Ngành chăn nuôi ở Sóc Trăng: Đang tạo sức ép lớn đối với môi trường ​​​​​​​

17/03/2018 21:20

(TN&MT) - Ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang ngày càng phát triển với tốc độ tăng trưởng khá nhanh và chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản...

 

(TN&MT) - Ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang ngày càng phát triển với tốc độ tăng trưởng khá nhanh và chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Hoạt động chăn nuôi đã và đang tạo nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân, tuy nhiên cùng với sự gia tăng đàn vật nuôi thì khối lượng chất thải trong chăn nuôi cũng đang tăng theo tạo ra sức ép rất lớn đối với môi trường.
 

chú thích ảnh một cơ sở chăn nuôi gia cầm ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng


Nguồn chất thải chưa được xử lý triệt để
 

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực trong việc thực thi các quy định pháp luật về quản lý, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thông qua các dự án đầu tư, nhiều biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi đã và đang được áp dụng như công trình khí sinh học (hầm biogas), phân tách nguồn thải để tận dụng lượng chất thải rắn làm phân hữu cơ, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi,...Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quản lý và phát triển chăn nuôi còn tồn tại những hạn chế, bất cập dẫn đến  tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang diễn ra.
 

Theo số liệu thống kê từ các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, hiện nay khối lượng chất thải rắn phát sinh trong chăn nuôi vào khoảng 633.500 tấn/năm, còn nước thải là trên 12.000.000m3/năm. Thế nhưng, nguồn chất thải, nước thải phát sinh không được thu gom, xử lý triệt để đã và đang gây sức ép lớn đối với môi trường nước mặt, nước ngầm, không khí và làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, giảm năng suất, tăng chi phí phòng trị bệnh,...
 

Hiện nay ở tỉnh Sóc Trăng có khoảng 269 cơ sở chăn nuôi với quy mô vừa và lớn, số lượng cơ sở chăn nuôi và loại vật nuôi phân bố không đều tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đối với loại hình chăn nuôi heo số lượng cơ sở tập trung nhiều nhất là tại TX. Ngã Năm (36 cơ sở); huyện Kế Sách (27 cơ sở); huyện Châu thành (25 cơ sở); ...còn chăn nuôi gia cầm số lượng cơ sở chăn nuôi tập trung nhiều địa bàn huyện Châu Thành, huyện Kế Sách; ...
 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 20% cơ sở chăn nuôi vừa và lớn đầu tư công trình khí sinh học để xử lý nước thải. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý nước thải từ các công trình này của cơ sở chăn nuôi còn thấp vì quy trình chủ yếu là xử lý bằng biogas sau đó qua hệ thống ao sinh học (ao lắng) không có giai đoạn khử trùng trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Bên cạnh đó, phần lớn các cơ sở chăn nuôi hộ gia đình đầu tư và xử lý chất thải thường áp dụng theo mô hình của các cơ sở khác, không tự thiết kế, tính toán dựa vào các thông số lưu lượng nước thải của cơ sở mình, nên dẫn đến việc hệ thống xử lý quá tải, không đủ công suất xử lý chất thải phát sinh. Ngoài ra, một số cơ sở chăn nuôi hộ gia đình có diện tích đất nhỏ, chỉ lắp đặt được hầm hoặc túi biogas, không có hệ thống ao sinh học. Chính những điều này đã dẫn đến thực trạng phần lớn lượng nước thải trong chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn được thải ra các kênh, rạch với các thông số gây ô nhiễm rất cao như COD, TSS...
 

Vừa qua, các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành khảo sát, quan trắc nguồn nước thải tại 46 cơ sở chăn nuôi có lưu lượng nước thải lớn hơn 5m3/ngày. Kết quả quan trắc cho thấy, chỉ có 2 cơ sở chăn nuôi xử lý nguồn nước thải phát sinh đạt quy chuẩn, còn 44 cơ sở chăn nuôi xử lý nước thải không đạt quy chuẩn nhưng vẫn thải ra môi trường.
 

Không chỉ nước thải, đối với chất thải rắn, khí thải chưa được thu gom và xử lý chưa triệt để đã phát sinh khí thải và mùi hôi gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là mùi từ hoạt động chăn nuôi heo, gà với quy mô lớn đang là vấn đề được quan tâm và gây ra bức xúc đối với người dân ở khu vực xung quanh các cơ sở chăn nuôi. Bên cạnh đó, sự phát triển của các loại hình dịch vụ phục vụ chăn nuôi như chuồng trại tập trung, thức ăn tổng hợp đang làm suy thoái môi trường, gây hiệu ứng nhà kính do phát sinh các loại khí CH4, CO2, NH3, H2S …
 

Đâu là giải pháp...
 

Theo dự báo từ các ngành chức năng, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ước tính lượng chất thải trong chăn nuôi phát sinh gần 12.300.000m3/năm đối với nước thải và trên 673.000 tấn/năm đối với chất thải rắn. Với khối lượng chất thải phát sinh nêu trên nếu không được thu gom và xử lý triệt để mà thải trực tiếp ra các kênh, mương, sông hoặc đường thoát nước sẽ gây tắc nghẽn dòng chảy, bốc mùi và gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Không chỉ thế, chất thải chăn nuôi tại khu vực dịch bệnh, các khu giết mổ tập trung còn chứa nhiều các vi sinh vật như vi-rút H5N1, H5N6, LMLM, bệnh tai xanh,…tồn tại trong chất thải và môi trường có thể lây lan nhanh chóng gây bùng phát dịch bệnh làm chết vật nuôi, đe dọa đến sức khỏe của người dân xung quanh...
 

Nhận biết được những nguy cơ tiềm ẩn trong lĩnh vực chăn nuôi đối với môi trường đất, nước, không khí,...tỉnh Sóc Trăng đã đề ra kế hoạch sẽ tập trung huy động tổng hợp các nguồn lực triển khai đồng bộ và hiệu quả các nhóm giải pháp về quản lý, phát triển và bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực chăn nuôi, trong đó tổ chức quy hoạch phát triển các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, đảm bảo an toàn sinh học. Phát triển chăn nuôi trang trại theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp gắn kết với xử lý môi trường; chuyển dịch mạnh phương thức chăn nuôi nhỏ, lẻ, phân tán trong hộ gia đình sang phương thức chăn nuôi tập trung, công nghiệp, giảm tỷ lệ đầu con chăn nuôi theo phương thức truyền thống, áp dụng các tiến bộ về khoa học và công nghệ sinh học vào chăn nuôi, xử lý chất thải; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, triển khai áp dụng các mô hình về xử lý nước thải, chất thải rắn...
 

Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả trong công tác quản lý, phát triển và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương thì các Bộ, ngành có liên quan cần có chỉ đạo, hướng dẫn địa phương triển khai đồng bộ và hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý chăn nuôi, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định pháp luật, đảm bảo tính chủ động, kịp thời trong quá trình quản lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn...

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành chăn nuôi ở Sóc Trăng: Đang tạo sức ép lớn đối với môi trường ​​​​​​​
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO