Ngành TN&MT đổi mới, sáng tạo, bứt phá từ tư duy đến hành động

Khương Trung - Tuyết Chinh| 30/12/2020 09:51

(TN&MT) - Sáng 30/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ các năm tiếp theo ngành Tài nguyên và Môi trường. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành và Lê Minh Ngân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (ngoài cùng bên phải) đến dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 ngành TN&MT

Đến dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng là Bộ trưởng, Thứ trưởng, Lãnh đạo các Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở TN&MT các địa phương; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

Ngành TN&MT tăng tốc bứt phá, tạo ra dấu ấn quản lý rõ nét, thực chất

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt với thế giới và với Việt Nam. Thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ngành Tài nguyên và Môi trường.

Trong bối cảnh đó, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường đã phát huy tinh thần “kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”, chủ động, sáng tạo để hóa giải các thách thức, chủ động chuẩn bị các nền tảng để tăng tốc bứt phá, tạo ra những dấu ấn quản lý rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực. Nhờ đó, toàn ngành không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm 2020 mà còn về đích hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2021.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị

Nhìn lại năm 2020 cũng như cả nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, toàn ngành đã đạt được những kết quả quan trọng, qua đó, từng bước khắc phục, chuyển hoá được những khó khăn, thách thức đặt ra với ngành ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Nổi bật là nhiều điểm nghẽn về cơ chế chính sách trong quản lý tài nguyên đã được ngành tham mưu để Đảng, Quốc hội và Chính phủ xem xét tháo gỡ, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn. Nhiều chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn đã được ngành xây dựng, trình ban hành, góp phần giải quyết hài giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên cho phát triển mới của đất nước. Trong đó, nổi bật là Luật Bảo vệ môi trường 2020 với tư duy, cách tiếp cận đột phá cho công tác bảo vệ môi trường.

Với phương châm hướng về địa phương cơ sở, ngành TN&MT đã tập trung giải quyết các kiến nghị của địa phương, người dân, doanh nghiệp, nâng cao chỉ giá tiếp cận đất đai, giải quyết đúng nút thắt, tháo gỡ rào cản, cắt giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đáng chú ý, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số đã đạt những bước tiến quan trọng với hệ thống dữ liệu quan trắc, dự báo, đất đai, không gian thông tin địa lý và dữ liệu lớn về viễn thám. Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, kết nối thông suốt từ Trung ương, đến địa phương. Trong giai đoạn cao điểm về phòng chống dịch Covid-19, các hoạt động tổ chức Hội nghị, tham dự các diễn đàn của Liên hợp quốc, đàm phán với đối tác quốc tế được Bộ tập trung thực hiện theo hình thức trực tuyến, đảm bảo các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra bình thường.

Các nguồn tài nguyên được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. Tài nguyên khoáng sản, giá trị địa chất được điều tra, quản lý, sử dụng hiệu quả gắn với công nghiệp chế biến đóng góp cho tăng trưởng. Các lợi thế của vùng biển, ven biển tiếp tục được phát huy, đóng góp 60% GDP của cả nước. Đặc biệt, năm 2020 trong bối cảnh nguồn thu ngân sách khó khăn nguồn thu từ đất đai vẫn đạt 133% kế hoạch, khoảng sản đạt 112% kế hoạch đóng góp cho ngân sách. Tài nguyên nước từng bước được quản lý sử dụng bền vững, đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ đa mục tiêu; tập trung triển khai thực khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các dòng sông lớn.

Cùng với đó, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được tập trung hoàn thiện; phương thức quản lý được đổi mới, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm từ giai đoạn đầu tư, giám sát chặt chẽ nguồn thải lớn. Kết quả công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, chất lượng các thành phần môi trường được cải thiện, đóng góp cho tăng trưởng bền vững, đặc biệt sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung năm 2016.

Các quyết sách về ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động đề xuất, thúc đẩy triển khai có hệ thống với tầm nhìn chiến lược; công tác dự báo khí tượng thuỷ văn được tập trung hiện đại hóa, nâng cao chất lượng để các Bộ, ngành, địa phương chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Chỉ tính riêng đợt hạn mặn năm 2019 - 2020 mức độ ảnh hưởng lớn gấp 2 - 2,5 lần năm 2016 nhưng mức độ thiệt hại giảm 9,6%.

“Những kết quả, thành tựu nêu trên của toàn ngành có công sức, đóng góp của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ; sự quyết tâm, nỗ lực, chủ động, sáng tạo của UBND các cấp; sự phối hợp tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả của các Ban, Bộ, ngành Trung ương; sự hưởng ứng và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị

Mục tiêu lớn, quyết tâm cao

Năm 2021, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV; đây cũng cũng là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ, bên cạnh những điều kiện thuận lợi về thế và lực của đất nước lớn mạnh; cùng với những nền tảng, sức bật từ những thành tựu đổi mới trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ vừa qua, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Toàn cảnh Hội nghị

Để chuyển hóa các thách thức thành cơ hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, toàn Ngành đặt quyết tâm cao nhất và tiếp tục đổi mới sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ. Phấn đầu sớm về đích hoàn thành các chỉ tiêu 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý. Các nguồn tài nguyên được sử dụng hợp lý, hiệu quả bền vững, đóng góp 11% thu ngân sách nội địa.

Để đạt được các mục tiêu trên, trong năm 2021 và các năm tiếp theo toàn ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ.

Trong đó, tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; rà soát, cập nhật các chiến lược, quy hoạch ngành.

Ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, dữ liệu không gian địa lý, tài nguyên và môi trường; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử; thực hiện Thực hiện Chương trình chuyển đổi số, Chiến lược tổng thể tài nguyên số về tài nguyên và môi trường.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương và địa phương để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên cho phát triển đất nước. Tạo bước đột phá trong nghiên cứu khoa học về biển, phát triển kinh tế biển; đảm bảo an ninh tài nguyên trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Toàn ngành TN&MT tập trung triển khai thực hiện những nội dung mới, đột phá trong thực thi bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa hơn nữa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Kiểm soát hiệu quả các nguy cơ ô nhiễm, xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, tái chế tái sử dụng tốt đa các nguồn vật liệu, góp phần giải quyết vấn đề an ninh tài nguyên, an ninh môi trường và an ninh khí hậu.

Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu cho các vùng chịu rủi ro thiên tai; đẩy mạnh hiện đại hóa, tăng cường mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn với công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp bằng kế hoạch hành động với lộ trình tổ chức triển khai cụ thể.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin Hội nghị!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành TN&MT đổi mới, sáng tạo, bứt phá từ tư duy đến hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO