Xã hội

Ngày mới ven phá Tam Giang

Văn Dinh 29/07/2024 - 22:06

(TN&MT) - Sớm tinh mơ, khi mặt trời vẫn chưa tỉnh giấc, ven phá Tam Giang đoạn qua huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã rộn ràng, người dân tất bật để đón khách du lịch. Từ một nơi bình yên, những năm gần đây, vùng đất này dần hình thành mô hình du lịch cộng đồng; du khách cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá và trải nghiệm đầm phá. Cũng từ đó, đời sống bà con vùng sông nước trở nên khấm khá, thu nhập ổn định.

Đổi thay vùng ven phá

Xe chúng tôi xuất phát từ trung tâm TP. Huế, đi qua những khung cảnh làng quê bình yên để đến với thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền). Nơi đây cách Huế hơn 20 cây số và gần đây, làng chài Ngư Mỹ Thạnh nổi lên là điểm sáng du lịch cộng đồng vùng đầm phá Thừa Thiên - Huế.

anh-1(1).jpg
Làng chài Ngư Mỹ Thạnh ven bờ phá Tam Giang

Ngược về quá khứ, làng chài nhỏ với hơn 200 hộ dân sinh sống đã quen với cuộc sống lênh đênh sông nước, coi chiếc thuyền, con ghe là ngôi nhà, nơi sinh cơ lập nghiệp. Năm 1985, sau trận lũ lịch sử, nhiều thuyền dân bị nước cuốn trôi, chính quyền địa phương mới có chủ trương đưa họ lên bờ để định cư dọc đầm phá. Mãi đến khoảng năm 2003, do công tác vận động hiệu quả, người dân quyết định lên bờ ổn định cuộc sống. Thôn chài Ngư Mỹ Thạnh ven bờ phá Tam Giang cũng ra đời từ đó.

Ngư Mỹ Thạnh được thiên nhiên ban tặng không chỉ nguồn thuỷ hải sản phong phú mà còn là vẻ đẹp thơ mộng của những buổi hoàng hôn, bình minh giữa sóng nước Tam Giang. Những năm qua, xóm vạn chài “thay da đổi thịt”, trở nên nhộn nhịp hơn, được nhiều khách du lịch biết và tìm đến, đời sống và thu nhập của người dân ngày càng đi lên.

anh-3.jpg
Chợ nổi thủy sản Ngư Mỹ Thạnh

Có mặt tại khu vực chợ nổi thủy sản Ngư Mỹ Thạnh khi mặt trời còn chưa mọc, cảnh họp chợ ở đây thật đặc biệt, nhìn toàn cảnh như một bức tranh thủy mặc, rất đẹp. Người dân hăng hái mang đủ các loại thủy hải sản như cá bống, cá dìa, cá hom, cá kình, tôm đất, cua, lươn, trìa, ốc... lên bờ sau khi giăng lưới, bủa lừ. Dưới ánh sáng nhẹ nhàng của bình minh, du khách được tận mắt chứng kiến và chọn mua những loại cá, tôm tươi ngon nhất. Không khí xung quanh trong lành, mát mẻ.

Khuôn mặt nở nụ cười sau khi bán hết cá cho khách, chị Văn Thị T. (42 tuổi, thôn Ngư Mỹ Thạnh) chia sẻ, gia đình chị lâu nay gắn bó với vùng sông nước phá Tam Giang đã nhiều đời. Những năm qua, du khách đến đây rất nhiều nhờ mô hình du lịch cộng đồng, vì thế thu nhập từ nghề buôn bán thủy hải sản ở chợ cũng tăng lên.

anh-2.jpg
Chợ nổi giúp bà con tăng thu nhập

“Ngày trước bán tôm, cá rất lâu mới hết, phải ra chợ chính, đi mời mọc từng nhà; bây giờ hễ mang lên chợ nổi thì du khách đã đứng ở đó, họ rất thích thú hải sản ở đây, nên chúng tôi bán rất nhanh, rất nhiều. Nhờ thế, chúng tôi có động lực để đi giăng lưới nhiều hơn, có cá tôm nhiều thì thu nhập cũng tăng, kiếm tiền cho con cái ăn học, cải thiện đời sống...”, chị T. bộc bạch.

Cách đây 3 năm, Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang Quảng Lợi (HTX) được thành lập; gồm khoảng 30 thành viên, với mục đích khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng đầm phá Tam Giang.

Theo ông Phan Văn Ty, Trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh và là Phó Giám đốc HTX, ngày trước, khi còn lẻ tẻ du khách tìm về Ngư Mỹ Thạnh, hoạt động phục vụ du lịch trong thôn chỉ diễn ra tự phát, một vài ngư dân dùng đò co-le đánh cá để chở khách ra đầm phá tham quan rồi về. Mọi thứ chỉ thay đổi kể từ khi những mảng rừng ngập mặn được trồng trước đó bắt đầu tươi tốt, có hình hài và điểm tô những vệt xanh giữa mênh mông sóng biếc, thì vẻ đẹp của phá Tam Giang mới được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.

“Dự án trồng rừng ngập mặn dọc phá Tam Giang được triển khai từ năm 2018, đến nay những mảng rừng này đã phủ xanh ven phá. Cây ngập mặn to lớn, phát triển nhanh giúp tôm, cua, cá... đến ở và sinh sản. Nhờ thế bà con giăng lưới, bủa lừ có thêm kinh tế, thu nhập cũng vài triệu/tháng. Vào những ngày lũ bão, bà con cũng mang thuyền đến neo đậu trong rừng ngập mặn. Không chỉ che chắn, bảo vệ tài sản cho người dân, những cánh rừng bần chua xanh tươi cũng đã tạo nên những cảnh quan tuyệt đẹp, từ đó kéo theo du lịch cộng đồng phát triển”, ông Ty nói.

anh-5.jpg
Rừng ngập mặn dọc phá Tam Giang

Phát triển du lịch cộng đồng

Từ khi HTX ra đời, các thành viên sẽ kết nối, tổ chức cho du khách các tour tham quan làng bích họa, làng rau, làng nghề mây tre đan, các điểm di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Quảng Điền. Từ đó, hình thành các tour tuyến du lịch trải nghiệm như gieo cấy lúa, trồng hoặc thu hoạch hoa màu, bủa lưới, thả lừ, đổ nò, bắt trìa, chèo thuyền SUP trên đầm phá… để du khách hiểu biết thêm về đời sống lao động, sinh hoạt và văn hóa của người dân vùng đầm phá.

Chúng tôi liên hệ với Công ty Du Lịch Đại Bàng, là đơn vị đang phối hợp cùng cộng đồng cư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh tổ chức chương trình trải nghiệm mang tên “Hoàng hôn trên phá Tam Giang” để khám phá vẻ đẹp vùng sông nước nơi đây.

Ngồi trên thuyền, chúng tôi được hòa mình vào bức tranh thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp trên phá Tam Giang, “mục sở thị” những cánh rừng ngập mặn với nhiều cây bần chua mọc san sát nhau tạo nên khung cảnh tràn ngập màu xanh. Cùng với đó, tham gia trải nghiệm các hoạt động đánh bắt thủy sản cùng ngư dân địa phương như đổ nò, đạp trìa... Đến lúc chiều tà, chúng tôi chèo SUP ngắm khoảnh khắc hoàng hôn tuyệt đẹp. Khung cảnh hoàng hôn hòa mình vào cảnh nước non tạo nên bức tranh thiên nhiên đắm say lòng người; cảm giác thư giãn, thoải mái và yên bình, lãng mạn sau những ngày làm việc căng thẳng, mệt nhọc. Cuối cùng, chúng tôi được thưởng thức các đặc sản vùng đầm phá như bánh khoái cá kình, trìa, lệch um chuối chát, tôm đất phá Tam Giang... Ẩm thực địa phương quá tuyệt vời. Một hành trình khám phá và trải nghiệm thật ấn tượng.

anh-7.jpg
Chèo SUP trên phá Tam Giang

Ông Nguyễn Đình Thành – Giám đốc điều hành Công ty Du Lịch Đại Bàng cho biết, du lịch cộng đồng ở vùng phá Tam Giang đoạn qua huyện Quảng Điền đang được đông đảo du khách quan tâm và tìm hiểu, từ đó giúp công ty tổ chức được nhiều chương trình du lịch đến đây. Thông qua chương trình du lịch “Hoàng hôn trên Phá Tam Giang” bằng việc kết hợp cùng bà con cư dân để làm du lịch, lấy cộng đồng bản địa, cảnh quan thiên nhiên, đặc sản địa phương làm nhân tố chính trong sản phẩm giúp du khách có nhiều sự trải nghiệm hơn, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho người dân. Mặt khác, công ty đã xây dựng nhiều sản phẩm mới, các tour tuyến gắn với du lịch xanh kết hợp du lịch bền vững, thu hút du khách trong nước và quốc tế, qua đó quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người quê hương, các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống; góp phần xây dựng văn hóa tôn trọng và bảo vệ môi trường, cung cấp trải nghiệm tích cực cho du khách để lan tỏa một hình ảnh du lịch xanh, sạch, hấp dẫn. Và đây là hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch lâu dài, bền vững, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dẫn lẫn du khách tham quan trải nghiệm.

anh-6.jpg
Du khách đổ nò, bắt trìa

Nhà hàng Cồn Tộc cũng là một địa điểm có tiếng được nhiều người ghé thăm mỗi khi đến Quảng Điền du lịch. Anh Nguyễn Văn Ân, quản lý nhà hàng cho hay, nhà hàng được thành lập từ năm 2016, tuy nhiên từ khi có mô hình du lịch cộng đồng ven đầm phá Tam Giang, lượng khách đến với nhà hàng tăng lên đáng kể.

“Chúng tôi sinh ra từ vùng đất Tam Giang, vì thế mong muốn tạo điểm đến để quảng bá, giới thiệu du lịch vùng đất này. Chúng tôi đã làm đa dạng các món ẩm thực, kết hợp với các công ty du lịch lữ hành để đón khách, xây dựng thêm những dịch vụ hấp dẫn tại nhà hàng để thu hút du khách ở lại lâu hơn, qua đó giúp doanh thu nhà hàng tăng lên, kinh tế phát triển”, anh Ân chia sẻ.

anh-10.jpg
Du lịch cộng đồng ở Quảng Điền ngày càng phát triển với nhiều dịch vụ hấp dẫn

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, du lịch cộng đồng của huyện đã có sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ qua từng năm, góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Huyện đã quan tâm đầu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân để phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ kinh phí cho Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tam Giang Quảng Lợi để xây dựng các sản phẩm, tour tuyến du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống, du lịch trải nghiệm trên phá Tam Giang… UBND huyện cũng đã công nhận sản phẩm OCOP 3 sao đối với dịch vụ du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh. Hàng năm, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Quảng Điền đã giải quyết cho hơn 700 lao động có thêm công ăn việc làm.

“Việc phát triển du lịch dịch vụ nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới là hướng đi cần thiết và quan trọng. Trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức các chuyến tham quan, học tập mô hình du lịch cộng đồng của các địa phương, tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng để họ hiểu được về du lịch cộng đồng. Tổ chức gắn kết các doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành làm du lịch với các chủ thể sản xuất các sản phẩm du lịch cộng đồng để thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cộng đồng để thu hút du khách đến sử dụng và tham gia trải nghiệm”, ông Tuấn Anh cho biết.

Rời Quảng Điền, xe chúng tôi lại băng ngang qua làng chài Ngư Mỹ Thạnh, khung cảnh bình yên, xinh đẹp lại hiện lên như lúc ban đầu. Hi vọng du lịch cộng đồng ở vùng quê sông nước Tam Giang của huyện Quảng Điền sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, để đời sống người dân sẽ tiếp tục đổi thay theo hướng tích cực, kinh tế bền vững.

Tháng 3/2023, một tin vui đến với những người làm du lịch Ngư Mỹ Thạnh nói riêng và huyện Quảng Điền nói chung, khi Bộ NN&PTNT đã phê duyệt thí điểm “Mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, thực hiện từ năm 2023. Giai đoạn 2023-2025, tổng kinh phí thực hiện chương trình là 17,5 tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước và huy động từ các nguồn lực xã hội hóa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày mới ven phá Tam Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO