Ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực thiếu hệ thống hạ tầng, chưa được phép đầu tư

Trường Giang| 15/11/2022 19:12

(TN&MT) - Chiều 15/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với 486 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 97,59 %.

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tính đến ngày 11/11/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận ý kiến bằng văn bản của 404 đại biểu Quốc hội, trong đó, 356 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 48 đại biểu có ý kiến góp ý cụ thể.

Đối với lĩnh vực xây dựng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát với Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về công tác quy hoạch và một số Nghị quyết liên quan, bảo đảm không trùng lặp về nội dung.

3(2).jpg
Các Đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Về đề nghị bổ sung nội dung yêu cầu Chính phủ, Bộ Xây dựng có giải pháp khắc phục tình trạng chậm bàn giao hạ tầng các dự án nhà ở, khu đô thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung này phản ánh đúng tình hình thực tiễn và phù hợp với diễn biến phiên chất vấn, cần có giải pháp khắc phục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.

Đối với các đề nghị bổ sung nội dung về chính sách hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đầu tư hạ tầng số, huy động nguồn lực thực hiện các chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các nội dung trên là những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng, cần thiết nhằm huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả các chương trình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.

Về việc bổ sung nội dung về hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai, trọng tâm là cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia không thuộc Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai.

151120220337-1.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Thời gian tới, để tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, Chính phủ cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu ưu tiên, trong đó đã bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết.

Liên quan đến các kiến nghị bổ sung yêu cầu về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, vấn đề tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của cơ quan thanh tra; hơn nữa, vấn đề này đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập tại phiên chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giữ bố cục và kết cấu của dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn được xây dựng theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với một số nội dung cơ bản như đề xuất của đại biểu.

Đồng thời, tiếp tục tinh thần đổi mới trong hoạt động giám sát, căn cứ diễn biến phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết theo hướng từng bước cụ thể hóa các nhiệm vụ với những yêu cầu, tiêu chí định lượng, mốc thời gian và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, bảo đảm hiệu quả, khả thi, làm cơ sở quan trọng để tổ chức thực hiện và giám sát có hiệu quả; bảo đảm bao quát được trách nhiệm điều hành chung của Chính phủ, trách nhiệm chính của người trả lời chất vấn cũng như của từng Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia giải trình…

Theo Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã thành công tốt đẹp. Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực phụ trách với những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng: Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ cùng các thành viên khác của Chính phủ tại phiên chất vấn.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Cụ thể:

Đối với lĩnh vực xây dựng, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quy hoạch đô thị, nông thôn, trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị; thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sớm hoàn thành phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch thành phố, quy hoạch chung đô thị của 05 thành phố trực thuộc trung ương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, cân đối giữa các vùng, miền; phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh.

Khẩn trương xây dựng và ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị ven biển, khu đô thị sinh thái ven biển gắn với hình thành các trung tâm kinh tế biển. Nâng cao năng lực quản lý đô thị, sớm có giải pháp khắc phục những bất cập, bảo đảm tính đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các thành phố lớn, đặc biệt là tình trạng ngập úng, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, chậm bàn giao hạ tầng các dự án nhà ở, khu đô thị, thiếu trường học, bệnh viện,...

Quản lý chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, đặc biệt là việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Đẩy mạnh phân cấp về thiết kế, thẩm định, nghiệm thu các công trình, dự án xây dựng. Hoàn thiện hệ thống dữ liệu, đẩy mạnh số hóa trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, phát triển đô thị, hoạt động xây dựng. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, chuẩn hóa khung năng lực cán bộ quản lý đô thị.

Khẩn trương hoàn thiện pháp luật quản lý, điều chỉnh lĩnh vực bất động sản, nhà ở, nhất là dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5. Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, cân bằng; tăng tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm các thủ tục hành chính, nhất là trong khâu thẩm định, cấp phép để thúc đẩy phát triển xây dựng các dự án nhà ở, bất động sản, cải tạo chung cư cũ, đặc biệt là tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đảm bảo chất lượng nhà ở tái định cư. Có chính sách thu hút, tạo nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường bất động sản.

Kiểm soát chặt chẽ việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường bất động sản hoạt động công khai, minh bạch, bền vững và an toàn. Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực thiếu hệ thống hạ tầng hoặc chưa được phép đầu tư.

Tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, danh mục, tiến độ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản và thị trường bất động sản; có biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, tạo điều kiện cho thị trường hoạt động thông suốt, chất lượng, không để xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản, ngăn chặn đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, trục lợi bất hợp pháp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhất là vi phạm trong hoạt động giao dịch, huy động vốn kinh doanh bất động sản.

Khẩn trương hoàn thiện chính sách ưu đãi thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhất là nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua. Sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Có giải pháp tích cực triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các dự án cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê, thuê mua theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội. Nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. Chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở, quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo quy định. Xác định danh mục trụ sở, cơ sở cần phải di dời, lộ trình, biện pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời khỏi nội đô thành phố Hà Nội.

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tiếp cận trình độ khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến. Trong năm 2023, ban hành 12 bộ quy chuẩn và đến năm 2025, công bố đầy đủ 128 tiêu chuẩn cốt lõi theo định hướng mới. Thường xuyên rà soát, bổ sung hệ thống định mức và giá xây dựng, tập trung cho định mức xây dựng chủ yếu, có ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư xây dựng, suất vốn đầu tư, đơn giá tổng hợp. Hoàn thiện, đổi mới, số hóa, mã hóa thống nhất hệ thống định mức, đơn giá xây dựng.

Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường sử dụng sáng chế và áp dụng công nghệ mới trong ngành xây dựng. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu xanh, vật liệu mới, vật liệu thay thế (như cát biển, tro xỉ nhà máy nhiệt điện, đất đá thải loại từ hoạt động khai thác khoáng sản…) trong xây dựng công trình. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gom hàng, găm hàng, “thổi giá” vật liệu xây dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực thiếu hệ thống hạ tầng, chưa được phép đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO