Nét đẹp văn hóa của người Việt khi Tết đến Xuân về

Lê Khanh| 27/01/2020 12:50

(TN&MT) - Đối với người Việt, tết cổ truyền không chỉ thiêng liêng, mà còn là những ngày trọng đại nhất trong một năm. Dù thành thị hay nông thôn, miền núi hay miền xuôi, đất liền hay đảo xa, trong nước hay mưu sinh trên toàn thế giới, cứ xuân về tết đến là mỗi người lại nhớ về quê hương nguồn cội. Tết cổ truyền đã trở thành một nét đẹp văn hóa, một lẽ sống bản ngã tự nhiên in sâu vào tâm thức người Việt.

Tảo mộ trước thềm năm mới để mời người thân về ăn tết cùng gia đình

Dù khác nhau về thành phần dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo, giai tầng xã hội; song phong tục tảo mộ, tất niên, giao thừa, tân niên, mừng tuổi thì cơ bản giống nhau. Những phong tục ấy, như một bản ngã mang đậm sắc thái thuần Việt, đậm triết lý tôn giáo nhưng không nhuốm màu mê tín dị đoan.

Ngược lại, những phong tục ấy thực sự là những nét đẹp truyền thống, răn dạy con người nhớ về nguồn cội, sống hiếu nghĩa với cha mẹ, thuận hòa với anh em người thân, có trách nhiệm với cộng đồng, tình làng nghĩa xóm.

Chụp ảnh lưu niệm thể hiện sự đoàn kết đại gia đình

Tảo mộ. Đây là nét đẹp của người Việt, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ về những người đã khuất, hoặc là cha mẹ, hoặc là những người thân trong gia đình đã về với “thế giới vĩnh hằng”. Thực chất của việc tảo mộ là dọn dẹp phần mộ hay còn gọi là “nhà cửa” của người đã khuất cho sạch sẽ tươm tất, và mời họ về ăn tết cùng con cháu trong gia đình.

Đối với các tỉnh miền Bắc, thời gian tảo mộ thường diễn ra vào ngày 23 tháng 12 âm lịch, tức trước tết nguyên đán bảy ngày. Đây là thời gian hợp lý nhất. Cũng có nơi việc tảo mộ được thực hiện vào dịp đầu năm, tức là tết thanh minh (còn gọi là tết hàn thực ăn bánh trôi, bánh chay vào dịp mùng 3 tháng 3 âm lịch). Tuy nhiên, tảo mộ trước tết nguyên đán được người Việt thực hiện nhiều hơn, ý nghĩa hơn,  thể hiện sự trân trọng hơn đối với người đã khuất.

Trẻ em thích lì xì ngày Tết

Tất niên: Đó là bữa cơm cuối cùng khép lại một năm cũ, là lễ cúng xúc động nhất của mỗi gia đình Việt. Sau một năm làm lụng vất vả, mưu sinh, những người con xa quê lại trở về quây quần quanh mâm cơm tất niên, kể cho nhau nghe chuyện đời, chuyện nghề, chuyện mưu sinh khó nhọc. Dù mâm cỗ cuối năm đầy đủ cao sang, hay nghèo khó, thì mỗi người vẫn đong đầy tình yêu thương.

Bữa cơm tất niên bao bao giờ cũng trân trọng, nghĩa tình. Bao giận hờn, oán trách được trút bỏ; bao mưu sinh nhọc nhằn gác lại vào dĩ vãng; chúc nhau bước sang một năm mới sức khỏe, làm ăn phát đạt, cuộc sống an lành, gặp nhiều may mắn

Giao thừa: Là thời khắc thiêng liêng nhất giữa năm cũ và năm mới, là sự giao hòa của đất trời vạt vật, mà con người là chủ thể của sự xoay vần ấy. Mặc dù mỗi miền quê có văn hóa nghi lễ cúng giao thừa khác nhau, song đều có cái chung là sắm mâm cơm thịnh soạn, đặt lên bàn thờ tổ tiên cầu tài, cầu lộc, cầu an lành, sức khỏe.

Công việc này thường người chủ gia đình, cũng có khi là người mẹ. Trước bàn thờ tổ tiên, con cháu quay quần bên nhau, hướng lên bàn thờ thành tâm khấn cúng. Dù người thiện, người lành, kẻ ác tâm; dù người nghèo khó hay người giàu có; dù người quyền cao chức trọng đến người lao động chân lấm tay bùn… đều có một tâm nguyện: cầu năm mới sức khỏe phát đạt an lành. Đó là nét văn hóa nhân bản nhất của người Việt mà trên thế giới hiếm đất nước nào có.

Ngoài mâm cơm cúng tổ tiên, mỗi gia đình cũng sắm một mâm cơm chay  hoa quả, tiền vàng mã, muối, gạo cúng thần linh trời đất. Tại lễ cúng này, những người mắc lỗi lầm trong năm thường “sám hối” về quá khứ. Những người “có hạn” trong năm mới, được kêu cầu giải hạn. Tuy đây chỉ là nghi thức tâm linh, song nó giải quyết căn bản về tâm lý “sao, hạn” cho người sống, thậm chí cả người đã khuất.

Chúc Tết, Mừng tuổi: Là một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt. Chẳng ai nhớ tục mừng tuổi chính thức có từ thời gian nào, song, trải qua thăng trầm của lịch sử, nó đã trở thành nét đẹp nhân sinh hướng thiện trong tâm thức mỗi người. Chúc tết và mừng tuổi không nhất thiết lễ nhiều vật trọng đắt tiền, mà chủ yếu mang tinh thần tượng trưng. Có thể là đồng tiền mới giá trị không cao, cũng có thể là bao chè, đồng bánh chưng, tấm áo mới.

Hàng xóm chúc nhau năm mới sức khỏe, làm ăn phát đạt

Con cái chúc tết mừng tuổi bố, mẹ ông bà thể hiện sự hiếu nghĩa, quí trọng, đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục, sống khỏe, sống lâu. Ông bà, bố mẹ chúc tết, mừng tuổi con cháu thể hiện sự yêu thương đùm bọc, mong học hành tiến bộ, ngoan ngoãn và trưởng thành. Người thân, hàng xóm chúc tết mừng tuổi nhau thể hiện mối quan hệ tôn trọng, thân cận, giao hòa trong cuộc sống. Chúc tết, mừng tuổi cũng là dịp để mỗi người thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, động viên nhau, gạt bỏ những tật hư, việc xấu, điều gở, bước sang một năm mới với tinh thần phấn chấn

Tết Nguyên đán thực chất là Tết cổ truyền lâu đời của dân tộc ta. Nó không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện bản ngã cốt cách của người Việt trong cộng đồng dân cư mang tính lịch sử lâu đời, mà còn là thời điểm để mỗi người Việt “soi” lại chính mình với khát vọng hoàn thiện hơn khi xuân về tết đến.

Làm duyên ngày tết

Mặc dù đất nước đổi mới, những nghi lễ tập tục cũng được “uyển chuyển” để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, song phong tục tảo mộ, tất niên, giao thừa, chúc tết, mừng tuổi vẫn là nép đẹp trường tồn mãi mãi. Và nó là giá trị bất biến vĩnh hằng in đậm trong mỗi trái tim người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay mưu sinh trên khắp hành tinh. Mỗi khi tết đến xuân về, người Việt lại có dịp lưu truyền, chiêm nghiệm và phát triển làm phong phú hơn.

Dù thời đại có tiến bộ bao nhiêu, xã hội có đổi thay thế nào, thì tảo mộ, giao thừa, chúc tết, mừng tuổi vẫn là những nét đẹp văn hóa thuần khiết có tính lịch sử truyền tụng từ đời này qua đời khác, đồng thời, nó là niềm tự hào của người Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
  Nét đẹp văn hóa của người Việt khi Tết đến Xuân về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO