Ngành thủy sản tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mới trong đại dịch COVID-19

Minh Thư| 18/02/2020 13:17

(TN&MT) - Cùng chung nỗi lo với những mặt hàng nông sản, ngành thủy sản cũng đang đối mặt với đại dịch COVID-19, bởi hàng hóa đến vụ thu hoạch song không thể xuất sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chính. Song ngay lúc này, theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã chính thức được Nghị Viện châu Âu (EP) thông qua sẽ là cơ hội mới cho hàng loạt các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam thâm nhập vào EU trong thời gian tới…

Rớt giá thảm hại!

Theo Bộ Công Thương, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nên khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp xuất khẩu chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.

Trong lúc này, người nuôi cá tra thương phẩm lẫn cá tra giống Đồng bằng sông Cửu Long) ĐBSCL như ngồi trên đống lửa bởi giá bán xuống dốc thảm hại và chưa có tín hiệu dừng lại. Điều này đồng nghĩa với việc người nuôi sẽ còn lỗ nặng.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ tháng 12/2019 đến nay, giá cá tra nguyên liệu và cá tra giống ở ĐBSCL giảm 30 - 50% do thị trường xuất khẩu gặp khó. Những địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất là huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành, TX. Tân Châu (An Giang); huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp); TP. Ngã Bảy, huyện  Châu Thành, Châu Thành A (Hậu Giang); huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai (TP. Cần Thơ); huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa (Long An)…

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Minh

Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, TP. Ngã Bảy cho biết: “Thị trường cá tra năm nay biến động quá lớn khiến người nuôi trở tay không kịp. Trước đây, giá cá từ 28.000 - 29.000 đồng/kg, nhưng hiện nay, chỉ còn từ 16.000 - 17.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành đầu tư từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. “Dù giá cá rơi tận đáy nhưng doanh nghiệp không mua bởi đầu ra do thị trường chủ yếu là Trung Quốc đã ngừng thu mua. Vì vậy, tất cả đành “bó tay” đợi COVID-19 đi qua. Hiện nay, nhiều hộ không bán được đành cho cá ăn cầm chừng, cá càng lớn lại càng mất giá”.

Không xuất khẩu được sang Trung Quốc, người nuôi tôm hùm cũng lao đao vì giá rẻ, không có nơi tiêu thụ. Nhiều chuỗi thực phẩm tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đã thu mua hỗ trợ nông dân nhưng không thể tiêu thu hết. Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình (Khánh Hòa) cho biết, toàn xã Cam Bình vẫn đang nuôi cầm chừng vì hơn 100 tấn đến thời điểm xuất chưa được thương lái thu mua dù giá chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/kg, tôm hùm baby khoảng 500.000 đồng/kg, mức giá thấp nhất ba năm qua. Tôm hùm trước đây 70% là xuất đi Trung Quốc nên hiện tại tôm đã đến kỳ thu hoạch nhưng không biết bán cho ai? Tại Sông Cầu (Phú Yên), nơi có khoảng 70.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, trong đó, gần 10.000 lồng nuôi tôm đã đến kỳ xuất bán nhưng không có thương lái mua. Để giảm chi phí, một số hộ đã bớt khẩu phần ăn của tôm còn khoảng 40 - 60% so với trước và nuôi thêm hàu để cho tôm ăn nhằm giảm chi phí. Người dân đành tiếp tục nuôi đàn tôm quá lứa.

Theo các thương lái chuyên xuất khẩu tôm hùm đi Trung Quốc, từ trước Tết, mặt hàng này đã khó tiêu thụ vì phía Trung Quốc giảm thu mua. Nhưng nay khi dịch COVID-19 lên cao, họ đã ngưng hẳn.

Cùng chung “số phận”, từ sau Tết đến nay, người nuôi cua biển Cà Mau, Khánh Hòa gặp khó khăn khi giá mặt hàng này rớt mạnh vì không xuất được do Trung Quốc siết chặt các cửa khẩu bởi dịch COVID-19 bùng phát. Hiện, cua biển Cà Mau cũng không xuất bán được sang Trung Quốc nên giá giảm mạnh. Từ 650.000 - 700.000 đồng/kg trước Tết, cua gạch Cà Mau hiện chỉ còn khoảng 300.000 đồng; cua thịt cũng giảm một nửa, giá còn khoảng 200.000 đồng/kg. Thông thường, mỗi ngày, khu vực này xuất khẩu khoảng 1 tấn cua thương phẩm, nay chỉ bán được cho thị trường nội địa.

Ngoài cua và tôm hùm, các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam về tạm dừng việc giao hàng và chờ khi có thông tin mới.

Tìm kiếm cơ hội mới

Đứng trước khó khăn của nền kinh tế do đại dịch COVID-19, một tín hiệu đáng mừng đã đến, mở ra cơ hội xuất khẩu vào các thị trường mới cho ngành thủy sản Việt Nam đó là Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam - EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã chính thức được Nghị Viện châu Âu (EP) thông qua tại phiên họp toàn thể ở Strasbourg (Pháp) chiều 12/2. Điều này được các chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ tạo đòn bẩy tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó có lĩnh vực thủy sản.

EVFTA sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ… Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến có thể tăng thêm 20% trong 2 năm tới. EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường với 508 triệu dân và GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Với ngành hàng thủy sản, EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này chiếm 17 - 18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; trong đó sản phẩm tôm chiếm 22%, cá tra 11%, các mặt hàng hải sản 30 - 35%. EVFTA có hiệu lực, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được giảm về 0% và 50% số dòng thuế còn lại sẽ về 0% sau từ 3 - 7 năm...

Đại diện VASEP cho rằng, khi COVID-19 đang bùng phát mạnh, tác động đến nhiều ngành kinh tế thì EVFTA thực sự là cánh cửa rộng mở cho thủy sản Việt Nam. Bởi, ngoài cắt giảm thuế, EVFTA còn giúp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với các nước như Ấn Độ, Thái Lan... Tuy vậy, để tận dụng tốt “sân chơi” này, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của Việt Nam so các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành thủy sản tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mới trong đại dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO