Trầm tích văn hóa lưu vực sông Hương
Với những đặc điểm đặc trưng về địa lý, vùng đất Thừa Thiên Huế trong một thời gian dài đã đóng một vai trò lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Trên 350 năm trước, ven bờ sông Hương đã xuất hiện một đô thị mang tên Kim Long-Kẻ Huế, là thủ phủ của vương quốc Đàng Trong. Theo tiến trình lịch sử, đô thị ấy đã không ngừng phát triển, trở thành kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới thời Tây Sơn, rồi thời Nguyễn. Từ đó, với hơn 150 năm đóng vai trò là kinh đô, Huế đã đạt đến đỉnh cao về trình độ phát triển đô thị, trở thành một mẫu mực của Việt Nam và thế giới về mô thức đô thị phong thủy, đô thị cảnh quan.
Đô thị hai bên sông Hương |
Từ khi thành lập đến nay, đô thị Huế luôn gắn liền với hệ sông Hương, trong cái nhìn kiến thiết đầy minh triết của các nhà kiến trúc thời xưa, sông Hương có một vai trò đặc biệt quan trọng về nhiều mặt: Sông Hương trở thành trục quy hoạch chính để nối liền Kinh thành với vùng đền miếu, lăng tẩm ở phía Tây và các khu vực thương nghiệp, cảng thị ở phía Đông. Sông cũng là yếu tố phong thủy chủ đạo của Kinh đô, là tuyến hào tự nhiên để bảo vệ mặt Nam của Kinh thành; tuyến giao thông đường thủy để nối liền Kinh đô với các vùng miền. Vì thế, gần như tất cả các công trình kiến trúc quan trọng của Huế cổ xưa đều gắn liền với sông Hương hay các chi lưu. Sông Hương trở thành là một dải hội tụ đặc biệt của đời sống tinh thần xứ Huế. Không chỉ đô thị Huế, mà cả những vùng đất từ miền núi cao xuôi về cửa biển, tất cả đều gắn bó với sông Hương. Và đến lượt mình trong tiến trình phát triển những làng mạc trù phú, chúng góp phần tạo nên cảnh sắcc nên thơ rất đặc trưng của con sông huyền thoại.
Môi trường sông Hương bị “thách thức”
Ý thức sâu sắc về những di sản vô giá do các thế hệ tiền nhân để lại, chính quyền và nhân dân TT-Huế đã có những nỗ lực lớn để giữ gìn và phát huy những giá trị di sản đô thị gắn liền với sông Hương. Đã có nhiều biện pháp tích cực để bảo vệ và làm đẹp sông Hương cùng các hệ thống chi lưu, phụ lưu gắn liền với nó. Sông Đông Ba, sông An cựu, sông Thiên Lộc và một đọan sông Hương đã được xây kè bảo vệ. Thành phố Huế cũng đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để giải tỏa và di dời hàng trăm hộ dân suốt từ cầu Bạch Hổ đến chùa Thiên Mụ và đã thực hiện một dự án lớn để giải tỏa và làm đẹp đọan từ chân cầu Gia Hội đến Bãi Dâu. Có thể nói đây là những nỗ lực rất lớn mà nếu không có quyết tâm rất cao thì một tỉnh còn nghèo như Thừa Thiên Huế chắc chắn sẽ không thể thực hiện được các dự án nói trên...
Đô thị hai bên sông Hương |
Tuy nhiên, rõ ràng sông Hương vẫn đang đứng trước một số nguy cơ lớn về ô nhiễm môi trường, giá trị cảnh quan bị xâm hại... Sông Hương đang bị tác động ngày một lớn của sự xói lở và bồi lắng. Nhưng những tác nhân phá hoại mới đáng nói hơn đó là quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã làm xuất hiện nhưng công trình ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan sông Hương, nạn khai thác cát sạn bừa bãi...
Tuyên bố chung về bảo tồn
Trong những năm qua Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Di sản của Trường đại học Waseda (Nhật Bản) đã tổ chức các cuộc hội thảo quan trọng với chủ đề: "Bảo tồn môi trường nông thôn và đô thị lịch sử của Huế". Lãnh đạo UBND tỉnh trong phát biểu khai mạc tại hội thảo đã mong muốn các nhà khoa học sẽ tập trung đến các vấn đề như, đặc trưng nổi bật của môi trường đô thị Huế cùng những khu vực gắn liền với lưu vực sông Hương, những vấn đề đặt ra hiện nay; Những nguyên tắc thích hợp để bảo tồn và phát triển đô thị Huế và vùng lưu vực sông Hương một cách bền vững; Cùng nhau thống nhất và thông qua một Tuyên bố chung về bảo tồn môi trường đô thị Huế và các khu vực dọc theo sông Hương.
Vấn nạn khai thác cát trộm trên sông Hương vẫn còn tiếp diễn |
Chia sẻ mối quan tâm về hình ảnh môi trường đô thị Huế trong tương lai như thế nào, đã có khá nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề cần thiết làm thế nào để phát triển bền vững đô thị Huế trong sự hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và cảnh quan môi trường với việc cải thiện nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy kinh tế. Điều đáng chú ý nhất là hội thảo đã đưa ra được những kết luận và kiến nghị mang tính đột phá nhằm bảo tồn khu vực Huế gắn với sông Hương như một chỉnh thể thống nhất và phát triển một cách bền vừng.
Vấn nạn khai thác cát trộm trên sông Hương vẫn còn tiếp diễn |
Trong bản kiến nghị gửi đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Văn phòng UNESCO Hà Nội và Ủy ban UNESCO Việt Nam, có 5 kiến nghị và 8 nguyên tắc chỉ đạo được nêu lên như những nội dung cơ bản nhất. 5 kiến nghị bao gồm: Tái tạo các nền móng xã hội, môi trường và lịch sử đã từng tồn tại trước đây ở Huế; đẩy mạnh việc bảo tồn môi trường nông thôn và đô thị lịch sử thông qua cái nhìn tổng thể về lưu vực sông hương, xem đó như là một Bảo tàng sinh thái lịch sử; thiết lập một mô hình du lịch tích hợp giữa môi trường và lịch sử ở châu Á; phục hồi và gìn giữ phong cảnh và cảnh quan; thiết lập một phương thức để chia sẻ tầm nhìn rộng lớn đối với lưu vực sông Hương và tạo ra một hệ thống quản lý xã hội hướng đến phát triển bền vững.
Tám nguyên tắc chỉ đạo được nêu lên là: tôn trọng cấu trúc đô thị độc đáo của Huế; tôn trọng hệ thống sinh thái độc đáo của Huế; tôn trọng công nghệ truyền thống để phát triển Huế theo hình thức thích ứng; hướng đến một hệ thống giao thông an toàn và mang tính sinh thái; hướng đến một hệ thống hướng dẫn để thực hiện các vấn đề liên quan đến văn hóa lịch sử và cảnh quan; tôn trọng lối sống truyền thống và xây dựng các mô hình để cải thiện và nâng cấp các khu vực lịch sử; thiết lập một mô hình thành phố kiểu "independent city" (thành phố độc lập) để hướng đến một sự phát triển bền vững cho Huế; hướng đến một hệ thống du lịch bền vững để cư dân Huế và khách du lịch có thể hưởng thụ được tất cả các nguồn tài nguyên đang có sẵn của Huế. Đó là những khuyến nghị rất đáng quan tâm mà nếu làm được những vấn đề đó, sẽ đảm bảo cho sự phát triển.
Đức Bình – Quốc Toàn