Sức khỏe

Ngành BHXH tìm cách chặn tình trạng ‘dã tràng xe cát’

Thùy Linh 22/10/2023 - 08:26

(TN&MT) - Nhiều người lo lắng phát triển bảo hiểm xã hội giống như “dã tràng xe cát”, bởi số người tham gia đông nhưng số người chọn rút BHXH một lần cũng nhiều. Vì vậy, cần có giải pháp để người dân tham gia lâu dài và phát triển bền vững hệ thống an sinh.

Để Bảo hiểm Xã hội (BHXH) là chỗ dựa an sinh cho người cao tuổi, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện. Hiện, Luật BHXH đang xem xét sửa đổi với nhiều đề xuất mới để thu hút người tham gia.

Làm BHXH như ‘dã tràng xe cát’

Bà Nguyễn Thị Minh Hòa, Giám đốc BHXH TP.Thủ Đức nhất trí với các nội dung đề xuất của dự thảo Luật như giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện.

Về BHXH một lần, từ năm 2021 - 2023, TP.Thủ Đức có hơn 43.000 lượt người nhận trợ cấp một lần với số tiền hơn 3.400 tỷ đồng. Theo bà Hòa, quy định rút BHXH tồn tại nhiều năm đã góp phần hình thành tập tính "rút bảo hiểm" trong người lao động. Nhiều người xem đây như khoản tiết kiệm để rút ra khi cần, không quan tâm đến việc hưởng lương hưu.

Qua đó, bà Hòa cũng đề xuất phương án người lao động mới tham gia sau ngày 1/7/2025 sẽ không được rút BHXH 1 lần. Vì điều này dễ dàng nhận được sự đồng thuận của người lao động đang có quá trình tham gia BHXH và có cơ sở đưa chính sách BHXH tiến tới đích đến cuối cùng là chế độ hưu trí.

4349-1697509362_1200x0.jpg
Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã khẳng định: “Từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Đồng thời, những người sắp bước vào thị trường lao động phải hiểu rằng tham gia BHXH là bắt buộc ở lại để sau này có lương hưu.

"Cơ quan chúng tôi đã trải qua các thời điểm cao điểm người dân rút BHXH một lần. Hằng ngày nhìn thấy hàng người đứng xếp hàng chờ rút, chúng tôi rất trăn trở. Vì làm BHXH như "dã tràng xe cát" vậy, nên rất mong Quốc hội sẽ thông qua Luật BHXH sửa đổi, để giữ người lao động trong lưới an sinh đến thời điểm hưởng chế độ lương hưu", bà Hòa cho biết.

Cuộc sống an nhiên khi về già

Thực tế, những ưu Việt của hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi đã phần nào thể hiện rõ thời gian qua. Cho đến nay, khi tham gia BHXH tự nguyện người dân sẽ được hưởng lương hưu khi về già và không phải phụ thuộc quá nhiều vào con cháu. Mặt khác, người tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng Bảo hiểm y tế khi nhận lương hưu, được hưởng chế độ tử tuất.

Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã khẳng định: “Từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Người cao tuổi không chỉ cần giữ gìn sức khỏe, tự tạo niềm vui cho mình mà còn cần chủ động để cuộc sống không bị túng thiếu khi về già. Thực tế cho thấy, những người tham gia BHXH tự nguyện khi về già được chăm sóc y tế tốt hơn, hưởng nhiều lợi ích hơn.

Tham gia BHXH được 20 năm, ông Nguyễn Duy Tuyên (Cầu Giấy, Hà Nội) cảm thấy yên tâm vì cuộc sống của ông khi về già không quá vất vả do được hưởng lương hưu hàng tháng. Không những thế, mỗi khi đi khám chữa bệnh, ông còn có bảo hiểm y tế không phải phụ thuộc vào con cháu. Điều này giúp ông tự tin hơn trong cuộc sống.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, BHXH tự nguyện là chính sách xã hội quan trọng, đã mang đến cơ hội cho hàng chục triệu người dân, lao động tự do được đảm bảo về an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Rủi ro, ốm đau, bệnh tật và mất sức lao động không trừ một ai, do đó tham gia BHXH tự nguyện là cách để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già.

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH phân tích cụ thể về những lợi ích mang lại cho người cao tuổi. Người dân tham gia BHXH tự nguyện để có thể tích lũy, làm của để dành khi về già. Sau khi lương tăng theo Nghị định 42, những người cao tuổi được lĩnh lương mới nên cuộc sống được cải thiện. Đa phần những người nghỉ hưu khi lương tăng đều rất vui mừng vì điều đó thể hiện sự quan tâm, động viên đúng lúc, kịp thời của Đảng và Nhà nước khi nền kinh tế đang khó khăn, nhất là với những người cao tuổi.

Số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, tổng số tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH đợt tháng 8/2023 theo Nghị định 42 của Chính phủ là khoảng gần 21.000 tỷ đồng, trong đó, hơn 18.600 tỷ đồng chi trả theo mức hưởng mới của tháng 8/2023 và hơn 2.100 tỷ đồng chi trả phần chênh lệch tăng thêm chưa lĩnh của tháng 7/2023 cho người hưởng.

Bàn cách bao trùm BHXH toàn dân

Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã khẳng định: “Từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững” trong đó, nội dung quan trọng là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng.

Bao gồm, tầng 1 trợ cấp hưu trí xã hội, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Tầng 2, BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Tầng 3 bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Mặt khác, với BHXH bắt buộc, TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại Điều 3, khoản 6 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) “giao Chính phủ quy định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác có thu nhập ổn định, thường xuyên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ” là phù hợp, cần thiết.

Tuy nhiên, vấn đề là sẽ gia tăng quyền lợi thế nào khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Hiện nay, có 2 nhóm hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh và hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh. Trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp. Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Trong lần sửa đổi Luật BHXH này, quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia BHXH bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như BHYT hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện BHYT hộ gia đình theo lũy tiến. Đồng thời hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc (lưu ý cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh). Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân.

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, việc đăng ký tham gia BHXH phải hướng đến tất cả công dân từ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động, có việc làm, có thu nhập cần thiết phải tham gia BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyện) và từng bước tiến tới tham gia BHXH bắt buộc. Thực hiện BHXH số tiến tới thu BHXH qua thuế và App điện thoại, hạn chế thu, nộp trực tiếp để bảo đảm công khai minh bạch, tránh sai sót. Mục tiêu là đạt được an sinh xã hội và tiến tới bao phủ BHXH toàn dân theo Nghị quyết 28/TW của Trung ương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành BHXH tìm cách chặn tình trạng ‘dã tràng xe cát’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO