránh các cơ quan chức năng khiến công tác phát hiện, xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Nghệ An là tỉnh có số lượng tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản lớn với gần 4.500 phương tiện
Nghệ An là tỉnh có số lượng tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản lớn với gần 4.500 phương tiện

Còn theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng ngư dân sử dụng các phương tiện khai thác hải sản kiểu tận diệt hiện nay khá phổ biến. Đơn cử như việc chỉ cần đầu tư chưa đầy 2 triệu đồng, ngư dân có thể mua một bình ắc quy 12V và bộ kích điện tại các cơ sở sửa chữa điện dân dụng là có thể đánh bắt thuỷ hải sản gần bờ. Một số ngư dân còn đấu nối bộ kích điện trực tiếp trên động cơ của tàu, thuyền của mình để sử dụng cho việc đánh bắt hải sản. Đây là cách để ngư dân dễ dàng bắt được các loài thuỷ sản gần bờ với số lượng lớn. Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà khoa học thì phương thức khai thác như vậy đã khiến cho môi trường sinh thái biển bị huỷ diệt nghiêm trọng. Bằng chứng là những sinh vật khi bị ảnh hưởng của dòng xung điện hoặc mìn sẽ không còn sống được trong môi trường dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái là điều khó tránh khỏi.

Tăng cường tuyên truyền – tích cực ngăn chặn

Tình trạng người dân sử dụng các phương tiện, ngư cụ đánh bắt thuỷ hải sản theo kiểu tận diệt đã bị các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, ngăn chặn. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cũng đã chỉ đạo Chi Cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có nhiều giải pháp để tăng cường thời gian bám biển kiểm tra tình trạng này. Qua đó, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị Bội đội Biên phòng ven biển, Phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ và chính quyền các cấp để ngăn chặn kết hợp vận động, tuyền truyền ngư dân không sử dụng các phương tiện, ngư cụ bị cấm vào hoạt động khai thác thuỷ hải sản. Tuy nhiên, tình trạng các tàu, thuyền vẫn sử dụng mìn, kích điện để khai thác làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ hải sản còn diễn ra. Đây cũng là vấn đề được đưa ra tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri tại các địa phương ven biển trong thời gian qua.

Để bảo vệ môi trường sinh thái biển, ngư dân cần chấp hành tốt các quy định của nhà nước về hoạt động đánh bắt thuỷ, hải sản
Để bảo vệ môi trường sinh thái biển, ngư dân cần chấp hành tốt các quy định của nhà nước về hoạt động đánh bắt thuỷ, hải sản

Theo phân tích của các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do nhận thức của ngư dân khi tham gia đánh bắt thuỷ hải sản trên biển. Vì lợi nhuận trước mắt, ngư dân có thể bất chấp pháp luật cũng như sự nguy hiểm đến tính mạng để tận diệt nguồn thuỷ sản, đặc biệt là khu vực gần bờ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tàu thuyền của ngư dân sử dụng mìn để đánh cá bị lực lượng kiểm ngư phát hiện nhưng bỏ chạy, trốn tránh pháp luật. Thậm chí, có trường hợp còn dùng vật nặng để ném chất nổ xuống biển để tẩu tán, xoá tang vật nên lực lượng chức năng không đủ chứng cứ để xử lý. Một nguyên nhân nữa là lực lượng chấp pháp trên biển hiện nay còn mỏng nên sự kiểm tra thường xuyên để phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm còn hạn chế.

Ông Nguyễn Chí Lương, Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nghệ An, cho biết: Để hạn chế tình trạng nói trên cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và các ban, ngành địa phương. Đặc biệt, việc tuyên truyền, phổ biến về Luật Thuỷ sản cùng các quy định của nhà nước cần về lĩnh vực bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản, môi sinh, môi trường cần được thực hiện thường xuyên, liên tục hơn nữa. Mặt khác, việc ngăn chặn nguồn cung ngay từ ban đầu đối với các hành vi buôn bán, tàng trữ trái phép chất nổ trái phép ngay tại các cửa lạch, âu thuyền phải được thực hiện quyết liệt, xử lý nghiêm minh trước pháp luật…

Trước tình trạng nói trên, ngoài việc quyết liệt ngăn chặn thì các cấp chính quyền cũng cần tăng cường phát huy tốt vai trò của các tổ đồng quản lý nghề cá ven biển ở các địa phương trong việc vận động ngư dân thực hiện tốt các quy định của nhà nước. Và, để môi trường sinh thái biển không bị cạn kiệt thì ý thức của ngư dân đang hàng ngày trực tiếp tham gia đánh bắt thuỷ hải sản phải được nâng cao hơn nữa.

 Đình Tiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO