Ngành TN&MT

Nền tảng chia sẻ dữ liệu ngành TN&MT TP.HCM: Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Nguyễn Quỳnh (thực hiện) 25/01/2024 - 10:03

(TN&MT) - TP.HCM là một trong những địa phương tiên phong đưa nền tảng cơ sở dữ liệu ngành TN&MT thành phố vào hoạt động, kịp thời đáp ứng các nhu cầu về thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. phóng viên Báo TN&MT có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM về nhiệm vụ quan trọng này.

5a.jpg
Ông Trần Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

PV: Đến nay, nền tảng chia sẻ dữ liệu ngành TN&MT đã được Sở TN&MT công bố và đưa vào hoạt động. Theo ông, nền tảng này đã mang lại lợi ích gì cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước của TP.HCM?

Ông Trần Văn Bảy: Một trong các nhiệm vụ quan trọng của ngành TN&MT là cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, sản phẩm tài nguyên và môi trường cho các tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường và phát triển kinh tế - xã hội. Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường đã được Sở TN&MT TP.HCM công bố vào ngày 17/8/2022. Ngày 5/9/2023, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND ban hành Quy chế thu thập, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố.

Thông qua nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân dễ dàng tiếp cận các dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu không gian địa lý để khai thác, sử dụng, tích hợp, phát triển mới các ứng dụng trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau. Đơn cử, thông qua nền tảng này, người dân và tổ chức có thể biết và tìm hiểu về quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất như thế nào. Ví dụ: Công trình đường vành đai 3 nằm ở đâu, đi qua quận, huyện nào, chiếm bao nhiêu đất, những ai bị ảnh hưởng bởi quy hoạch vành đai 3, kế hoạch, tiến độ triển khai...

Đối với các cơ quan nhà nước, thông qua nền tảng chia sẻ dữ liệu ngành TN&MT này, với tài khoản được cấp, có thể tìm hiểu, tra cứu các loại dữ liệu của ngành TN&MT một cách thuận tiện, nhanh chóng, thậm chí có thể download dữ liệu về để trực tiếp xử lý, nghiên cứu..., giảm rất nhiều thời gian trong việc tiếp cận dữ liệu.

5b.jpg
Dữ liệu Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 (lớp sử dụng đất) TP.HCM được cung cấp trên “Nền tảng dữ liệu TN&MT TP.HCM”.

PV: Được biết, dựa trên nền tảng chia sẻ dữ liệu ngành TN&MT, các sở, ngành, địa phương đã triển khai các phần mềm chuyên ngành để phục vụ các lĩnh vực quản lý. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về việc này?

Ông Trần Văn Bảy: Các sở, ban, ngành có thể khai thác dữ liệu trên nền tảng cơ sở dữ liệu của TN&MT để tích hợp dữ liệu chuyên ngành của mình, tạo ra dữ liệu mới mang giá trị cao hơn. Các đơn vị hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm, ứng dụng phần mềm mới, chỉ khai thác dữ liệu thông qua dịch vụ Web mà không cần phải làm lại dữ liệu. Từ đó, góp phần rút ngắn nhiều thời gian và kinh phí triển khai.

Thời gian qua, Sở TN&MT TP.HCM đã giới thiệu và hỗ trợ cho các Sở ngành, địa phương khai thác dữ liệu như: Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở GTVT, Sở Giáo dục và Đào tạo, TP. Thủ Đức, Quận Bình Tân, Viện Nghiên cứu và Phát triển, Viện Quy hoạch Xây dựng... Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát triển ứng dụng quản lý cơ sở giáo dục trên toàn địa bàn TP.HCM và ứng dụng tuyển sinh đầu cấp dựa vào GIS để khắc phục "chạy trường", tạo thuận lợi cho các em học sinh được đi học gần nhà. Trung tâm Ứng dụng GIS (Sở Khoa học và Công nghệ) đang triển khai ứng dụng quản lý kinh doanh của Quận 1.

Quận Bình Tân đã sử dụng dữ liệu TN&MT và các dữ liệu khác để ứng dụng AI nhận dạng biến động xây dựng phục vụ quản lý về trật tự xây dựng trên địa bàn, theo dõi được qua trình hình thành và phát triển các khu dân cư thông qua việc so sánh ảnh hàng không qua các thời kỳ... Còn TP. Thủ Đức cũng đã khai thác dữ liệu từ nền tảng này để xây dựng các ứng dụng dựa trên công nghệ thông tin địa lý về hạ tầng đô thị, quy hoạch, xây dựng, y tế, tôn giáo, du lịch...

PV: Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình vận hành nền tảng chia sẻ dữ liệu còn hạn chế, bất cập. Sở TN&MT có hướng xử lý thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Bảy: Một trong những hạn chế, đó là dữ liệu về tài nguyên và môi trường chưa được cập nhật kịp thời, nhiều dữ liệu chưa mang tính thời sự và phản ánh đúng hiện trạng, nhất là về bản đồ địa chính, giải thửa. Đây cũng là vấn đề mà Sở TN&MT TP.HCM quyết liệt chỉ đạo các phòng, ban khẩn trương thực hiện. Bên cạnh đó, các dữ liệu trên nền tảng chia sẻ dữ liệu thực chất là dữ liệu gốc, được hình thành thông qua các hoạt động chuyên môn của Sở TN&MT. Tuy nhiên, khi khai thác dữ liệu trên nền tảng, dữ liệu này chỉ có ý nghĩa tham khảo nên gặp vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Kế hoạch Chuyển đổi số ngành TN&MT thành phố đã được UBND TP.HCM ban hành tại Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 5/1/2022. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT TP.HCM đã xây dựng hệ thống các thông tin chuyên ngành, gồm có đất đai, môi trường, đo đạc bản đồ viễn thám, tài nguyên nước và khoáng sản, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, hệ thống quan trắc... Các hệ thống thông tin chuyên ngành TN&MT thành phố khi được hoàn thành, sẽ là nguồn cung cấp dữ liệu trực tuyến và được chia sẻ thông qua nền tảng chia sẽ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp, các sở, ngành khai thác, sử dụng để tạo ra các giá trị gia tăng.

Sở TN&MT xác định, nền tảng chia sẻ dữ liệu ngành TN&MT dù bước đầu đã đi vào hoạt động, nhưng đây chỉ là một khởi đầu. Trên cơ sở nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và định hướng, những yêu cầu quản lý Nhà nước để tiếp tục triển khai, phát triển. Mục tiêu là dữ liệu, thông tin về tài nguyên và môi trường sẽ dễ dàng tiếp cận khai thác, sử dụng hiệu quả và là nền tảng để kiến tạo môi trường phát triển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng chia sẻ dữ liệu ngành TN&MT TP.HCM: Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO