Cuộc họp trực tuyến có lãnh đạo các đơn vị quản lý Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Bộ TN&MT tại 35 điểm cầu trực tuyến trên cả nước.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa; Trần Quý Kiên; Lê Công Thành chủ trì Cuộc họp triển khai công tác năm 2021 |
Nhân dịp xuân mới Tân Sửu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chúc các đồng chí Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các đơn vị; các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành cùng gia đình dồi dào sức khỏe, đạt được nhiều thành tựu trong công tác.
Bộ trưởng cho biết, đất nước vừa bước qua năm 2020, khép lại một giai đoạn phát triển với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh thiên tai do biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Tuy vậy, với quyết tâm, nỗ lực và tinh thần đổi mới, toàn Ngành đã lắng nghe từ thực tiễn và cơ sở để hoàn thiện thể chế, chủ động triển khai các giải pháp giải quyết thách thức, điểm nghẽn, vấn đề nảy sinh để tài nguyên và môi trường, từ đó, có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, tạo dựng nền tảng phát triển tương xứng với tiềm năng của Ngành trong dòng chảy phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng biểu dương và gửi lời cảm ơn chân thành tới từng cán bộ ở từng vị trí của mình đã có nhiều cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào thành công chung của toàn Ngành.
Bộ trưởng cho biết, năm 2021, năm Tân Sửu là năm có ý nghĩa đặc biệt năm đầu tiên triển khai kế hoạch 5 năm 2021 - 2026 và thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
“Với tinh thần là bắt tay ngay vào việc, tôi đề nghị các đơn vị quán triệt tinh thần “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” thực hiện ngay xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ đến từng tuần, tháng, quý; phân công trách nhiệm cho từng lãnh đạo phụ trách, từng đơn vị để đảm bảo tiến độ và chất lượng.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề ra những nhiệm vụ trọng tâm chính để từng lĩnh vực, từng đơn vị cùng thực hiện để đưa đưa ngành Tài nguyên và Môi trường hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đặt ra.
Cụ thể về thể chế, chính sách, pháp luật, đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, do đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị như: Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật, văn bản dưới luật để phục vụ công tác quản lý; thủ trưởng các đơn vị trực tiếp chỉ đạo triển khai Chương trình xây dựng văn bản pháp luật, khẩn trương thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai; thường xuyên báo cáo Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực chỉ đạo cho ý kiến; kịp thời báo cáo Bộ trưởng những vấn đề lớn, phát sinh để giải quyết tháo gỡ.
Để công tác quản lý tài nguyên và môi trường được thực hiện hiệu quả và kiểm soát tốt, Bộ trưởng đề nghị Thanh tra Bộ cần thay đổi, thống nhất lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra để làm sáng tỏ các sai phạm, trách nhiệm nếu có; cần chủ động, bố trí nguồn lực để thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất; tập trung giải quyết nhanh các vụ khiếu kiện phát sinh để đảm bảo ổn định trật tự an toàn, xã hội.
Bộ trưởng cũng đề nghị, các đơn vị tổ chức triển khai ngay kế hoạch cải cách hành chính; kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin. Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu Xây dựng đề án về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức nhiệm kỳ Chính phủ mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan sớm triển khai thực hiện Dự án mở rộng trụ sở Bộ để đưa các cơ quan hành chính của Bộ tập trung về một mối, đảm bảo thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến triển khai công tác năm 2021 |
Với lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ trưởng đề nghị cần triển khai Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia; rà soát Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cấp quốc gia và các lưu vực sông. Dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước; thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn…
Với lĩnh vực khí tượng thủy văn cần nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo; triển khai thực hiện đề án dự báo, cảnh báo tổng thể quản lý thông tin - cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi và trung du. Thực hiện xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ dự báo KTTV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển mạng lưới trạm quan trắc KTTV hiện đại hóa, tự động hóa thông qua hình thức đầu tư công kết hợp với hình thức xã hội hóa.
Lĩnh vực quản lý biển và hải đảo cần tập trung xây dựng đề xuất báo cáo Quốc hội về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Xây dựng Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung lập Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phối hợp với các địa phương thực hiện giải pháp ngăn ngừa, giảm lượng rác thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức tiếp nhận và triển khai tàu nghiên cứu biển do Nhật Bản trao tặng. Tổ chức tốt phiên họp của Ủy ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển kinh tế biển.
Lĩnh vực địa chất và khoáng sản tiếp tục xây dựng Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam.
Lĩnh vực đo đạc, bản đồ và viễn thám, xây dựng cơ sở dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI). Triển khai các cung cấp các dịch vụ ứng dụng định vị vệ tinh; cập nhật dữ liệu và siêu dữ liệu viễn thám quốc gia phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Từng bước thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường. Tăng cường công tác truyền thông về các chính sách mới, các điểm sáng mô hình tốt ở địa phương; thúc đẩy thi đua sáng tạo, đóng góp, hiến kế cho phát triển Ngành.
Ghi nhận những công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường đào tạo trực thuộc Bộ, Bộ trưởng đề nghị các trường thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, tuyển sinh phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu hiện đang làm việc ở các đơn vị trong và ngoài Bộ và các chuyên gia quốc tế tham gia công tác giảng dạy để gắn lý luận với thực tiễn, cập nhật tri thức, thành tựu khoa học tiên tiến trên thế giới, đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động trong tương lai.
Khuyến khích, tạo động lực để sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, phát huy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, vận dụng kiến thức, tri thức, góp phần vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với ngành Tài nguyên và Môi trường…
“Tôi tin tưởng với khí thế mới của mùa Xuân đổi mới, sáng tạo, đoàn kết; cùng với những nền tảng đã xây dựng trong những năm qua, chúng ta cùng nhau quyết tâm hành động, chung sức, đồng lòng, thi đua sáng tạo để đưa đưa ngành Tài nguyên và Môi trường hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 ngay từ năm đầu.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.