Ngày mới trên quê hương Thủ Thừa
(TN&MT) - Đến với Thủ Thừa (Long An) trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận từ đô thị đến làng quê nơi đây đã bừng lên diện mạo mới, sức sống mới. Điều dễ nhận thấy đó là những tuyến đường giao thông được thảm nhựa thoáng rộng, các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động nhộn nhịp, nhiều ngôi nhà kiên cố khang trang mọc lên san sát,... báo hiệu sự đổi thay, bứt phá vươn lên trên vùng đất thuần nông này.
Tuy cách trung tâm thành phố Tân An (tỉnh Long An) tầm khoảng 10km, nhưng từ lâu Thủ Thừa vẫn mang vẻ đẹp đậm chất của một vùng quê sông nước yên tĩnh. Trở lại Thủ Thừa lần này, bản thân tôi cũng rất đổi ngỡ ngàng về sự phát triển và sự trù phú mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng riêng cho nơi đây. Nhìn xa xa, những cánh đồng lúa chín vàng rộng mênh mông hòa quyện cùng với những vườn cây xanh ngát, nó tạo nên một bức tranh làng quê thơ mộng, hiền hòa với muôn sắc màu rực rỡ.
Như đã hẹn từ trước, anh Ba là một cán bộ hưu trí tại Thủ Thừa tiếp đón chúng tôi trong niềm vui phấn khởi. Bên quán cà phê ven sông, anh Ba không giấu được sự vui mừng khi chia sẻ về sự đổi thay, bứt phá vươn lên của chính quê hương mình. Bởi theo anh, Thủ Thừa ngày nay đã thật sự đổi thay từng ngày, mà điều đáng ghi nhận nhất vẫn là người dân biết chung sức, chung lòng, cùng nhau xây dựng quê hương làm góp phần thúc đẩy tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Để chứng minh cho lời nói của mình, anh Ba cùng chúng tôi đảo một vòng “khám phá” những đổi thay cơ sở hạ tầng địa bàn huyện. Xe bon bon trên tuyến đường tỉnh 833 đi qua các xã Bình An, Mỹ Thạnh, Mỹ Lạc, Long Thuận…, anh Ba nói rằng: “Trước đây, tỉnh lộ này cũng như các tuyến đường trên địa bàn đều nhỏ hẹp, mùa nắng thì bụi bẩn, mùa mưa lại sình lầy, việc đi lại rất khó khăn. Thời gian qua, hạ tầng từng bước phát triển, nhất là với những tuyến đường, cầu được đầu tư xây dựng, mở rộng, sạch đẹp, giúp cho quê hương thêm khởi sắc”.
Nói thêm về việc làm đường, anh Ba cho hay khi triển khai chủ trương đầu tư xây dựng, đa số người dân địa phương rất đồng tình ủng hộ, trong đó có nhiều người sẵn sàng hiến đất cũng như tài sản của mình trên đất. Rồi đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng, tất cả ai ai cũng rất đổi vui mừng vì đường làng thông thoáng, sạch đẹp, an toàn, nhất là giúp người dân thuận tiện trong vận chuyển hàng hóa và đi lại.
Từ hướng dẫn của anh Ba, chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Thanh Bình ở xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa. Trong câu chuyện của mình, anh Bình cho biết trước kia nơi đây là vùng đất luôn đối mặt với phèn, mặn vào mùa khô nên việc sản xuất nông nghiệp rất bấp bênh, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng và thay đổi phương thức sản xuất nên giúp nông dân có thu nhập khấm khá, đời sống nâng lên. Hiện gia đình anh Bình có 1,5ha diện tích đất lúa sản xuất 3 vụ, mỗi năm sau khi trừ hết các hoản chi phí, anh Bình vẫn còn lãi hơn 150 triệu đồng.
Còn khi được hỏi: “Trong sản xuất nông nghiệp, các vỏ bao bì, lọ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được xử lý thế nào?”, anh Bình cười tươi, nói: “Nơi đây, người dân rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật tuyệt đối không thải bỏ lung tung ra bên ngoài để gây ô nhiễm, cái nào đốt được thì đốt, cái nào không đốt được thì gom về nơi tập trung để xử lý”.
Tuy vậy, đi sâu tìm hiểu, chúng tôi được biết rằng, Thủ Thừa là huyện nông nghiệp, vẫn còn một bộ phận người dân có thói quen với lối sống nông thôn. Bởi thế, hàng năm, cơ quan chuyên môn có kế hoạch liên tịch với tổ chức đoàn thể địa phương để tuyên truyền đến hội viên và người dân về lĩnh vực bảo vệ môi trường, cũng như việc thực hiện trồng cây xanh để chống biến đổi khí hậu, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, thu gom rác; đồng thời thực hiện việc thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo theo quy định.
Ngoài ra, các cấp, các ngành và địa phương còn tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường. Từ đó, giúp người nông dân thay đổi hướng sản xuất theo hướng gắn với bảo vệ môi trường như: thay đổi lề lối canh tác, sản xuất an toàn; nhân rộng mô hình quản lý, sử dụng hiệu quả các loại chất thải trồng trọt, giảm ô nhiễm môi trường và tác động về sức khỏe nhằm bảo vệ bền vững môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng tới xây dựng nông thôn mới phát triển về kinh tế, xanh - sạch - đẹp.
Qua trao đổi với UBND huyện Thủ Thừa chúng tôi được biết, kết quả năm qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó, tổng giá trị sản xuất các ngành chủ yếu đạt kết quả tốt tăng 7,18%; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá; tổng sản lượng ước đạt 237.468 tấn, đạt 114,2% chỉ tiêu tỉnh giao; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng phát triển…
Ông Đinh Văn Sáu – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa chia sẻ, hiện địa phương đã và đang tăng cường thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định phát triển tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mô hình đạt chỉ tiêu theo lộ trình chương trình đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bền vững, thực chất, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Song song đó, tăng cường quản lý, thực hiện tốt các loại hình quy hoạch; điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn cho phù hợp với tình hình mới. Quan tâm kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư; thu hút đầu tư đảm bảo phù hợp quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, sớm đưa thêm các khu công nghiệp đi vào hoạt động nhằm tăng quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.
Đồng thời tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường. Tập trung xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm nóng về môi trường. Chú trọng xử lý nước thải, rác thải công nghiệp và sinh hoạt. Tập trung xử lý địa điểm ô nhiễm bãi rác thải trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp…
Thủ Thừa giờ đây cảnh quang, đường làng như đang khoác lên mình chiếc áo mới, bộ mặt nông thôn đã từng bước đổi thay. Hiện tại, địa phương đang tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản đồng bộ, đa mục tiêu; trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng chuyên canh cây trồng, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường... Trong tương không xa, huyện Thủ Thừa sẽ chuyển mình mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây sẽ thêm no ấm, đủ đầy.