Trong nước

Ngành giáo dục phải xác định những điểm đột phá, có thể làm ngay

Theo Chinhphu.vn 21/04/2023 - 19:03

Ngày 21/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục về nội dung dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (dự thảo Chiến lược).

Ngành giáo dục phải xác định những điểm đột phá, có thể làm ngay - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW, những gì đã làm được, chưa làm được, bài học rút ra; cũng như cần có triết lý mới, tư duy mới nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tránh "nội dung tròn trịa" nhưng thiếu lộ trình, kế hoạch, nguồn lực cụ thể

Phó Thủ tướng đánh giá, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng nội dung dự thảo Chiến lược từ sớm, lấy ý kiến qua nhiều hội nghị, hội thảo, các bộ, ngành, chuyên gia, nhà quản lý,... nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về vấn đề giáo dục, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận hết sức dân chủ, khoa học, thẳng thắn.

Cụ thể, trong 10 năm qua kết quả thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngành giáo dục đã làm được gì, chưa làm được gì, những bài học rút ra, từ đó đối chiếu với nội dung dự thảo Chiến lược, có cần đưa ra triết lý mới, tư duy mới nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục.

"Dự kiến, ngành giáo dục chỉ có 7 năm thực hiện Chiến lược, vì vậy phải xác định mục tiêu nào là khả thi, giải pháp, nguồn lực như thế nào, đạt được những gì sau 2 năm, 3 năm, 7 năm, tránh tình trạng "nội dung tròn trịa" cái gì cũng có nhưng không có lộ trình, kế hoạch, nguồn lực cụ thể", Phó Thủ tướng nêu vấn đề và nhấn mạnh "đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục mà phải là của cả hệ thống chính trị, từng cơ sở giáo dục".

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các chuyên gia, nhà quản lý… góp ý cụ thể vào việc xác định một số đầu việc mang tính chất đột phá, đổi mới, cải cách trong vòng 5 – 7 năm tới, để tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết mục tiêu tổng quát trong dự thảo Chiến lược là phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo lập thế hệ người Việt Nam mới sống lương thiện, giàu khát vọng, có đầy đủ phẩm chất trí tuệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Xây dựng hệ thống giáo dục mở, công bằng và bình đẳng, phục vụ học tập suốt đời theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hóa, dân chủ hoá, xã hội hoá, hội nhập quốc tế và đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030.

Để thực hiện hàng loạt mục tiêu cụ thể, Bộ GD&ĐT đề ra 10 nhóm giải pháp: Hoàn thiện thể chế; Đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; Thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao gắn liền với đào tạo; Tăng cường hội nhập quốc tế.

Phó Thủ tướng nêu câu hỏi: Trong giai đoạn hiện nay, việc đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW sẽ tập trung vào khâu nào, nhiệm vụ nào, việc gì cần tiếp tục thực hiện, việc gì cần được bổ sung?

Ngành giáo dục phải xác định những điểm đột phá, có thể làm ngay - Ảnh 2.

GS.TS Mai Trọng Nhuận phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tập trung những vấn đề thiết thực, căn bản cần tháo gỡ ngay

Dẫn lại một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ, mục tiêu đào tạo được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW, GS. Mai Trọng Nhuận (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng Chiến lược cần lựa chọn một số điểm quan trọng để giải quyết dứt điểm.

GS. Mai Trọng Nhuận nêu một số hạn chế vẫn chưa được khắc phục như năng lực quản trị đại học vẫn còn yếu. Việc thực hiện giám sát các chủ thể trong nhà trường của xã hội chưa tốt. Khả năng tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học đang rất hạn chế. Chương trình đào tạo còn cũ, thiếu những chương trình tiên tiến. Hoạt động đào tạo theo chuẩn đầu ra vẫn chưa triển khai được rộng rãi…

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đề nghị Chiến lược chỉ nên nêu những vấn đề thiết thực, căn bản cần tháo gỡ ngay, thay vì đề cập đến mọi vấn đề, mọi giải pháp.

"Hai điểm nghẽn lớn nhất cần được tháo gỡ là thực hiện tự chủ ở tất cả các cơ sở giáo dục, tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của các địa phương trong phát triển giáo dục. Các trường học phải trở thành thiết chế dân chủ, nhân văn, sáng tạo", TS. Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.

Một số ý kiến cho rằng trong từng giải pháp thực hiện phải xác định điểm đột phá thay vì "chung chung, dàn trải", từ đó mới có thể tính toán được nguồn lực khả thi, đánh giá được kết quả thực hiện cụ thể.

"Trong giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ GD&ĐT cần tập trung xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ cho khu vực giáo dục tư nhân và có yếu tố nước ngoài như là một thành tố quan trọng của hệ thống giáo dục", GS.TS Phạm Hồng Quang (Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên) nêu quan điểm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) Trương Anh Dũng nêu một số nhóm vấn đề cấp thiết mà Chiến lược cần tập trung giải quyết: Tình trạng làm việc trái ngành nghề được đào tạo; thúc đẩy thể chế, chính sách về thu nhập của giáo viên, học phí, học bổng, quản trị trong nhà trường, đặt hàng đào tạo; hiện đại hoá, thay đổi phương thức, phương pháp đào tạo, tối ưu hoá nguồn lực cho giáo dục, đào tạo;…

Ngành giáo dục phải xác định những điểm đột phá, có thể làm ngay - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Bảo đảm tính liên thông, xuyên suốt của hệ thống giáo dục

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng nhiều nhiệm vụ của Nghị quyết 29-NQ/TW chưa được thực hiện đầy đủ, nhất là chưa rõ sự phối hợp, rõ trách nhiệm của các bộ, ngành; các mục tiêu cụ thể cần được làm rõ hơn trên cơ sở khảo sát thực tiễn.

Đồng tình với ý kiến này, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét một điểm đột phá của Chiến lược là cần xử lý quan hệ giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, ngành khác, các địa phương để bảo đảm chất lượng giáo dục (con người, cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư) thông qua giải pháp hoàn thiện thể chế, trong đó nêu rõ sự chồng chéo, không tương thích giữa các văn bản pháp lý.

TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), cho rằng Chiến lược phải đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực trong tình hình mới như: Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; cập nhật nội dung, tư duy đổi mới trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; tích hợp, liên thông với Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Phó Thủ tướng cho rằng dự thảo Chiến lược phải bảo đảm tính liên thông, xuyên suốt trong toàn hệ thống giáo dục phổ thông, đại học, đào tạo nghề nghiệp, bởi vì ở bậc học phổ thông đã có phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, còn trong các trường đại học đều có khả năng đào tạo nghề ở bậc cao đẳng.

Ngành giáo dục phải xác định những điểm đột phá, có thể làm ngay - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng một đề án thực hiện từ nay đến năm 2025, trong đó xác định những nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách của ngành giáo dục - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Khẩn trương tổng kết Nghị quyết về đổi mới giáo dục

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng khẳng định vị trí hết sức quan trọng của giáo dục trong phát triển đất nước, "trong thời đại hiện nay thì nguồn lực quan trọng nhất là con người; nhân tài là động lực đổi mới sáng tạo".

Ghi nhận các ý kiến mang tính lý luận, nhận thức, tư duy cũng như tổ thức triển khai, thực hiện, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu đầy đủ trong quá trình tổng kết Nghị quyết 29/NQ-TW; đồng thời cập nhật xu thế thời đại; bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo về giáo dục (mầm non, phổ thông, cao đẳng, đại học, sau đại học), tính liên thông, tránh tiếp cận thiếu tổng thể, tạo chia cắt.

"Việc xây dựng chiến lược là một bộ phận để cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết của Trung ương về vấn đề giáo dục, phải mang tính hành động hơn, bao quát được phạm vi, mục tiêu", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW; đồng thời chuẩn bị dự thảo văn nhằm thực hiện chỉ đạo mới của Trung ương sau khi tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW.

Đơn cử, trong quá trình thay đổi phương pháp dạy và học, Phó Thủ tướng cho rằng cần xác định đúng vị trí, vai trò của nhà trường, xã hội, gia đình phục vụ cho mục tiêu phát triển toàn diện năng lực người học "Đức - Trí - Thể - Mỹ". 

Người học là trung tâm của quá trình tự học, biết đổi mới, sáng tạo, cảm nhận cái đẹp, nắm vững phương pháp tự học, nhất là học tập suốt đời.

Dành thêm thời gian phân tích về yêu cầu đổi mới dạy và học ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu hội nhập, Phó Thủ tướng cho rằng công tác đào tạo đội ngũ giáo viên "đi trước một bước"; đồng thời huy động cả nguồn lực xã hội cùng tham gia để đạt được kết quả thực chất cho người học, "ngoại ngữ thực sự là ngôn ngữ thứ hai".

Tương tự, việc đổi mới nội dung, mục tiêu đào tạo phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có sự cân đối, hài hoà kiến thức giữa các môn học.

Theo đó, các nhà trường sư phạm phải đi đầu trong thay đổi về chương trình đào tạo, phương thức quản trị, trên cơ sở xác định những nội dung giáo dục cơ bản để đào tạo một số lượng giáo viên cơ hữu. 

Đối với những môn học liên quan đến thẩm mỹ, hình thành nhân cách, nhà trường phổ thông có cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ sĩ giỏi nhất trong các lĩnh vực đến giảng dạy cho học sinh.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tại những khu vực có điều kiện thuận lợi cần thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hoá giáo dục, để dành nguồn lực Nhà nước đầu tư vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm làm việc.

Xây dựng đề án ưu tiên, cấp bách đến năm 2025

Trước mắt, Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng một đề án thực hiện từ nay đến năm 2025, trong đó xác định những nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách trên cơ sở rà soát kết quả thực hiện, nhất là những mục tiêu chưa đạt được, theo Nghị quyết 29-NQ/TW, các luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương về giáo dục như phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, đổi mới phương pháp dạy và học; nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ, liên thông giữa các bậc học, giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp…

"Đề án này phải khắc phục ngay những điểm nghẽn trong nghị định, thông tư về giáo dục, tích hợp thực chất quy hoạch hệ thống giáo dục, đào tạo gắn với quy hoạch phát triển vùng, địa phương", Phó Thủ tướng lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành giáo dục phải xác định những điểm đột phá, có thể làm ngay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO