Ngành TN&MT Hà Nội đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2016

06/01/2016 00:00

(TN&MT) - Ngày 06/1, Sở TN&MT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và triển khai kế hoạch công tác năm 2016. Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng - Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2015 của Sở TN&MT Hà Nội nêu rõ: Năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ thành phố Hà Nội, kế hoạch năm năm 2011-2015. Nhận thức được điều đó, thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố giao , ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2015, Sở TN&MT đã tổ chức giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và chỉ đạo tập trung thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng - Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị sáng 06/1
Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng - Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị sáng 06/1

Điển hình trong công tác quản lý đất đai

Có thể nói, trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành TN&MT của Hà Nội, điều mà doanh nghiệp và người dân ghi nhận sự chuyển biến đáng kể chính là những đổi thay, dần hoàn thiện công tác quản lý đất đai.

Trong triển khai Luật Đất đai 2013, Sở TN&MT Hà Nội đã cụ thể hóa đầy đủ các quy định Luật phù hợp với đặc thù trên địa Thành phố.Tập trung rà soát, tinh giảm các TTHC trong lĩnh vực quản lý đất đai và bảo vệ môi trường; thực hiện công khai, minh bạch các TTHC, giảm đáng kể thời gian thực hiện TTHC, giảm chi phí hành chính; thực hiện có hiệu quả cơ chế 1 cửa, một cửa liên thông: cho phép thực hiện song song, đồng thời nhiều thủ tục hành chính trong cùng thời gian; thực hiện kế thừa kết quả giải quyết TTHC để xem xét giải quyết các TTHC tiếp theo. Từng bước tạo lòng tin cho tổ chức, doanh nghiệp sử dụng đất, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất khi thực hiện dự án đầu tư…

Trong năm 2015, Sở TN&MT Hà Nội đã thẩm định, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua nhà tại các dự án khu nhà ở, khu đô thị là 21.959 hồ sơ cấp Giấy chứng nhận; Chi nhánh các quận, huyện, thị xã đã thụ lý, trình UBND cấp huyện cấp mới là 21.140 GCN quyền sử dụng đất. Thực hiện đăng ký biến động của cá nhân và tổ chức là 93.117 hồ sơ; đăng ký giao dịch bảo đảm  là 91.853 hồ sơ. “Đến nay, công tác cấp GCN quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố đã cơ bản hoàn thành…” - ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho hay.  

Ngoài ra, các lĩnh vực khác như: Xây dựng bảng giá đất, thực hiện chế độ tài chính đất đai; Di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm; Công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực đất đai, môi trường, nước, khoáng sản; Công tác bảo vệ môi trường… đều được trú trọng và hoàn thành sớm nhiệm vụ được giao. Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận, đề ra giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong quản lý nhà nước ngành.

Đề ra từng mục tiêu cụ thể cho năm 2016

Xác định năm 2016 là năm bản lề của giai đoạn 2016 - 2020, Sở TN&MT đã đề ra, tập trung triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2016. Cụ thể:

Thứ nhất, đổi mới lề lối làm việc của ngành TN&MT theo hướng: quản lý và phục vụ; đảm bảo rõ việc, rõ người, chịu trách nhiệm thực thi công vụ và đúng pháp luật; Thứ hai, trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) thành phố Hà Nội để làm căn cứ triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2015 ngành TN&MT Hà Nội sáng 6/1
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2015 ngành TN&MT Hà Nội sáng 6/1

Thứ ba, tiếp tục đôn đốc các quận huyện khẩn trương hoàn thành giao đất dịch vụ đối với diện tích đất đã có hạ tầng kỹ thuật, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng, cơ bản hoàn thành trong năm 2016; Thứ tư, xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa Sở với quận, huyện, thị xã để thực hiện đúng tiến độ dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn Thành phố; Hoàn thành dự án đo đạc hiện trạng và cắm mốc ranh giới sử dụng đất các nông lâm trường trạm trại và đất rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thứ năm, Thực hiện các biện pháp để đẩy mạnh công tác kê khai cấp GCN quyền sử dụng đất; Thứ sáu, hoàn thành rà soát, lập danh mục, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư; Đề xuất các giải pháp phù hợp đảm bảo quyền lợi giữa nhà nước, đơn vị thực hiện di dời và người dân;

Thứ bảy, tiếp tục thực hiện thanh tra các dự án chậm triển khai; Thứ tám, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tại 03 Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, xã Vân Canh và Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức; tiếp tục thực hiện quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường rác thải, nước thải, không khí (bụi), tiếng ồn trên địa bàn thành phố Hà Nội, xử lý ô nhiễm môi trường các Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ… Và thứ chín Tiếp tục triển khai thực hiện Nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về vấn đề biến đổi khí hậu; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cách thức tác động của biến đổi khí hậu đến các khả năng tổn thương thực tế, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cần tăng tốc ngay từ những ngày đầu tháng đầu

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo bộ TN&MT, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ TN&MT đã ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng vượt khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015 của ngành TN&MT Thủ đô.

“Trong năm 2015, Sở TN&MT Hà Nội đã thực hiện tốt quy chế làm việc của Bộ, tích cực chủ động trong việc phối hợp với các đơn vị của Bộ trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, triển khai thực hiện chương trình công tác của Bộ TN&MT và các nhiệm vụ quản lý nhà nước ngành TN&MT trên địa bàn thành phố… Nhân dịp này, tôi cũng trân trọng cám ơn sự quan tâm của UBND TP Hà Nội đối với công tác quản lý tài nguyên môi trường trong năm 2015 và đề nghị UBND TP tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý nhà nước ngành TN&MT trong thời gian tới.” - Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2015
Thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2015

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2016, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị ngành TN&MT Hà Nội tập trung vào 5 vấn đề trọng tâm: Thứ nhất, Tổ chức triển khai, thực hiện tốt các chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Thứ hai, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về TN&MT, trú trọng đôn đốc xử lý sau thanh tra nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Thứ ba, ngành TN&MT Hà Nội cũng cần tập trung rà soát đánh giá việc thực hiện các chiến lược, chương trình mục tiêu, quy hoạch, kế hoạch về tài nguyên môi trường; Thứ tư, tăng cường quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên như: đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước… và thứ năm, Hà Nội cần tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường và Nghi quyết của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cũng tại hội nghị này, thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2015. Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng đã trao nhiều Bằng khen cho các tập thể, cá nhân của ngành TN&MT Hà Nội có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2015.

Bài:Việt Hùng; Ảnh:Hoàng Minh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành TN&MT Hà Nội đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2016
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO