Ngành Khí tượng thủy văn ứng trực 24h/24h trong dịp Tết Dương lịch 2019

28/12/2018 18:31

(TN&MT) - Theo thông tin phát đi từ Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV), Bộ Tài nguyên và Môi trường vào chiều 28/12: trước những diễn biến khó lường của thời tiết trong dịp nghỉ Tết dương lịch 2019, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái chỉ đạo hệ thống điều hành và quan trắc KTTV sẽ đảm bảo ứng trực 24/24 để theo dõi kịp thời những hiện tượng thiên tai nguy hiểm trong những ngày nghỉ lễ.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái chỉ đạo tại phiên họp trực tuyến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều 28/12

Theo đó, ngay trong cuối giờ chiều 28/12/2018 Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có phiên họp trực tuyến tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp Tổng cục KTTV để thảo luận và đánh giá về những khả năng, diễn biến mới nhất về tình hình  Khí tượng thủy văn các vùng miền trong cả nước.

Tại phiên trực tuyến các đơn vị dự báo thuộc Tổng cục KTTV ở 9 điểm cầu thuộc 09 Đài KTTV khu vực và các Viện, cục thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghe đánh giá diễn biến thời tiết trong ngày 28/12 và nhận định những khả năng thời tiết trong những ngày nghỉ tết dương lịch.

Những số liệu quan trắc ban đầu cho thấy ở khu vực Bắc Bộ:

Ngày 27/12, không khí lạnh (KKL) đã ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía Bắc, đến ngày 28/12, KKL tăng cường mạnh hơn, toàn bộ Bắc Bộ và một phần của khu vực Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, vùng núi trung du đã chuyển rét đậm, rét hại.

Dự báo, mức độ rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ sẽ diễn ra mạnh nhất là vào ngày 29 và 30/12. Lúc này, ngoài KKL còn có hình thế gây mưa ở Bắc Bộ đó là rãnh gió Tây di chuyển sang kết hợp với KKL ở tầng thấp sẽ gây ra một đợt mưa trên diện rộng, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to; do vừa mưa, vừa rét nên nhiệt độ giảm rất sâu. Nhiệt độ trong ngày 29-30/12 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ là từ 8-11 độ C ở vùng đồng bằng, vùng núi khoảng 4-7 độ C, vùng núi cao khả năng dưới 3 độ C. Khu vực có độ cao trên 1.500m so với mực nước biển sẽ có khả năng xuất hiện nhiệt độ dưới 0 độ C kết hợp với khả năng có mưa thì khu vực như Ô Quý Hồ, Đèo Pha Đin, Sa Pa còn có khả năng xuất hiện mưa tuyết và băng giá. Đợt rét này sẽ kéo dài đến khoảng ngày 4/1/2019, khả năng băng giá cũng sẽ kéo dài như vậy; nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của con người, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn.

Đợt rét này là mạnh nhất của mùa Đông năm nay, có thể so sánh gần bằng đợt rét đậm kỷ lục ở Bắc Bộ trong năm 2008 và một số đợt khác.

Quang cảnh
Quang cảnh phiên họp trực tuyến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều 28/12

Khu vực Miền Trung và Nam Bộ cần chú ý khả năng mưa lớn

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nói trên, từ nay đến khoảng ngày 3-4/1/2019 ở hầu khắp các tỉnh Trung Bộ sẽ có mưa. Tuy nhiên, phân bố mưa sẽ có sự khác biệt, đầu tiên là đợt mưa đêm 27/12 khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa do KKL, sau đó là đợt mưa do KKL kết hợp với nhiễu động gió Đông nên khả năng mưa sẽ  tập trung cao điểm từ ngày 29/12 đến 31/12 các tỉnh Trung Bộ và Nam Trung Bộ sẽ có mưa rất to, đặc biệt từ Huế đến Phú Yên có nơi mưa lên tới 150mm/ngày, thậm chí có thể cao hơn.

Tuy nhiên, lượng mưa phân bố không đồng đều, có nơi ít hơn, nhưng do KKL kết hợp với địa hình vẫn có khả năng sẽ gây mưa rất lớn cho một số địa bàn hẹp. Ngoài ra, khu vực Trung Bộ đang ảnh hưởng của nhiễu động gió Đông nên vài ngày tới vẫn tiếp tục có mưa to, tuy nhiên, đến khoảng ngày đầu tháng 1/2019 nhận định mưa ở Nam Trung Bộ sẽ giảm bớt so với thời kỳ đầu.

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ mặc dù không mưa lớn, tuy nhiên sẽ có mưa trái mùa.

Đáng chú ý. Đợt KLL này sẽ gây gió mạnh, sóng lớn trên hầu khắp các vùng biển. Hiện nay vùng biển khu vực Vịnh Bắc Bộ và Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Đến ngày 29/12, gió mạnh sẽ mở rộng đến hết khu vực vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ và toàn bộ khu vực giữa Biển Đông, Đặc biệt, đến  đêm 29/12, áp thấp nhiệt đới ngoài Biển Đông sẽ đi vào Biển Đông, có khả năng mạnh lên thành bão kết hợp với KKL sẽ gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở khu vực giữa Biển Đông, gần phía Bắc quần đảo Trường Sa.

Tại khu vực Hà Nội trong đợt này khả năng sẽ có mưa, trời rét hại với nhiệt độ thấp nhất có thể 8-11 độ C vào ngày 29 và 30/12, sau đó những ngày tiếp theo cũng vẫn rét đậm, rét hại, nhưng mưa sẽ ít hơn.

Tại Đà Nẵng khả năng sẽ có mưa to, đến rất to trong đợt này, đặc biệt tập trung vào ngày 29-31/12, sau đó còn kéo dài nhưng giảm bớt.

Còn tại TP.HCM 2-3 ngày tới sẽ tiếp tục có mưa dông, nhưng sau đó xu hướng mưa sẽ giảm dần.

Diễn biến về Hải văn

Theo số liệu quan trắc lúc 13h trưa nay 28.12: độ cao sóng ở khu vực vịnh Bắc Bộ, ngoài khơi Trung Bộ, vùng biển khu vực quần đảo có xu hướng tăng nhanh so với 24 giờ qua.

Đáng chú ý là dự báo sóng biển và nước dâng: ở vịnh Bắc Bộ sóng biển cao 2-4m, khu vực Bắc Biển Đông sóng cao 5-7m. Sóng lớn cao từ 3-5m ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ.

Dự báo nước dâng do không khí lạnh: nước dâng từ 0.3-0.5m ở vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, riêng ven biển Phú Yên (đặc biệt là Tuy Hòa) nước dâng có thể cao từ 0.4-0.6m.

Cảnh báo: sự tác động tổ hợp của nước dâng và sóng lớn do không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu ATNĐ trong các ngày cuối năm 2018 và đầu năm 2019 có thể gây nguy hiểm về công trình nhà cửa và đời sống cho các khu vực ven biển các tỉnh Nam Trung Bộ, lưu ý nhất là tỉnh Phú Yên.

Diễn biến Tình hình lũ cuối năm 2018:

Từ ngày 28/12/2018 đến 4/1/2019, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bắc Bình Thuận khả năng xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông nhỏ ở Thừa Thiên Huế, từ Quảng Ngãi đến bắc Bình Thuận lên mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên mức BĐ2.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

Tình hình thủy văn ở các khu vực và tình hình mùa khô 2018 - 2019 như sau:

Khu vực Bắc Bộ: Xu thế nguồn nước từ tháng 1-6/2019 so với TBNN cụ thể như sau:

+ Khu vực Tây Bắc trên sông Đà phổ biến ở mức cao hơn từ 10-60%, riêng dòng chảy đến hồ Hòa Bình tháng 3-4 lớn hơn trên 100% do điều tiết hồ Sơn La;

+ Khu vực Việt Bắc trên sông Thao, sông Lô thiếu hụt từ 5-50%; dòng chảy đến hồ Tuyên Quang trên sông Gâm, sông Chảy lớn hơn TBNN từ 10-50%, riêng dòng chảy trên sông Cầu cao hơn TBNN từ 100-200%;

+ Khu vực Đông Bắc thiếu hụt từ 10-30%;

+ Khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ hạ lưu sông Hồng cao hơn TBNN khoảng 20% trong tháng 1 đến tháng 2, nhỏ hơn so với TBNN từ 10-20% trong tháng 3 và 4. Mực nước thấp nhất ở mức 0,3-0,4m có khả năng xuất hiện trong tháng 2 và 3/2019

Đề phòng khả năng xuất hiện lũ trái mùa trong tháng 1/2019 và thiếu nước, khô hạn cục bộ xảy ra tại một số tỉnh khu vực Đông Bắc trong các tháng đầu mùa khô năm 2019.

Trung Bộ, Tây Nguyên:

Từ tháng 01-6/2019, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 15-50%, một số sông thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hòa khả năng thiếu hụt trên 70% so với cùng kỳ nhiều năm. Tình hình hạn hán, thiếu nước khả năng xảy ra tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên trong các tháng mùa khô năm 2019.

Nam Bộ:

Từ cuối tháng 12/2018-6/2019, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn sông Mê Công về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở mức xấp xỉ so với TBNN. Mực nước sông Cửu Long biến đổi chậm ở mức xấp xỉ và thấp hơn so với TBNN từ 0,1-0,2m.

Theo dự báo, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ khả năng xuất hiện sớm hơn so với năm 2017-2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Khí tượng thủy văn ứng trực 24h/24h trong dịp Tết Dương lịch 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO