Ngày khai giảng 5/9: Khắc phục mọi khó khăn để đưa trẻ đến trường

05/09/2018 09:12

Sáng nay (5/9), học sinh, giáo viên cả nước bước vào khai giảng năm học mới 2018 - 2019 trong không khí hân hoan, phấn khởi. Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, lễ khai giảng năm nay được tổ chức đồng loạt vào buổi sáng, diễn ra ngắn gọn, súc tích và ý nghĩa.

Các địa phương đều nỗ lực

Trước đó, ở nhiều địa phương chịu ảnh hưởng mưa lũ nặng nề của Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La…, cán bộ, bộ đội, các thầy cô giáo và nhân dân trong vùng đã nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai để các em học sinh có thể tựu trường đúng ngày khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, với các địa phương này, sau ngày 5/9 nhiều em vẫn chưa thể đi học vì trường lớp bị ngập lụt, lũ cuốn trôi…

Còn ở TP, nhiều nơi quá tải học sinh, không đủ lớp học nên sau lễ khai giảng nhiều em phải trở về nhà đợi đến ca mình học. Hiện tại, nhiều nơi các em đang phải chịu cảnh lớp học có sĩ số 60 - 70 học sinh, nhiều trường không đủ phòng học, phải học tăng ca hoặc mượn địa điểm để dạy học.

0 muky
Sáng nay (5/9), học sinh, giáo viên cả nước bước vào khai giảng năm học mới 2018 - 2019. 

Tại Hà Nội, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã sẵn sàng. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, sau thời gian ngắn khẩn trương khắc phục hậu quả ngập lụt, cùng với sự chung tay hỗ trợ của nhiều cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể, hiện cũng đã sẵn sàng bước vào năm học mới. Sở đã trao kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt cho 2 trường của huyện Quốc Oai, mỗi trường 100 triệu đồng và 5 trường của huyện Chương Mỹ, mỗi trường 200 triệu đồng…

Công tác chuẩn bị cho năm học mới ở những huyện bị úng ngập đến nay đã hoàn tất. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2018 - 2019, Hà Nội có 2.689 trường và 1.986.809 học sinh (tăng 48 trường và tăng gần 110.000 học sinh). Lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019 sẽ thống nhất tổ chức trên địa bàn TP vào sáng 5/9. Nội dung khai giảng chú trọng đón học sinh đầu cấp, bảo đảm thực sự trở thành ngày hội của các học sinh.

Tương tự như Hà Nội, trong năm học mới này, TP HCM cũng phải giải quyết bài toán sắp xếp chỗ học cho học sinh khi tăng hơn 67.000 học sinh so với năm học trước, tập trung chủ yếu ở các quận vùng ven. Năm học 2018 - 2019, dự kiến toàn TP có 1.677.581 học sinh. Trong đó, bậc tiểu học có số lượng học sinh tăng cao nhất với gần 27.000 em, tiếp theo là bậc mầm non với hơn 20.000 trẻ.

Được biết, bình quân TP HCM mỗi năm tăng khoảng 15.000 học sinh không có hộ khẩu tại TP. Để chuẩn bị cho năm học mới, TP đưa vào sử dụng gần 900 phòng học mới, đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, tuy nhiên áp lực về sĩ số lớp học tại nhiều địa phương vẫn rất cao. Dự kiến, năm nay ngành Giáo dục TP sẽ tuyển dụng trên 5.100 giáo viên, nhân viên để bổ sung cho các đơn vị.

Và trong khi câu chuyện giảm biên chế với hàng ngàn giáo viên bị nghỉ việc ở một số địa phương cũng như cử nhân sư phạm thất nghiệp thì câu chuyện thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra, đặc biệt giáo viên ngoại ngữ và mầm non. Theo một thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước vẫn thiếu 5.616 giáo viên tiếng Anh. Cùng với đó, chất lượng giáo viên ngoại ngữ chưa cao khi 33% cấp THCS và 26% cấp THPT đạt chuẩn.

Đơn cử các tỉnh Lai Châu, Thanh Hoá đều cho biết thiếu khoảng 300 giáo viên bộ môn này. Thiếu giáo viên ngoại ngữ, đi kèm trình độ giáo viên chưa đảm bảo, dẫn đến hiệu quả đào tạo môn học này chưa cao. Kết quả thi THPT vừa qua cho thấy tiếng Anh là môn thi có điểm trung bình 3,91, thấp thứ hai sau môn Lịch sử, với gần 80% thí sinh đạt điểm dưới trung bình.

Cũng theo thống kê chưa đầy đủ từ 43 tỉnh, thành cho thấy, các trường học đang thiếu gần 76.000 giáo viên, trong đó số giáo viên mầm non chiếm gần 60%. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng GD&ĐT cho biết, giáo viên mầm non thiếu ở rất nhiều địa phương, đặc biệt ở tỉnh Điện Biên hay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng tại Hà Tĩnh, giáo viên mầm non còn thiếu 800 người, khoảng 1.200 trẻ không được nhập học vì thiếu giáo viên cũng như trường lớp.

Lễ khai giảng vì học sinh

Thời gian trước đây, lễ khai giảng năm học mới đã được nhiều địa phương, nhiều trường tổ chức theo phương châm ngắn gọn, trang trọng… nhưng cũng vẫn có nơi lễ khai giảng còn rườm rà, dài dòng, kết hợp nhiều đầu việc trong ngày khai giảng gây ấn tượng xấu với phụ huynh, còn các con thì mệt mỏi, sợ ngày khai giảng.

Vì vậy, những năm gần đây, để có lễ khai giảng vì học sinh, Bộ GD&ĐT lưu ý, việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương; bảo đảm thiết thực, hiệu quả  để tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh. Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản của học sinh, tránh việc tổ chức hình thức, gây quá tải cho học sinh.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, ngày khai giảng phải đặt mục tiêu phục vụ học sinh là chính chứ không phải để phục vụ lãnh đạo. Do đó, để ngày hội đó thật sự vui vẻ, phấn khởi cho năm học mới, cho học sinh, nội dung khai giảng cần ngắn gọn, súc tích, chương trình chặt chẽ, không nên kéo dài thời gian. Cũng nên đưa vào những tiết mục văn nghệ với những bài hát mà học sinh yêu thích chứ không nên năm nào cũng chỉ hát những bài hát truyền thống thôi là chưa đủ.

Như nhiều tỉnh, TP khác, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, chủ trương về tổ chức lễ khai giảng tại TP HCM là “ngắn gọn, súc tích, tiết kiệm, nêu bật được phương hướng phấn đấu của nhà trường trong năm học mới”. Đặc biệt, đối với diễn văn khai giảng của Hiệu trưởng phải ngắn gọn, không được báo cáo thành tích.

Hiệu trưởng đánh trống khai trường và khen thưởng cá nhân, tập thể. Lồng ghép tổ chức đón học sinh vào các lớp đầu cấp. Nếu có lãnh đạo tham dự, chỉ mời lãnh đạo các cấp đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường tại buổi lễ. Đối với phần hội, sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian vui tươi, sinh động, lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày khai giảng 5/9: Khắc phục mọi khó khăn để đưa trẻ đến trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO