Ngày Khí tượng thế giới 23/3: Tăng cường đầu tư nghiên cứu khí hậu

23/03/2017 00:00

(TN&MT ) - Sáng ngày 23/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ mít tinh kỉ niệm ngày Khí tượng thế giới năm 2017.

Tham dự lễ mít tinh có Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, bà Cecilia Piccioni, Đại sứ Italia tại Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành đối tác phát triển, đại diện lãnh đạo Cục KTTV&BĐKH, Trung tâm KTTV quốc gia, Viện Khoa học KTTV&BĐKH cùng đông đảo các cán bộ công tác trong lĩnh vực Khí tượng thủy văn.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại Lễ mít tinh
Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại Lễ mít tinh

Ngày Khí tượng Thế giới năm nay, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã chọn chủ đề là: “Hiểu biết về mây”. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển: Chủ đề năm nay truyền đi thông điệp về tầm quan trọng của mây trong hệ thống thời tiết, khí hậu, sự cần thiết trong nghiên cứu về mây để nâng cao năng lực, trình độ dự báo thời tiết, khí hậu phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng tránh thiên tai; đồng thời qua đó cũng giúp nâng cao hiểu biết của người dân về các hoạt động khí tượng thuỷ văn, các dịch vụ khí hậu mà ngành khí tượng thuỷ văn cung cấp, các yếu tố ảnh hưởng đến công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn...

Thông qua chủ đề, WMO gửi gắm thông điệp về tầm quan trọng của mây trong cuộc sống từ góc nhìn khoa học và nghệ thuật. Các đám mây đã góp phần điều tiết chu trình nước và toàn bộ hệ thống khí hậu. Hiểu biết về mây là cơ sở quan trọng để dự báo tình hình thời tiết, mô phỏng các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai và dự đoán nguồn tài nguyên nước.

“Chủ đề này rất gần gũi và rất ý nghĩa đối với công tác dự báo, cảnh báo thời tiết, khí hậu, cũng là cách tiếp cận hiệu quả nhằm đưa vấn đề khoa học đến cuộc sống thường nhật để mọi người dễ hiểu, dễ tiếp nhận”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Mây – yếu tố dự tính biến đổi khí hậu

Mây có vai trò quan trọng trong cuộc sống con người, bắt đầu từ thủa xa xưa trong lao động sản xuất, phản ánh qua các loại hình nghệ thuật cho đến tận ngày nay. Trong nghiên cứu về khoa học khí quyển phục vụ công tác dự báo khí tượng thủy văn, “Hiểu biết về mây” để thấy được vai trò quan trọng của mây trong công tác dự báo thời tiết, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm và nắm rõ cơ chế trao đổi năng lượng trong hệ thống khí hậu, hoặc đưa ra các dự tính biến đổi khí hậu trong tương lai xa.

Bà Cecilia Piccioni, Đại sứ Italia tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Bà Cecilia Piccioni, Đại sứ Italia tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học tính toán và giám sát, các nghiên cứu chuyên sâu về mây ngày càng được quan tâm hơn. Trong đó, các nghiên cứu cơ bản về các quá trình vi vật lý và hóa học trong các đám mây đã được thực hiện.

Các nghiên cứu này là tiền đề quan trọng trong cải tiến chất lượng dự báo của các mô hình số trị. Hệ

Công bố bản cập nhật Atlas mây quốc tế

Nhân dịp Ngày Khí tượng Thế giới năm nay, Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố Atlas mây Quốc tế. Lần đầu tiên Atlats có phiên bản điện tử ở địa chỉ: http://wmo-cloudatlas.org/index.php/en/. Trong đó bao gồm nội dung hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn phân loại mây, với hàng trăm hình ảnh về các đám mây như nhóm đám mây cuộn, các vệt mây khi máy bay bay qua, hay các đám mây hình gợn sóng mới cập nhật. Ngoài ra, Atlas còn chứa các thông tin quan trọng về các hiện tượng khí tượng khác như cầu vồng, quầng mặt trời, lốc tuyết và mưa đá.

thống giám sát bằng vệ tinh, ra đa và bề mặt phát triển mạnh mẽ, là thông tin quan trọng trong cải tiến chất lượng số liệu giám sát mây. Trên cơ sở đó, các nghiên cứu về tham số hóa vật lý trong các đám mây cũng phát triển mạnh, chất lượng dự báo của mô hình ngày càng được cải tiến, đặc biệt trong dự báo mưa. Đặc biệt, các thông tin giám sát mây kịp thời thông qua các thiết bị hiện đại, đặc biệt là mây gây hậu quả thiên tai (dông, bão, mưa lớn…) đã góp phần quan trọng trong việc đưa ra các bản tin cảnh báo và dự báo kịp thời, chính xác. 

Ngay từ những năm 1970, những ảnh hưởng trong sự thay đổi tiềm năng của độ che phủ mây đã được nhận định là yếu tố chủ chốt trong vấn đề nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Đây là yếu tố chính gây nên tính không chắc chắn trong các dự tính của mô hình số về sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên sự hiểu biết của con người về sự phản hồi mây chỉ nằm ở mức còn hạn chế, các phương pháp phân tích thông tin phản hồi tuy đã có nhiều tiến triển nhưng còn rất chậm cũng như chưa bao quát, nhiều khái niệm về sự phản hồi còn rất mơ hồ. Nguyên nhân là do bản chất phức tạp của hệ thống khí hậu, sự phản hồi mây được đặt trong mối quan hệ tương tác với sự ảnh hưởng của hoàn lưu khí quyển, đồng thời ở hầu hết các khu vực các kết quả quan trắc về mây là không đầy đủ và theo kinh nghiệm.


Tăng cường hiểu biết về mây

"Hiểu biết về mây trong công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, dự báo khí hậu trong bối cảnh biến đổi khí hậu vẫn là câu hỏi mở cần tiếp tục nghiên cứu tiếp trong thời gian tới”, PGS. TS Huỳnh THị Lan Hương nhấn mạnh.

Hiện nay, mạng lưới trạm KTTV ở nước ta gồm 871 trạm, trong đó có 186 trạm khí tượng có quan trắc yếu tố mây. Mạng lưới các trạm quan trắc này phân bố khắp lãnh thổ, từ miền núi đến đồng bằng ven biển, từ đất liền đến hải đảo xa xôi.

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương: Từ năm 2014, với sự hỗ trợ của Phần Lan, Trung tâm KTTV quốc gia cũng đã có số liệu định vị sét toàn cầu thời gian thực. Hệ thống tại Trung tâm ghi nhận thời gian, vị trí, cũng như cường độ sét giữa các đám mây và giữa mây với mặt đất trên toàn lãnh thổ và trong thời gian ngắn sắp tới, một hệ thống trạm định vị sét sẽ được thiết lập ở Việt Nam.

Toàn cảnh Lễ mít tinh
Toàn cảnh Lễ mít tinh


Trong một vài năm tới, khi hệ thống quan trắc, giám sát gồm các trạm quan trắc truyền thống, quan trắc tự động, vệ tinh, ra-đa, và định vị sét của Trung tâm KTTV quốc gia đi vào hoạt động, chúng ta sẽ có được một hệ thông tin tích hợp đầy đủ hơn, mở ra các định hướng nghiên cứu và dự báo mới về mây và các hiện tượng khí tượng kèm theo.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn cho rằng: Yếu tố con người vẫn sẽ được đề cao trong quá trình hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, đặc biệt là quan trắc mây. Quan trọng là đồng bộ dữ liệu mây với quốc tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về mây, cập nhật, hoàn thiện Atlas mây cho Việt Nam.

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế thúc đẩy xây dựng mô hình dự báo, cảnh báo phù hợp, hiện đại. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao hiểu biết của công đồng về hơn về mây, tầm quan trọng của ngành khí tượng thuỷ văn, dịch vụ khí hậu của ngành trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội và trong công tác cảnh báo dự báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đề nghị các cơ quan tổ chức nghiên cứu về khí tượng, thuỷ văn tiếp tục rà soát, cập nhật kết quả, sử dụng hiệu quả các nghiên cứu về mây. Tiếp tục xây dựng mô hình dự báo phù hợp trên cơ sở những thông tin, kiến thực cập nhật về mây để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ khí hậu chất lượng của ngành, đáp ứng nhu cầu của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

Ban hành Quy định kỹ thuật quan trắc mây

Ngày 15/3/2017, Trung tâm KTTV quốc gia đã ban hành Quyết định số 94/QĐ-KTTVQG về việc ban hành Quy định kỹ thuật quan trắc mây. Tập tài liệu quy định kỹ thuật quan trắc mây được biên tập có tính kế thừa chọn lọc những tài liệu đã xuất bản trước đây và các tài liệu hướng dẫn, quy định mới nhất của WMO về quan trắc mây. Tài liệu đề cập đến hầu hết các khái niệm, các nguyên nhân hình thành, cấu trúc vật lý của mây và về các loại, dạng, tính của mây cũng như hướng dẫn quan trắc mây nhằm nâng cao chất lượng điều tra cơ bản, phục vụ dự báo KTTV và phát báo Quốc tế. Đây cũng là tra cứu, học tập cho các học sinh, sinh viên KTTV và những người có quan tâm đến bộ môn khí tượng.

Khánh Ly

Ảnh: Hoàng Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Khí tượng thế giới 23/3: Tăng cường đầu tư nghiên cứu khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO