Bởi thế, hoa Kim Dinh luôn sạch sẽ và lúc nào cũng đắt như “tôm tươi”. Trồng đến đâu, bán sạch đến đó. Hàng ngàn mẫu đất trồng hoa tết đã được thương lái đặt hàng. Người dân Kim Dinh đang hối hả bước vào vụ hoa tết với niềm vui phấn khởi.
Hoa sạch không hóa chất
Để hiểu về công việc nhọc nhằn, thấp thỏm của người trồng hoa tết, tôi và một đồng nghiệp cầm máy ảnh “phượt” lúc 9 giờ đêm từ thành phố Vũng Tàu đến Kim Dinh- nơi làng nghề trồng hoa tết truyền thống từ lâu đời. Dọc hai bên đường quốc lộ 51 địa bàn phường Kim Dinh thành phố Bà Rịa, là hàng ngàn bóng đèn điện thắp sáng lung linh trên những cánh đồng hoa. Lúc đầu tôi cứ ngỡ người dân thắp bóng điện để sưởi ấm cho hoa, nhưng không phải thế.
Dưới ánh điện đêm, hàng chậu cúc đại đóa đang cựa mình, vươn ngọn |
Gặp anh Lê Văn Hùng- người trồng hoa có thâm niên hơn 20 ở khu phố Kim Hải, phường Kim Dinh đang cần mẫn phun thuốc chống nấm cho những chậu hoa cúc dưới những bóng đèn điện rực sáng trong sương đêm. Tôi hỏi: “Chong bóng đèn để sưởi ấm cho hoa phải không anh?”. Anh Hùng nhìn tôi nhỏe miệng cười, trả lời: “Không phải. Để không cho nó ngủ”. – Nghĩa là gì anh? Tôi ngạc nhiên hỏi thêm. “Nghĩa là bắt nó thức để ngọn hoa lớn nhanh. Nếu không chong bóng đèn, ngọn hoa không lên và sẽ nở rất sớm, không đúng ý định của mình”, anh Hùng giải thích
Anh Hùng cho biết thêm, ở làng hoa Kim Dinh này từ bao đời nay làm nghề trồng hoa nhưng tuyệt đối không bón thuốc độc hại, hoặc bón thuốc để “ép” cho hoa nở. Có địa phương, người trồng hoa do hám lời và để nhàn thân, họ chỉ cần cấy hoa vào chậu, phun thuốc kích thích là hoa lớn nhanh như thổi và nở theo đúng ý định. Nhưng việc làm đó lại rất có độc hại cho cả người chăm bón, cả người tiêu dùng.
Nắm bắt được thị trường, người tiêu dùng thích hoa sạch, từ nhiều năm qua, những người làm nghề hoa ở Kim Dinh “đoạn tuyệt” với “thuốc nở sớm”. “Không dùng thuốc độc hại, không dùng phân kích thích thì phải chong đèn đêm cho hoa nở. Để cây hoa vươn cao và nở đúng thời gian ý định của chủ, phải chong đèn đêm “kéo” ngọn hoa lên. Nếu chong đèn điện thời gian dài, thì ngọn sẽ lớn cao, tức là kìm ngọn không cho nó ra nụ. Một ngày đêm có 24 giờ, hoa chỉ được “ngủ” hai giờ vào lúc sớm tinh mơ trước khi mặt trời mọc.
Ban ngày, ngọn hoa vươn theo ánh sáng mặt trời, ban đêm vươn theo ánh sáng bóng điện. Nếu không thắp đèn, ngọn nó sẽ chùn, không vươn cao được. Đối với hoa cúc xuân, cúc đại đóa, từ lúc ươm cây đến lúc thu hoạch thời gian bốn tháng. Thời gian chong đèn “đánh thức” 25 đến 30 ngày, tùy thuộc vào thời tiết nắng hay mưa. Khi tắt điện, hoa bắt đầu nảy nụ và nở. Từ lúc hoa ra nụ đến lúc thu hoạch thời gian chừng 65 ngày. Khoảng trước tết một tuần là xuất vườn cho thương lái”, anh Hùng cho biết.
Anh Lê Văn Hùng- một “đại gia hoa” của làng nghề Kim Dinh đang phun thuốc diệt nấm |
Năm nay, gia đình anh Hùng trồng 10 thiên hoa, tương đương 10 ngàn chậu hoa các loại, song chủ yếu là hoa cúc xuân và cúc đại đóa. Với số lượng đó, cả gia đình anh làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt cũng chưa hết việc. Chỉ việc xới gốc, bỏ phân cho 10 ngàn chậu hoa, bốn lao động phải liên tục làm trên 20 ngày mới xuể, ấy là chưa kể đến công làm cỏ, cắm cây cho hoa tựa, di chuyển chậu hoặc che chắn khi trời mưa to gió lớn, chống thân cây đổ hoặc bật gốc. Để những “đứa con” của mình mau lớn, nhiều đêm, anh Hùng thức trắng để phun thuốc diệt nấm, trừ sâu. Ngồi bên chậu hoa giữa màn đêm tĩnh mịch, anh hồi hộp vì bao vốn liếng đã đổ hết vào hoa.
Anh Hùng chia sẻ: “Thời gian chong đèn là khó nhọc nhất. Nhiều đêm tôi chong đèn chờ hoa vươn ngọn. Có đêm thức trắng để phun thuốc nấm phòng bệnh. Gần sáng chợp mắt tý rồi đi ngắt điện, rồi một ngày mới bắt đầu. Làm nghề này cứ tưởng nông nhàn, nhưng kỳ thực cũng khó nhọc. Được cái, nếu “trúng quả”, thu nhập cũng khá.
Vụ hoa tết 2020 này, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Loan ở khu phố Kim Hải, phường Kim Dinh trồng 5 thiên hoa tương đương 5 ngàn chậu với 3 loại chủ yếu như: hoa cúc đại đóa, cúc xuân, thược dược. Công việc của chị Loan bắt đầu từ 5 giờ sáng thức dậy tưới hoa, 9 giờ tỉa cành, tranh thủ buổi trưa chẻ cây cho hoa tựa; đầu giờ chiều tưới hoa lần hai, công đoạn cuối cùng là chong đèn kéo ngọn không cho “hoa ngủ”. Vòng quay ấy khiến chị Loan không lúc nào ngơi tay. “Nghề này coi vậy mà cực lắm. Làm từ sớm mơ đến tối mịt mà không hết việc. Tuy nhọc nhằn mà vui. Mình ở làng hoa truyền thống, tết đến mà không có hoa bán, buồn lắm”, chị Loan chia sẻ
Vườn hoa cúc của chị Loan |
Theo chị Loan, đối với những chậu hoa cúc xuân, cúc đại đóa trồng trong chậu bắt buộc phải có cây cho hoa tựa. Để hơn 3 ngàn chậu cúc đại đóa, cúc xuân vươn cao, chị Loan mua 10 cây luồng, đem cưa ngắn từng mét một rồi chẻ thành nan nhỏ cắm quanh chậu để hoa cành hoa tựa vào đó mà lớn dậy vươn cao. Nói về tiền vốn đầu tư cho cả vụ hoa, chị Loan chia sẻ: “Những nhà trồng lâu năm có vốn thì không vay ngân hàng, còn nhà mới trồng phải thế chấp nhà cho ngân hàng mới có tiền mua giống, đóng chậu. Nhưng không phải nhà ai cũng đóng được chậu, nên phải đi mua thì giá thành cao hơn”.
Theo chị Loan, hoa Kim Dinh có sức sống khỏe, lâu tàn hơn các miền khác vì không phun thuốc độc hại hoặc thuốc kích thích. Thương hiệu ở đây là hoa khỏe, hoa đẹp, không nhiễm bệnh, bán hoa có uy tín, có bảo hành và sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi thị trường rớt giá. “Nhà em, từ đời bố em trồng hoa đến nay, hầu như không năm nào bị lỗ. Vì mình làm uy tín, chăm bón đúng kỹ thuật nên không lo ế, tết nào cũng bán chạy, hết vườn”, chị Loan chia sẻ thêm.
Hoa “đẻ” ra nhà lầu, xe hơi
Vụ hoa tết năm nay, gia đình anh Hùng ươm 10 ngàn chậu hoa các loại, nếu giá bình quân một vụ cũng thu lời trên dưới một trăm triệu đồng. Còn đắt giá, số tiền đó gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Cuối vụ, chia bình quân cho bốn lao động thì mỗi tháng một người thu lời tối thiểu 25 triệu đồng, trừ vốn liếng. Những hộ gia đình đất rộng, vốn dài, số tiền lời thu được nhiều hơn.
“Có gia đình, vụ hoa tết họ thu bảy đến tám trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng. Chú lên Chu Hải mà xem. Trên đó cả cánh đồng bao la. Đất họ rộng cả chục héc-ta, thuê nhân công làm. Còn bên Kim Hải như chúng tôi đây, nhà nào trúng đậm nhất chừng bảy, tám trăm triệu là khớ lắm rồi. Năm nay, ước tính nhà tôi thu lời trên một trăm triệu, trừ chi phí”, anh Hùng cho biết
Theo anh Hùng, từ ngày 20 đến 25 tháng Chạp tức trước Tết nguyên đán một tuần, là thời gian xuất hoa. Thương lái mua hoa đến từ nhiều tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai và cả người Hà Nội. Đối với thương lái ở các tỉnh lân cận, họ ký hợp đồng với chủ hoa trước đó, chừng ngày 22 tết, đánh xe đến chở hoa về. Đối với thương lái tận ngoài Bắc, hoa được đóng gói cẩn thận, xếp lên xe tải, rồi cho người chở ra, hoặc thương lái trực tiếp vào nhận.
Để đưa được những chậu hoa cúc cao đến 1,5 mét, nặng đến nửa tấn, gia đình anh Hùng sắm một xe nâng chuyên dùng. Mỗi lần xuất vườn, anh Hùng trực tiếp lái xe cẩu từng chậu hoa lên xe co khách. Khi hỏi về giá cả từng loại chậu hoa, anh Hùng cho biết: “Loại chậu lớn thì 5 triệu đồng/ cặp, nhỏ hơn 3 đến 4 triệu/ cặp, cặp nhỏ nhất từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng. Chuyển hoa đi xa, phải có túi ni lông bọc hoa, phủ mùn gốc giữ ẩm, đặc biệt phải có bí quyết không cho hoa nở sớm, nở xòe và giữ lâu không cho tàn sớm. Nhìn vậy thôi chú ạ, nhưng nó đẻ ra nhà làu xe hơi đấy”, anh Hùng tự hào.
Để có những chậu hoa hồng, cúc, mai, lan sạch cho thị trường khi xuân về tết đến, những người trồng hoa ở làng hoa Kim Dinh thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) phải lăn lộn với đất, dãi nắng dầm sương trước tết bốn tháng. Trồng hoa tết tiếng là nghề hái ra tiền, lời cao, trúng dậm; nhưng ít ai biết, chủ nhân của những bông hoa xuân rực rỡ ấy sẵn sàng chấp nhận “trắng tay” khi ngày tết đã qua nhưng vườn hoa đầy ắp không bán hết. Song việc họ đang làm, bên cạnh mưu sinh, còn góp phần cho ngày tết thêm vui, mùa xuân thêm đẹp. |