Xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa được biết tới như là một vựa cói của tỉnh Thanh Hóa những năm trước đây. Những cánh đồng cói bạt ngàn, xanh mướt đã làm nên thương hiệu chiếu cói Nga Sơn. Thế nhưng, những năm trở lại đây nguyên liệu cói xuống giá, Trung Quốc không còn thu mua nhiều. Nhiều hộ dân chuyển sang mô hình nuôi trồng thủy hải sản. Vì vậy nhu cầu cải tạo rất lớn, lượng đất trong quá trình cải tạo cũng dôi dư nhiều. Chính quyền chỉ cần lơ là trong công tác quản lý là các cá nhân lợi dụng việc cải tạo để mang đất đi bán.
Sau khi nhận được phản ánh về tình trạng nêu trên tại thôn 1, thôn 2 xã Nga Tân, PV đã xuống trực tiếp ghi nhận hiện trường. Mới tới đầu thôn đã thấy cảnh gần 30 chiếc xe tải cỡ nhỏ cứ thế ùn ùn chở đất khắp các ngõ ngang dọc đi tiêu thụ. Thật ngạc nhiên, không hiểu vì sao chỉ cải tạo đồng cói để nuôi trồng thủy sản mà lại có lượng đất nhiều như vậy. Đi tiếp ra khu vực đồng cói thôn 1, thôn 2 xã Nga Tân, cứ chừng 1 đoạn lại gặp một chiếc máy xúc đang múc đất lên các xe tải. Chỉ riêng trong khu vực đồng cói thôn 1, thôn 2 đã có 6 chiếc máy xúc cùng hàng chục chiếc xe tải cứ thể ùn ùn chở đất đi bán san lấp cho người dân trong xã và các xã lân cận.
Mới vào đầu thôn đã gặp hàng chục chiếc xe tải cứ thế ùn ùn chở đất đi tiệu thụ |
Một người dân xã Nga Tân cho biết: Hàng năm việc cải tạo đồng ruộng rồi chở đất bán cho dân đều có. Những năm nay lượng máy và xe nhiều hơn những năm trước. Họ đã làm được 3-4 ngày nay rồi, nhiều xe lắm hàng chục cái từ các xã lân cận cũng về đây mua đất để san lấp.
Hàng chục chiếc xe tải cứ ùn ùn chở đi khắp ngõ ngang dọc |
Được biết tại xã Nga Tân nhu cầu cải tạo đồng ruộng là rất lớn, vì vậy huyện và xã cũng chủ trương cho người dân cải tạo và tập kết đất vào bãi thải đã quy hoạch. Thế nhưng, lợi dụng sự buông lỏng trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, các cá nhân đã lợi dụng để đem bán nhằm trục lợi. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên xã Nga Tân để xảy ra tình trạng kể trên.
Trong khu vực đồng cói thôn 1, thôn 2 cứ đi một đoạn lại gặp 1 chiếc máy xúc |
Trao đổi với PV, ông Mai Ngọc Kiệm – Phó Chủ tịch UBND xã Nga Tân cho biết: Xã Nga Tân trước đây chủ yếu trồng cói, nhưng vì giá thấp nên người dân chuyển đổi mô hình sang nuôi trồng thủy sản nhiều. Thế nên nhu cầu cải tạo đất là tương đối lớn. Ngoài ra UBND xã cũng chủ trương cho các thôn làm thủy lợi. Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã cử cán bộ xuống kiểm tra, thực tế thôn 1 đang làm thủy lợi, có nhiều ụ đất phải vận chuyển đi. Ngoài ra còn có hộ gia đình anh Mai Văn Hiền, thôn 2 đang cải tạo khoảng 1ha để nuôi trồng thủy sản.
|
Ông Kiệm thừa nhận có tình trạng vận chuyển đất đi bán ra ngoài mà không chở về bãi tập kết xã đã quy định trước đó. Đó là lỗi của tổ giám sát cộng đồng ở các thôn. UBND xã đã chỉ đạo các thôn dừng việc làm thủy lợi, chấn chỉnh tình trạng lợi dụng cải tạo mang đất đi bán. Riêng hộ gia đình ông Mai Văn Hiền, xã sẽ có biên bản kiểm tra cụ thể - ông Kiệm thông tin.
Trong khu vực đồng cói thôn 1, thôn 2 cứ đi một đoạn lại gặp 1 chiếc máy xúc |
Ông Nguyễn Phú Nguyện – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nga Sơn cho biết: Ngay sau khi nhận được phản ánh về tình trạng lợi dụng cải tạo đồng ruộng mang đất đi bán. Trưc tiếp tôi đã xuống kiểm tra, thực tế đúng như phóng viên phản ánh. Tôi đã yêu cầu UBND xã Nga Tân, dừng mọi hoạt động cải tạo đồng ruộng, yêu cầu chấn chỉnh, làm báo cáo gửi về phòng.
Nhu cầu cải tạo đồng ruộng để nuôi trồng thủy sản là thiết yếu của người dân. Nhất là những vùng đất đã bị nhiễm mặn như xã Nga Tân, trong khi giá cói xuống thấp các loại cây trồng khác lại không phù hợp với thổ nhưỡng. Thế nhưng chính quyền địa phương cần chấn chỉnh, quản lý nghiêm tránh để tình trạng cá nhân lợi dụng vào việc cải tạo đất để vận chuyển tài nguyên đi tiêu thụ.