Ngát thơm hương quế Bảo Yên

Bài và ảnh: Bích Hợp| 25/08/2020 11:47

(TN&MT) - Từ Yên Sơn, Long Phúc, Long Khánh đến Xuân Hòa, Tân Dương, Vĩnh Yên… những năm gần đây, màu xanh của cây quế dần thay thế nhiều cây trồng khác phủ xanh khắp các triền đồi. Cây quế không những là cây “xóa đói, giảm nghèo” mà còn trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ nông dân Bảo Yên.

“Đổi đời” nhờ cây quế

Đi dưới tán quế ken dày, tỏa hương thơm ngào ngạt trên những triền đồi ở huyện Bảo Yên, chúng tôi cảm nhận rõ sức sống mới mà cây quê đem lại cho vùng đất này. Nhiều diện tích đất trồng sắn, đất đồi núi trọc được người dân phủ xanh bằng cây quế.

Vừa kết thúc vụ khai thác quế thứ 2 trong năm nay, anh Nông Văn Toàn, người dân tộc Dao ở Xã Yên Sơn (Bảo Yên, Lào Cai) phấn khởi khoe nhà mình có 9 ha quế được trồng trên đất khai hoang. Mỗi năm anh thu hoạch 2 vụ, vào tháng 3 và tháng 8 theo phương thức thu tỉa hoặc khai thác trắng. Trong đó, nếu chọn cách khai thác trắng thì từ khi trồng đến khi thu hoạch toàn bộ phải mất 10 năm.

Với 9 ha trồng quế, gia đình anh chọn cách trồng luân phiên, mỗi năm thu hoạch và trồng mới trên 1 ha. Làm như vậy, năm nào cũng có quế thu hoạch. Theo đó, năm nay gia đình bóc vỏ quế bán được 250 triệu đồng. Sau trừ đi chi phí trồng mới, chi phí sinh hoạt của gia đình, anh để dành được 180 triệu đồng.

Cây quế đã làm đổi thay cuộc sống của người dân tại huyện vùng cao Lào Cai.

Gần chục năm nay, năm nào cũng thu được từng đó tiền. Có năm trừ đi chi phí số tiền còn lại khoảng 120 triệu, cũng có năm để dành được khoảng 180 triệu đồng. Tiền này anh đem cất đi đến giờ cũng được 1,5 tỷ đồng. Anh Toàn chia sẻ, ngôi nhà khang trang vùa mới xây xong hơn 1 tỷ của gia đình là nhờ tiết kiệm trồng quế mà có. Không những có nhà mới to đẹp, gia đình anh toàn còn mua được hơn 10 con trâu từ tiền thu nhập do trồng quế.

Anh Toàn kể, quế là cây đặc sản ở địa phương, các năm trước, gia đình anh trồng quế được nhưng đều là trồng tự phát. Đến mùa thu hoạch, giá bán vỏ quế khô chỉ được 40.000 đồng/kg.

Mấy năm gần đây, gia đình tham gia nhóm trồng quế theo quy trình hữu cơ, lúc trồng không được bón phân, không được sử dụng thuốc diệt cỏ. “Tôi còn phải ghi chép nhật ký từng ngày chăm sóc để làm tài liệu cho cán bộ dự án thực hiện thủ tục xin cấp Chứng nhận sản phẩm rồi đem đi xuất khẩu nữa”. Anh cũng cho biết, trồng cây quế hữu cơ, vỏ quế bóc ra được doanh nghiệp thu mua toàn bộ với giá 60.000 đồng/kg, cao gấp rưỡi so với khi bán cho thương lái.

Chị Nguyễn Thị Phượng, một hộ dân trồng quế hữu cơ tại Yên Sơn cho biết, gia đình có 10 ha trồng quế, tất cả đều là quế hữu cơ. Năm nay, chị thu tỉa được 10 tấn vỏ tươi, tương đương 5 tấn vỏ khô, bán được 250 triệu đồng. Thân gỗ chặt bán với giá 1,2 triệu đồng/m3.

Ngoài số quế khai thác từ rừng quế gia đình mình trồng, chị Phượng còn đứng ra làm đại lý thu mua quế từ bà con nông dân tại các xã xung quanh rồi bán lại cho các nhà máy chế biến xuất khẩu quế. Năm nay, cơ sở của chị thu mua gom 600 tấn vỏ quế khô, trong đó, có hơn 200 tấn được cấp Chứng nhận quế hữu cơ. Nhìn ngôi nhà khang trang và khối tài sản mà chị Phượng có, hẳn không ai có thể nghĩ đó là những gì mà cây quế đã mang lại cho chị và gia đình.

Tạo đột phá cho cây quế ở Bảo Yên

Quế là cây có chu kỳ kinh doanh dài, sống lâu năm và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tại huyện Bảo Yên, quế được trồng thành rừng cách đây hơn 40 năm. Mỗi ha quế cho thu hoạch khoảng 6 - 8 tấn vỏ quế khô, 80 - 10 tấn lá và cành (dùng chưng cất tinh dầu), 80 - 100 m3 gỗ. Giá trị kinh tế mang lại cho người trồng quế ước tính ở cuối chu kỳ kinh doanh (khai thác trắng năm thứ 13 - 15) đạt hơn 500 triệu đồng/ha. Lợi nhuận trung bình mỗi năm người trồng quế thu được là hơn 30 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với các loại cây gỗ khác như mỡ, keo, trong khi chi phí đầu tư là tương đương. Hơn nữa, từ năm thứ 5, người dân có thể thu tỉa cây, cành, lá để bán dần, mỗi năm thu 30 - 40 triệu đồng.

Tinh dầu quế của Lào Cai đã khẳng định được chất lượng với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, có thể xâm nhập các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ...

 Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đánh giá, cây quế phù hợp với đất đai, sinh thái của những khu vực đã được quy hoạch. Sản phẩm quế tại tỉnh Lào Cai đứng thứ 3 trong nước về chất lượng, hàm lượng tinh dầu. Cây quế được người dân lựa chọn là cây lâm nghiệp chính trong phát triển kinh tế rừng và diện tích hằng năm liên tục được mở rộng.

Bên cạnh đó, thị trường quế vẫn rộng mở, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, thương mại, phát triển ngành hàng quế tại Lào Cai. Sản phẩm quế tại Lào Cai cũng khẳng định được chất lượng đạt tiêu chuẩn hữu cơ, có thể xâm nhập các thị trường cao cấp như các nước châu Âu, Mỹ…

Thăm cơ sở và dây chuyển sản xuất tinh dầu quế của anh Bùi Ngọc San, Giám đốc Công ty Sơn Hải - người mà nông dân vẫn quen gọi thân mật là ông giám đốc quế, anh San tâm sự, điều làm anh hạnh phúc nhất là công việc kinh doanh của mình giúp ích được cho nhiều bà con.

Chúng tôi được anh San dẫn đi thăm Nhà máy chiết xuất tinh dầu quế. Trong khu nhà máy, cành, lá quế được chở đến từ khắp các xã trên địa bàn huyện Bảo Yên chất cao như núi, hơn 30 công nhân đang vận hành hai dây chuyền cho ra những giọt tinh dầu hảo hạng, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Để tạo ra tinh dầu quế, cành, lá, ngọn quế được thu mua ngay sau khi bà con chặt hạ, tỉa thưa cây. Nguyên liệu sau khi băm nhỏ sẽ được đưa vào hệ thống nồi hơi, sau đó được điều khiển hoàn toàn bằng máy, kiểm soát vận hành theo đúng quy trình để tạo ra các mẻ tinh dầu đảm bảo chất lượng. Toàn bộ nguyên liệu sau chiết xuất được sử dụng làm nhiên liệu đốt cho nhà máy, hạn chế việc đổ thải ra môi trường, lại tiết kiệm chi phí chất đốt.

Anh San tâm sự, mình luôn tâm niệm, dẫu có kinh doanh, cũng phải làm công việc gì đó tạo ra giá trị cho mình và cho xã hội. Điều này không dễ, nhất là trong thương trường đầy cạnh tranh như hiện nay, nhưng khi đã tìm được hướng đi đúng và công việc phù hợp thì không có gì là không thể. Nhà máy chiết xuất tinh dầu quế này đã cho mình tất cả, đó là một công việc yêu thích và giúp ích được cho nhiều nông dân.

Anh San cho biết, nếu như trước đây, nhà máy chỉ hoạt động theo vụ thu hoạch, thì nay đã có thể hoạt động quanh năm nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào. Với dây chuyền thứ hai vừa đưa vào vận hành, đến nay, anh San đã đầu tư vào nhà máy gần 20 tỷ đồng. Anh cho biết, dây chuyền mới này mình tự nghiên cứu và đang thử nghiệm cải tiến nhiều chi tiết so với dây chuyền cũ để cho tỷ lệ tinh dầu cao hơn, nếu thành công sẽ là cơ sở để lắp đặt thêm các dây chuyền khác trong tương lai.

Từ khi Nhà máy Chiết xuất tinh dầu quế đi vào hoạt động, diện tích trồng quế trên địa bàn huyện Bảo Yên liên tục được mở rộng, tạo ra một bước đột phát trong phát triển kinh tế rừng nơi đây. Mối liên kết với doanh nghiệp ngày càng bền chặt giúp nông dân yên tâm sản xuất. Các xã có diện tích trồng quế lớn như: Yên Sơn, Xuân Hòa, Vĩnh Yên liên tục vượt kế hoạch trồng rừng đề ra. Nếu như cách đây 3 - 4 năm, khi chưa có nhà máy, diện tích trồng quế của cả huyện chỉ chưa đến 5.000 ha, thì nay đã có khoảng 21.000 ha. Với mức giá ổn định như hiện tại, tới năm 2025 thì 20.000 ha quế cho thu đại trà sẽ mang về khoảng 800 - 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngát thơm hương quế Bảo Yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO