PV: Xin ông chia sẻ về những đóng góp quan trọng của Ngành TN&MT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ trong những năm qua?
Ông Dương Tấn Hiển:
Trong những năm qua, Ngành TN&MT TP. Cần Thơ đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong đó, Ngành TN&MT đã kịp thời tham mưu UBND TP. Cần Thơ ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền của thành phố; triển khai quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đồng bộ theo hướng nâng cao chất lượng và tính khả thi của phương án quy hoạch, làm rõ những nội dung quy hoạch của từng cấp, từng ngành, tạo tính chủ động, linh hoạt trong chiến lược xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với việc cấp phép khai thác tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn thành phố, Ngành TN&MT TP. Cần Thơ đã thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, Ngành TN&MT còn chủ động điều tra, đánh giá trữ lượng, khu vực cấp phép khai thác; có phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, nhất là các khu vực có địa bàn giáp ranh để ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm trong các hoạt động khoáng sản, đảm bảo sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường, Ngành TN&MT đã tập trung triển khai các giải pháp để đưa công tác quản lý nhà nước về môi trường đi vào khuôn khổ, nề nếp; chất lượng đánh giá, dự báo tác động môi trường ngày càng đi vào chiều sâu; hoạt động thanh, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường đã phát huy tác dụng cùng với việc chấn chỉnh, ngăn ngừa sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng như kịp thời ngăn chặn phát sinh các điểm “nóng” về môi trường.
Đồng thời, Sở TN&MT TP. Cần Thơ cùng Ngành TN&MT cũng đã chủ động đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để triển khai các dự án bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), tham gia thỏa thuận Thị trưởng toàn cầu về năng lượng và BĐKH. Qua đó, góp phần quan trọng cải thiện môi trường ở khu vực đô thị và nông thôn; giúp TP. Cần Thơ trở thành thành viên trong mạng lưới 100 thành phố trên toàn cầu có khả năng chống chịu và là thành phố ASEAN bền vững môi trường.
Ngành TN&MT TP. Cần Thơ còn tích cực triển khai chương trình hành động của địa phương nhằm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH trên địa bàn thành phố.
PV: TP. Cần Thơ đã có những đầu tư, hỗ trợ nào để giúp cho Ngành TN&MT thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, thưa ông?
Ông Dương Tấn Hiển:
Nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, TP. Cần Thơ đã thực hiện các dự án quy hoạch làm cơ sở quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường và chủ động ứng phó với BĐKH trên địa bàn thành phố; tập trung triển khai dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của TP. Cần Thơ giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020 làm tiền đề để xây dựng mô hình quản lý đất đai hiện đại thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Đến nay, đã triển khai hoàn thành dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai quận Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh và đang tiếp tục triển khai dự án này tại huyện Thới Lai và quận Thốt Nốt. Đồng thời, TP. Cần Thơ cũng triển khai thực hiện dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (Dự án VILG), sử dụng vốn vay ưu đãi (IDA) của Ngân hàng Thế giới do Bộ TN&MT chủ trì, nhằm phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan, người dân và doanh nghiệp theo nhu cầu.
TP. Cần Thơ còn hoàn thành dự án quy hoạch tài nguyên khoáng sản, các dự án ứng phó với BĐKH và dự án đa dạng sinh học. Đặc biệt, dự án tăng cường năng lực quan trắc và phân tích chất lượng môi trường được đầu tư kinh phí và trang thiết bị hiện đại đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, TP. Cần Thơ đã lắp đặt 05 trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động để kịp thời dự báo, đánh giá chất lượng môi trường, diễn biến xâm nhập mặn, ứng phó với BĐKH...
PV: Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, TP. Cần Thơ, Ngành TN&MT sẽ phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ nào, thưa ông?
Ông Dương Tấn Hiển:
Trong thời gian tới, TP. Cần Thơ sẽ phấn đấu đạt các chỉ tiêu bền vững về môi trường tương đương với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, góp phần xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ xứng tầm thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngành TN&MT TP. Cần Thơ sẽ tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đồng thời, phải triển khai một cách đồng bộ, lồng ghép hợp lý nội dung này trong tất cả các ngành, lĩnh vực và các địa bàn; nghiên cứu áp dụng các giải pháp hữu hiệu để giải quyết xung đột giữa khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH với phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, Ngành TN&MT TP. Cần Thơ cũng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, sử dụng đất ở quận, huyện; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản trái phép và hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, Ngành TN&MT TP. Cần Thơ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức, nội dung và tài liệu tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế; tích cực tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế; tận dụng hiệu quả sự giúp đỡ của quốc tế về tài chính, khoa học công nghệ, nhân lực để triển khai các dự án, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH ở địa phương.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!