Ngành Công Thương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

PV| 09/01/2022 13:12

(TN&MT) - Sáng 9/1, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, 2021 là một năm cực kỳ khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng khi dịch bệnh Covid-19 diễn biễn cực kỳ phức tạp. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Hội nghị 

Cùng với cả nước, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực.

Sản xuất công nghiệp duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng 

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng năm 2021 tăng 2,58%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh.

Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% , cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (Quý I tăng 6,44%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 4,4%; quý IV tăng 6,52%).

Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, IIP cả năm 2021 tăng 4,8% so với năm 2020. Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Trong năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước.

Đặc biệt, tại các địa phương ngành công nghiệp đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn trong đại dịch: có 48 địa phương có chỉ số IIP tăng, chỉ có 15 địa phương có chỉ số IIP giảm so với năm 2020. Trong đó, tăng cao nhất các tỉnh gồm Ninh Thuận (24,6%), Đắk Lắk (23,8%), Gia Lai (20,5%), Hải Phòng (18,2%), Bình Phước (17,8%)....

Cũng trong năm qua, công nghiệp hỗ trợ được quan tâm, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, cơ khí … từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đã có thêm những sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu như: Sơ mi rơ mooc (Thaco - Trường Hải), máy biến áp 220 kV-250MVA…

Ngành Công Thương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

Trong lĩnh vực điện lực, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt với số tiền gần 17.000 tỷ đồng cho các đối tượng là: khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú và cơ sở cách ly y tế. Đây là sự nỗ lực của Bộ Công Thương, góp phần chung tay cùng với cả nước phòng, chống dịch bệnh; đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ, góp phần giảm bớt khó khăn với người dân, duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh để sớm vượt qua khó khăn và chiến thắng đại dịch Covid-19.

Xuất nhập khẩu tăng trưởng ngoạn mục

Kết thúc năm 2021, bên cạnh những thuận lợi, khó khăn chung của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, trở thành điểm sáng của nền kinh tế.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước (năm 2020 đạt 545,32 tỷ USD, tăng 5,3%), đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%.

Cụ thể, về xuất khẩu, năm 2021, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, thương mại toàn cầu suy giảm, bảo hộ mậu dịch gia tăng, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, tuy nhiên xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn bứt phát, đạt mức tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 4-5%).

Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; sắt thép các loại. Đặc biệt, dệt may và da giày là 2 nhóm hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 đã có sự phục hồi, với kim ngạch ước đạt 32,74 tỷ USD và 17,65 tỷ USD, ước tăng lần lượt 9,8% và 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trở lên tiếp tục tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng so với năm 2020 và chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm 2020).

Thị trường xuất khẩu gia tăng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và đặc biệt tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...

Ở chiều ngược lại, cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, trong năm 2021 ngành Công Thương đã tiếp tục thực hiện tốt khâu kiểm soát nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu của cả năm đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020.

Trong năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 109,79 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 56,09 tỷ USD, tăng 19,6%; thị trường ASEAN đạt 41,1 tỷ USD, tăng 34,9%; Nhật Bản đạt 22,52 tỷ USD, tăng 10,7%; thị trường EU đạt 17 tỷ USD, tăng 16,1%; Hoa Kỳ đạt 15,5 tỷ USD, tăng 13%.

Tính chung cả năm 2021, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu khoảng 4 tỷ USD. Đây là năm thứ 6 Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu. Việt Nam xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU… Xuất siêu đã góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Đảm bảo đủ nguồn cung trong mọi tình huống

Đợt dịch Covid lần thứ 4 bùng phát với tốc độ lây lan chưa từng có tại nhiều địa phương trong cả nước, gây ra nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và chuỗi sản xuất công nghiệp… Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã kịp thời đánh giá đúng tình hình, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam và cả nước.

Do tổ chức thực hiện tốt công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nên hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu luôn đáp ứng đủ nhu cầu tăng mạnh của người dân kể cả giai đoạn giãn cách xã hội, đã tạo được niềm tin, sự an tâm của người dân đối với việc bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường.

Trong năm 2021, để phát triển thị trường trong nước trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược tổng thể cho phát triển thị trường nội địa.

Điều này thể hiện quyết tâm của Bộ Công Thương trong việc phát triển hoạt động thương mại trong nước không chỉ tăng về lượng mà còn đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững, gắn liền với hiệu quả đầu tư và phát triển sản phẩm, thương hiệu Việt, trên cơ sở phát huy nội lực của thị trường trong nước.

Với những giải pháp đồng bộ trên, năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 ước đạt 4789,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng trong năm 2021, công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh và đổi mới phương thức quản lý, góp phần bảo vệ và hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh. Trong năm, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện xử lý 41.375 vụ vi phạm, ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã tham mưu, cho Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐQĐ-TTg ngày 13/7/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược tổng thể cho phát triển thị trường nội địa. Qua đó thể hiện quyết tâm của Bộ Công Thương trong việc phát triển hoạt động thương mại trong nước không chỉ tăng về lượng mà còn đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững, gắn liền với hiệu quả đầu tư và phát triển sản phẩm, thương hiệu Việt, trên cơ sở phát huy nội lực của thị trường trong nước.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những yếu tố bất lợi; đặc biệt là đại dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc, không đồng đều; áp lực lạm phát, rủi ro và bất ổn của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng…

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 đã được Chính phủ giao, ngành Công Thương đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Công Thương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO