Ngành TN&MT vững tâm thế bứt phá về đích

Thiên Trường| 22/10/2019 15:38

(TN&MT) - Năm 2019, ngành TN&MT đặt quyết tâm cao, quán triệt sâu sắc phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" để tạo đột phá, tăng tốc phát triển. Đến hôm nay, quyết tâm đó đã được cụ thể hóa bằng những kết quả nổi bật trong triển khai nhiệm vụ 9 tháng năm 2019.

Giải phóng các nguồn lực tài nguyên

Dấu ấn nổi bật từ đầu năm đến nay là ngành TN&MT triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, thúc đẩy giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT - XH

Nhờ vậy, các nguồn tài nguyên từng bước được khai thác hiệu quả, trong đó, nguồn thu từ nguồn lực đất đai đạt trên 87.000 tỷ đồng, chiếm 10,55% thu ngân sách nội địa, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ hoàn thành cấp Giấy chứng nhận đạt 97,36% tăng 0,16% so với cùng kỳ năm 2018. Đưa vào vận hành 165/713 cơ sở dữ liệu đất đai (chiếm 22,6% trên tổng số huyện, tăng 6 huyện so với cùng kỳ năm 2018).

Bộ tiếp tục triển khai điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước. Đẩy mạnh kinh tế hóa, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nước đạt đến nay đạt 9.000 tỷ đồng, trong đó, riêng năm 2019 là 1.117 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn này, kết quả đáng ghi nhận là ngành khai khoáng có mức tăng nhẹ 2,68% sau 3 năm liên tiếp giảm. Tính đến 30/9/2019, đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền là khoảng 3.467 tỷ đồng.

Triển khai Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phát huy các lợi thế của biển, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Thực hiện các giải pháp, phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ ô nhiễm, ngành TN&MT đã thiết lập 600 trạm quan môi trường tự động tại các khu công nghiệp, các cơ sở có nguy cơ cao ô nhiễm môi trường liên kết nối liên tục với 50 Sở TN&MT để kiểm soát, giám sát, qua đó, giảm 50% số vụ việc, sự cố về môi trường so với năm 2018. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương tích cực triển khai 3 Đề án Tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai. Triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030…

Đến nay, Bộ cảnh báo, dự báo sát, kịp thời diễn biến của 11 đợt không khí lạnh, 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 12 đợt nắng nóng trên diện rộng, 8 đợt mưa lớn trên diện rộng, 13 đợt lũ lớn và vừa trên phạm vi toàn quốc góp phần giảm thiệt hại về người và vật chất do thiên tai gây ra; dự báo mực nước và dòng chảy các sông đáp ứng yêu cầu phát điện, phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân năm 2018 - 2019 và các ngày lễ lớn trong năm.

 Chủ động triển khai các hành động ứng phó, giảm nhẹ biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ đã hoàn thành và xuất bản Thông báo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH; tổ chức thành công Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về BĐKH và quản lý Nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Phiên họp. Chủ trì tổ chức thành công Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg.

Toàn ngành chủ động, vượt khó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong quản lý về TN&MT

Bộ thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác đo đạc và bản đồ, viễn thám; triển khai xây dựng hệ thống thông tin địa lý, siêu dữ liệu viễn thám phục vụ cho các hoạt động KT - XH.

Theo đó, Bộ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đo đạc và Bản đồ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đo đạc và Bản đồ. Trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Xây dựng Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Tiếp thu, hoàn thiện Đề án Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia theo các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành.

Triển khai Đề án Hiện đại hóa mạng lưới độ cao quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực ven biển; hoàn chỉnh Hệ quy chiếu, hệ tọa độ quốc gia Việt Nam, hệ tọa độ quốc gia 3D; hoàn thành việc xây dựng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia cung cấp dịch vụ tín hiệu cho phép xác định vị trí với độ chính xác đến 2cm, làm cơ sở để kết nối vạn vận, phát triển nền kinh tế số và phát triển các đô thị thông minh.

Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2040 (Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 1/2/2019), làm cơ sở cho đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám trong phát triển KT-XH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, giám sát nguồn nước xuyên biên giới và giám sát lãnh thổ.

Công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia trên trang thông tin điện tử; cập nhật tình hình thu nhận ảnh viễn thám VNREDSat-1 hàng ngày, cung cấp theo yêu cầu; tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm Xử lý ảnh vệ tinh” (trong Chương trình Hợp tác ASEAN - Ấn Độ). Triển khai nhiệm vụ giám sát một số vùng biển, đảo, giám sát xói lở bờ biển và các thông số môi trường biển, hải đảo về hàm lượng diệp lục, hàm lượng muối và trường nhiệt độ bằng công nghệ viễn thám.

Chủ động, sáng tạo hoàn thành mục tiêu

Năm 2019 là năm có ý nghĩa tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực để phất đấu về đích các mục tiêu phát triển KT-XH của kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của cả nước và ngành TN&MT theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.

Chính vì vậy, những tháng cuối năm 2019, Bộ TN&MT tiếp tục đổi mới tư duy hành động; chủ động, sáng tạo trong công tác điều hành; dự báo, phản ứng chính sách kịp thời để vượt qua khó khăn, thách thức tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên, chủ động bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong đó, Bộ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản, quản lý tổng hợp biển và hải đảo,... hoàn thiện và trình 2 dự án luật: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai…

Bộ TN&MT thực hiện chỉ đạo điều hành, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng gắn với Chính phủ điện tử. Hoàn thiện hành lang pháp lý cho triển khai các giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; tạo đột phá trong chỉ số tiếp cận đất đai, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, vận hành, hoàn thiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ kết nối với cổng Dịch vụ công quốc gia; hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tại Bộ. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT kết với cơ sở dữ liệu của các địa phương, các Bộ, ngành; thúc đẩy về ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai vận hành Chính phủ điện tử. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tương tác giữa Bộ với người dân, doanh nghiệp.

Kịp thời phản ứng chính sách, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn, kiến nghị, bức xúc từ người dân, doanh nghiệp; không để xảy ra các điểm nóng, bức xúc xã hội.

Cùng với đó, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ nhất là trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị nếu để xảy ra tình trạng cán bộ vi phạm các quy định của pháp luật, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ…

Bộ đã đưa vào triển khai 114 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; trong đó, có 92 dịch vụ công mức độ 3, 22 dịch vụ công mức độ 4, đạt 19,3%; vượt mức kế hoạch 66 thủ tục hành chính đã đăng ký theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ tiếp tục đứng đầu các Bộ, ngành về việc thực hiện ký số, quản lý điều hành trên môi trường mạng.

Bộ tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách nhất là về môi trường, khí tượng thủy văn và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; thực hiện hội nhập chính sách về môi trường. Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ theo 8 Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ đã được phê duyệt, các nhiệm vụ thuộc các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm, các đề tài độc lập.

 Cuối cùng, Bộ tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện các chương trình truyền thông, mô hình truyền thông về TN&MT nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các cơ chế, chính sách pháp luật đang trong quá trình dự thảo hoặc mới được ban hành, tạo ý thức của người dân trong thực hiện các biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên…

Theo Ngành TN&MT
TN&MT
Copy Link
TN&MT
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành TN&MT vững tâm thế bứt phá về đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO