Xã hội

Ngày mới ở Đầm Chuồn

Văn Dinh 30/08/2024 - 16:15

(TN&MT) - Đầm Chuồn sớm mai, mặt nước lấp lánh những tia nắng dịu nhẹ, một bức tranh thiên nhiên đầy thơ mộng hiện ra. Từ vùng quê yên bình, Đầm Chuồn rộn ràng và nhộn nhịp hơn, trở thành cái tên quen thuộc trong bản đồ du lịch xứ Huế...

Từ trung tâm TP. Huế, tôi phóng xe về Đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) với quảng đường dài hơn 10 km, đường sá thẳng tắp, rất thuận tiện để di chuyển. Dưới ánh nắng rực rỡ, phía xa xa hiện lên nhiều nhà hàng, quán xá trên mặt sông nước mênh mông và nên thơ. Đầm Chuồn là một trong những địa danh nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á), được xem là một trong những điểm nhấn độc đáo về phong cảnh trữ tình của xứ Huế.

damchuon-1.jpg
Du khách dạo bước ở Đầm Chuồn

Ở Đầm Chuồn có nhiều nhà hàng đẹp để thực khách ghé vào khi muốn thưởng thức hải sản như Đầm Chuồn Hội Quán, Đầm Chuồn Hương Quán, Đầm Chuồn Lagoon... Hải sản ở đây rất phong phú, tươi ngon và mang tính đặc trưng nhất của vùng đầm phá này như tôm sú, cua, ghẹ, cá dìa, cá kình,...

Có mặt ở quán, điều đầu tiên tôi cảm nhận là không gian cực kỳ sinh động, bắt mắt và thoáng mát khi được trang trí những hình thù rất đẹp bằng chất liệu thân thiện môi trường (chủ yếu là tre, nứa, gỗ), trong đó có tòa tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ được mô phỏng một cách hoàn hảo, đặc biệt hơn khi cạnh đó có lá cờ Tổ quốc bay phấp phới trên một tháp cao. Xung quanh quán có nhiều cây xanh và những cây cầu tre đơn sơ nhưng rất chắc chắn, dẫn thực khách đi từ hết căn chòi này đến căn chòi kia chỉ trong nháy mắt; chỉ mới gần trưa mà quán đã rất đông khách.

damchuon-3.jpg
Không gian xanh và ấn tượng tại Đầm Chuồn Hương Quán

Anh Phan Tùy (41 tuổi), chủ quán đón tiếp trong không khí niềm nở. Anh chia sẻ rằng, quán đã hình thành khoảng 10 năm, ban đầu rất khó khăn nhất là vấn đề kinh tế (nhiều người địa phương cùng góp vốn) và thu hút nguồn khách. Thế rồi, qua thời gian, quán đầu tư nhiều hạng mục hơn, được nhiều người biết đến.

“Hải sản trên quán thì chúng tôi nhập từ người dân địa phương, bà con đánh bắt trên đầm và mang về bán. Mỗi năm, quán thu về trung bình từ 1 - 2 tỷ đồng và hằng năm, chúng tôi thường xuyên sửa chữa, làm mới quán hơn. Quán đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho gần 20 nhân viên. Chúng tôi cũng luôn đảm bảo vệ sinh môi trường, đầy đủ hồ sơ thủ tục, thuê đơn vị thu gom rác thải, mỗi chòi đều có thùng rác và luôn nhắc nhở du khách, nhân viên giữ gìn vệ sinh, không xả thải xuống đầm phá, mặt khác ngoài hưởng ứng phong trào Ngày Chủ nhật xanh của tỉnh hằng tuần thì quán còn tạo ra hoạt động Ngày thứ tư xanh để dọn dẹp rác thải ở quán, bến đò. Bây giờ, thương hiệu quán đã có, du khách tìm đến hằng ngày, chúng tôi rất vui vì sự nỗ lực duy trì, kinh tế ngày càng phát triển, thu nhập ổn định, cùng làm giàu bền vững trên chính quê hương”.

Riêng bản thân anh Tùy, trước đây chưa làm du lịch ở Đầm Chuồn thì bản thân anh cũng rất khó khăn, nguồn thu nhập bất ổn và chưa lấy vợ. Nhiều năm qua, nhờ làm du lịch mà có thu nhập tốt, con cái được học hành đàng hoàng, có kinh phí xây nhà cửa, đầu tư được nhiều thứ...

damchuon-4.jpg
Khách du lịch chọn hải sản ngay trên quán

Sau khi thưởng thức hải sản trên quán, tôi một vòng tham quan Đầm Chuồn trên ghe của ngư dân. Có thể nói rằng, không khí rất trong lành, mát mẻ, cảm giác trải nghiệm sông nước thật mới lạ, khác xa cuộc sống thường ngày. Tôi được khám phá những nò sáo, nò vùng cắm trên những lồng nuôi chuyên biệt của ngư dân, được lên “nhà chồ” xem chỗ trú của ngư dân, thư thả ngắm cảnh sóng nước đầm phá Tam Giang, đươc thử cất nò, thả lưới... Một cảm giác thư thái, thú vị.

damchuon-5.jpg
Hải sản tươi ngon và mang đặc trưng của vùng đầm phá

Được biết, để thu hút du khách đến với Đầm Chuồn, các hàng quán còn liên kết tour tuyến. Ông Trần Quang Hào, giám đốc Huetourist và là chủ điểm trải nghiệm du lịch Đầm Chuồn Lagoon nói rằng, đơn vị đã mở tour “Chiều trên phá Tam Giang”, liên kết với ngư dân địa phương, qua đó hàng chục công ty du lịch trong và ngoài nước đã biết đến và gửi khách đến địa điểm cũng như các cơ sở dịch vụ lân cận. Qua đó, giúp cho kinh tế của cơ sở chúng tôi và người dân ngày càng phát triển hơn.

“Trước đây tôi mở điểm trải nghiệm du lịch ở Đầm Chuồn cũng rất bấp bênh, thu nhập không ổn định. Sau đó, nhờ mở tour tuyến và các dịch vụ đi kèm đã giúp kết nối được nhiều khách, bà con ngư dân địa phương rất vui vì từ khách giúp họ có thêm nguồn thu, có những hộ rất khó khăn, hộ nghèo mưu sinh nhưng khi khách đến Đầm Chuồn ngày càng nhiều thì họ bán được nhiều hải sản hay đồ ăn uống, đời sống khấm khá hơn...”, ông Hào cho hay.

Tôi là dân địa phương ở đây, tuổi cũng đã ngoài 60, từ ngày có du lịch cộng đồng ở Đầm Chuồn, tôi bán bánh lọc, bánh xèo... và chỉ dẫn khách vào các quán, hàng xóm tôi thì lái thuyền chở khách. Nhờ thế có thêm thu nhập ổn định, cái nghèo không còn đeo bám...

Bà Hồ Thị Lệ Chi (xã Phú An)

Trao đổi với PV, ông Đặng Tiến Tùy – Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết, xưa nay ở Đầm Chuồn người dân vốn dĩ quen thuộc với đánh bắt thủy hải sản đơn thuần, thu nhập thấp, nhiều hộ nghèo vẫn không thể đi lên được. Trên địa bàn hiện có 5 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch ăn uống kết hợp với sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản, thu hút một lượng lớn khách tham quan, thưởng thức các ẩm thực đặc trưng của vùng đầm phá. Qua thống kê sơ bộ, hàng tháng các chủ nhà hàng trên địa bàn đã đón khoảng 3.000 lượt khách trong và ngoại tỉnh cũng như khách nước ngoài, những tháng cao điểm lượng khách nhiều hơn. Sự phát triển của các nhà hàng kinh doanh du lịch không chỉ tăng thêm thu nhập cho người dân mà còn tạo ra việc làm cho hàng trăm lao động, đời sống người dân được cải thiện rất nhiều, nhất là những hộ khó khăn, neo đơn, qua đó giảm nghèo bền vững; sự thay đổi và nhận thức, tư duy về cách làm du lịch của bà con cũng chuyên nghiệp hơn, góp phần lớn vào tỷ trọng phát triển kinh tế cho xã nhà.

damchuon-6.jpg
Hằng ngày, du khách đến với các hàng quán ở Đầm Chuồn rất đông, qua đó giúp kinh tế của địa phương phát triển bền vững

Cũng theo ông Tùy, xã đã nghiên cứu các quy định, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan để hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn, cụ thể như phối hợp với Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện để mở lớp đào tạo chế biến thực phẩm giúp cho những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch có kiến thức cơ bản về chế biến thực phẩm, phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh, Công an huyện, phòng Kinh tế hạ tầng huyện tổ chức tập huấn điều khiển phương tiện đường thủy trong hoạt động đưa đón khách cũng như hoạt động khai thác thủy sản nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và ngư dân. Bên cạnh đó cũng đã tập trung lãnh chỉ đạo Công an xã phối hợp với Công an huyện kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo an toàn về PCCC cho các hộ kinh doanh.

“Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ thúc đẩy kêu gọi đầu tư về du lịch trên địa bàn; xây dựng đề án quản lý, khai thác du lịch, dịch vụ ăn uống kết hợp với nuôi trồng thủy hải sản nhằm khai thác hơn nữa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương. Đồng thời tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trên lĩnh vực du lịch một cách quy chuẩn, bài bản và chuyên nghiệp hơn nhằm phát triển kinh tế về du lịch vì đây là một trong những mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế trên địa bàn trong những năm qua và cả những năm tiếp theo”, ông Tùy nói.

damchuon-7.jpg
Cảnh tuyệt đẹp của Đầm Chuồn

Lúc về, tôi ghé thăm chợ làng Chuồn, cũng là điểm nổi tiếng mà du khách tập trung rất đông, trong đó thưởng thức món bánh khoái cá kình đặc trưng của địa phương. Cá tươi rói, bột thơm phức, bánh giòn nóng hổi; cảm giác rất ngon, mê mẩn. “Mong khách về đầm Chuồn càng nhiều thì mới ghé chợ làng nhiều được, từ đó buôn bán mới đắt, gia tăng thu nhập cho bà con nhất là người nghèo”, một tiểu thương ở chợ tâm sự thêm.

Rời Đầm Chuồn, trong đầu tôi vẫn nhớ cảnh người dân trên các hàng quán chăm chỉ phục vụ du khách, ngư dân thì tất bật đánh bắt thủy hải sản. Có thể khẳng định rằng, Đầm Chuồn ngày càng đổi thay, phát triển du lịch một cách bền vững, người dân khấm khá hơn, kinh tế địa phương ngày càng đi lên. Gạt qua những muộn phiền, ồn ào trong cuộc sống, hãy giành thời gian đến với Đầm Chuồn để thả hồn vào chốn bình yên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp riêng biệt của thiên nhiên ban tặng cho xứ Huế và đồng hành cùng người dân vùng đầm phá...

damchuon-8.jpg
Du lịch cộng đồng ở Đầm Chuồn đã giúp đời sống người dân được cải thiện rất nhiều
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày mới ở Đầm Chuồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO