Ngày hội sẽ diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Trưng bày, tham quan các gian hàng, giới thiệu sản phẩm nông sản; biểu diễn nghệ thuật, chiếu phóng sự về sản xuất nhãn; trao Giấy chứng nhận và nghi thức Lễ khởi hành xuất khẩu sản phẩm nhãn sang thị trường Trung Quốc và các nước; hội thi nhãn ngon, an toàn; thi trưng bày các gian hàng của các xã, thị trấn; tổ chức thi các trò chơi dân gian…
Qua Ngày hội, huyện Sông Mã mong muốn quảng bá, giới thiệu sản phẩm Nhãn đến với mọi người tiêu dùng, từ đó làm tăng giá trị của loại cây trồng chủ lực của huyện, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho nhân dân.
Thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La về phát triển cây ăn quả thay thế cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc, tới nay, huyện Sông Mã có khoảng 34.000 hộ dân trồng nhãn tại 19 xã, thị trấn, với diện tích 6.736ha, sản lượng ước đạt 30.000 tấn quả tươi, phân bổ chủ yếu ở các xã dọc sông Mã gồm Mường Sai, Chiềng Khương, Chiềng Cang, Thị trấn, Nà Nghịu, Yên Hưng, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong...
Người dân Sông Mã đã áp dụng chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, Organic, bón phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học cho cây trồng. Nhờ đó, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Nhãn Sông Mã mang một hương vị rất đặc trưng riêng có của núi rừng Tây Bắc. Quả nhãn to, căng mọng, có màu vàng nâu, cùi dày, hạt nhỏ, ngọt sắc. Không chỉ thế, quả nhãn còn được người dân Sông Mã sấy khô thành long nhãn, một vị thuốc đông y rất có lợi cho sức khỏe.
Đặc biệt, năm 2017, huyện Sông Mã đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu “Nhãn Sông Mã”, góp phần quan trọng giúp sản phẩm nhãn nâng cao thương hiệu, uy tín, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cây nhãn đã và đang là cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững cho mảnh đất vùng biên Sông Mã.
Được biết, năm 2018, huyện Sông Mã đã xuất khẩu khoảng 300 tấn nhãn quả tươi sang Trung Quốc theo con đường chính ngạch. Phấn đấu vụ nhãn năm nay sẽ xuất khẩu khoảng 6.000 tấn sang thị trường Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc…; tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 19.000 tấn.
Dự kiến, từ nay tới năm 2020, Sông Mã sẽ tiếp tục giảm mạnh diện tích trồng ngô, cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc kém hiệu quả để chuyển sang trồng các loại cây khác. Mục tiêu, tới năm 2020, toàn huyện có khoảng 7.500 ha nhãn, là vùng trồng nhãn lớn nhất cả nước.