Ngành công nghiệp môi trường Việt Nam: Cần có chính sách phù hợp

12/12/2013 00:00

(TN&MT) - Ngành công nghiệp môi trường ở nước ta còn non trẻ, đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp thấp, sản xuất và sức cạnh tranh yếu.

(TN&MT) - Ngành công nghiệp môi trường ở nước ta còn non trẻ, đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp thấp, sản xuất và sức cạnh tranh yếu. Để ngành công nghiệp môi trường phát triển bền vững cần có những chính sách cụ thể, kịp thời, trước tiên là chú trọng phát triển công nghiệp chế biến chất thải.
   
Đối mặt với nhiều thách thức
   
  Trong ngành công nghiệp môi trường, chất thải là vấn đề được quan tâm nhiều nhất ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Đây đồng thời là nguồn tài nguyên có giá trị đối với các nước nghèo, tạo ra các giá trị lợi ích lớn. Tuy nhiên hiện nay ở nước ta, công nghệ xử lý chất thải còn  lạc hậu, gây khó khăn, lãng phí trong công tác tái chế chất thải. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp, hiện ngành công nghiệp môi trường chỉ đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu xử lý nước thải đô thị, 15% nhu cầu chất thải rắn và 14% lượng chất thải nguy hại.
   
  Cụ thể, trong lĩnh vực nước thải đô thị, chỉ có 6/63 tỉnh, thành phố có nhà máy chế biến nước thải, năng lực tính chung cả nước mới chỉ đáp ứng khoảng 5% nhu cầu. Tính đến tháng 7/2012, cả nước có khoảng 20 dự án chế biến nước thải đô thị với tổng công suất 1.750 triệu m3/ngày đêm. Có thể thấy, ở khu vực đô thị còn quá ít các nhà máy chế biến nước thải. Điều này dẫn đến việc các nguồn nước ô nhiễm và gây lãng phí nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường.
   
   
Cần xây dựng quy trình xử lý chất thải rắn đồng bộ. Ảnh: Nam Phong.
   
  Đối với thị trường công nghiệp chế biến chất thải rắn, hiện cả nước có 12 tỉnh và 16 cơ sở chế biến rác đang hoạt động với công suất khoảng 3.000-4.000 tấn/ngày cùng với 14 cơ sở khác đang xây dựng, mới chỉ đáp ứng 15% nhu cầu chế biến. Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, hiện chưa có địa phương nào có mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoàn thiện, đạt được các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường. Một số địa phương đã phê duyệt dự án cụ thể cho việc xử lý chất thải rắn, tuy nhiên mới dừng ở triển khai thí điểm. Bên cạnh đó, do nguồn vốn hạn hẹp, phần lớn dự án chưa tiếp cận công nghệ tiên tiến, vẫn còn tình trạng sản xuất ở quy mô nhỏ.
   
  Một lĩnh vực quan trọng nữa trong ngành công nghiệp môi trường Việt Nam góp phần sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường là công nghiệp tái chế chất thải. Song, ngành công nghiệp này vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Theo kết quả điều tra phân loại thuộc Đề tài Nhà nước KC 08-09, Việt Nam hiện có khoảng 100 làng nghề tái chế các loại. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp tái chế làng nghề đều sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu suất tái chế thấp, tiêu chuẩn của sản phẩm không cao gây lên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
   
Hướng đến giải pháp bền vững
   
  Trước thực trạng công nghiệp chế tạo thiết bị công nghệ còn manh mún, quy mô nhỏ, nhiều vấn đề về sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường chưa được triển khai đồng bộ, ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhằm cung cấp các công nghệ, dịch vụ, thiết bị và sản phẩm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
   
  Để có thể giải quyết được những yêu cầu cấp bách nêu trên, cần tập trung định hướng phát triển công nghiệp môi trường, định hướng phân bố công nghiệp môi trường, đồng thời định hướng phân công và tạo liên kết công nghiệp.
   
  Theo đó, hướng ưu tiên là phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ xử lý tái chế chất thải bao gồm nước thải, chất thải rắn và khí thải. Từ đó, hình thành các loại hình dịch vụ đa dạng và cơ bản trên các hướng tổ hợp thu gom, phân loại và tái chế, các nhà máy tái chế dựa trên nhập khẩu phế liệu, các nhà máy đốt chất thải. Đồng thời, tiếp tục phát triển các dịch vụ mà Việt Nam chưa có như tái chế chất thải điện tử, sản xuất dầu đốt công nghiệp và các dạng tái chế khác. Từng bước hình thành ngành công nghiệp tái chế chất thải với năng lực cạnh tranh cao, không chỉ giải quyết các vấn đề chất thải ngay trong nước mà còn có thể xuất khẩu các dịch vụ ra ngoài nước.
   
  Để không gây lãng phí và giảm thiểu mức ô nhiễm thấp nhất cho môi trường, cần tập trung phát triển công nghiệp sản xuất thiết bị công nghệ phục vụ cho chế biến chất thải; phát triển công nghiệp tái chế theo hướng đa dạng với nhiều sản phẩm, loại hình công nghệ và quy mô khác nhau, cho phép khai thác tối đa tiềm năng chất thải trong nước và nhập khẩu.
   
  Bên cạnh đó, cần thay đổi các hệ thống chính sách hiện nay một cách phù hợp. Cụ thể, cho phép nới rộng các quy định nhập khẩu trên một số lĩnh vực như sắt thép, điện tử nhằm phát triển ngành công nghiệp tiềm năng hiện này. Nhà nước cũng cần đầu tư nhiều hơn cho sản xuất và phát triển dịch vụ mới, khuyến khích đầu tư từ khu vực doanh nghiệp, tư nhân thông qua cơ chế giá…
   
Tuyết Mai
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành công nghiệp môi trường Việt Nam: Cần có chính sách phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO