Nạo vét trạm bơm Cù Bàn (Quảng Nam): Nhiều khuất tất, bất cập cần làm rõ

Võ Hà| 07/09/2022 17:23

(TN&MT) - Như báo TN&MT đã phán ánh, việc triển khai dự án nạo vét trạm bơm Cù Bàn tại xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có nhiều điểm “khuất tất” khiến người dân địa phương vô cùng bất an. Vậy, có hay không việc lợi dụng, “núp bóng” nạo vét để khai thác khoáng sản?

Đi tìm lời giải cho những nghi ngại trên, phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ làm việc với chính quyền địa phương, các phòng ban liên quan và chủ đầu tư để tìm hiểu sâu về tính pháp lý dự án.

Sau khi liên hệ qua các phòng ban, chúng tôi được làm việc với ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên theo quy chế phát ngôn của UBND huyện (ông Đức cũng là người trực tiếp phê duyệt dự án – PV) cho rằng, dự án nạo vét trạm bơm Cù Bàn là cần thiết, nhằm đảm bảo nguồn nước cấp cho trạm bơm, ổn định phục vụ tưới tiêu cho 90 ha lúa nước và đất màu tại xã Duy Châu. Ông còn khẳng định, dự án được lập tuân thủ trình tự các bước theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

anh-1(1).jpg
Phương tiện thủy nội địa và máy hút cát được đơn vị thi công tập kết tại công trường.

Theo hồ sơ dự án thể hiện, công trình nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn tại xã Duy Châu là công trình Nông nghiệp và PTNT, được UBND tỉnh giao UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư; Đại diện chủ đầu tư: Ban quản lý dự án – Quỹ đất huyện; Đơn vị thiết kế bản vẽ thi công: Công ty TNHH MTV tư vấn khoáng sản và xây dựng Phú Khang Nguyễn; Đơn vị thẩm tra hồ sơ: Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Bắc Quảng Nam; dự án do phòng Kính tế và Hạ tầng thẩm định hồ sơ; Đơn vị được lựa chọn thực hiện dự án là Công ty TNHH Xây dựng An Long.

Qua hồ sơ, đúng như lời ông Đức, trình tự các bước lập hồ sơ dự án đầy đủ và gần như được “khép kín”. Tuy nhiên, điều khó hiểu là sau khi UBND huyện Duy Xuyên gửi Tờ trình số 18/TTr-UBND ngày 24/01/2022, UBND tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có văn bản cho phép nhưng chủ đầu tư đã lựa chọn đơn vị thực hiện dự án?!. Cụ thể, theo thống nhất của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp giao ban ngày 16/5/2022; UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn số: 3260/UBND-KTN ngày 24/5/2022 thống nhất cho UBND huyện chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để ký hợp đồng thực hiện dự án. Thế nhưng trước đó, ngày 4/4/2022 UBND huyện Duy Xuyên đã có Quyết định số: 1745/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn đơn vị thực hiện dự án trên. Điều khiến dư luận nghi vấn là có hay không việc chủ đầu tư là UBND huyện Duy Xuyên “ưu ái” cho nhà thầu?

anh-2(4).jpg
Người dân địa phương chia sẻ nghi ngại về dự án với phóng viên báo TN&MT

Theo Quyết định phê duyệt bản vẽ thi công; phê duyệt phương án kỹ thuật nạo vét của UBND huyện, tổng diện tích nạo vét: 2,93 ha; chiều dài nạo vét: 377,94 m; bề rộng: 60 m; chiều sâu luồng nạo vét từ (1,28 – 3,1) m; tổng trữ lượng cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường và san lấp: 66.189 m3; thời gian thực hiện nạo vét là 12 tháng; công suất được phép khai thác: 6.018 m3/tháng (công suất cho phép khai thác hơn 200 m3/ngày- PV). Phương án thi công được duyệt là sử dụng tàu hút có công suất < 150 m3/h, phao, bè có gắn hệ thống hút, bơm cát theo đường ống dẫn cát lên bãi tập kết, kết hợp máy đào nhằm nạo vét các khu vực bồi lấp và ô tô vận chuyển bằng phương tiện đường bộ.

Hồ sơ được duyệt là vậy, trên thực tế đơn vị thi công đã triển khai máy hút bơm cát trực tiếp lên phương tiện thủy nội địa để vận chuyển đi tiêu thụ. Ngoài ra, tại bản xác nhận số: 508/XN-STNMT ngày 26/7/2022 của sở TN&MT tỉnh Quảng Nam về khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác lại cho phép đơn vị thi công sử dụng: 03 xe máy múc có dung tích gàu E=1,8 m3; 03 máy hút cát có công suất < 150 m3/h; 15 xe ô tô vận chuyển có tải trọng Q=10 tấn/chiếc; Phương tiện thủy nội địa: 10 chiếc.

anh-3(1).jpg
Chưa được tỉnh thống nhất nhưng UBND huyện Duy Xuyên đã lựa chọn đơn vị thực hiện dự án

Với thiết bị khai thác cho phép như trên, chưa tính đến công suất hoạt động từ 03 xe máy múc khai thác lộ thiên. Với 3 máy hút có công suất < 150 m3/h hoạt động hết công suất đã khai thác được trữ lượng cát lên tới 4.500 m3/ngày. Như vậy cho thấy, nếu cả hệ thống máy móc, thiết bị cùng hoạt động thì công suất khai thác 1 ngày có thể tương đương với công suất cho phép khai thác trong 1 tháng?.

Thấy những con số thể hiện trong hồ sơ chưa thuyết phục, chúng tôi đề nghị cho xem hồ sơ bản vẽ thi công được duyệt. Bất ngờ hơn, dự án đã được thẩm tra, thẩm định nhưng trên hồ sơ bản vẽ thi công được duyệt lại không có dấu của đơn vị thẩm tra, thẩm định?. Trên bình đồ khảo sát địa hình không có lưới tọa độ, không thể hiện mốc tọa độ, cao độ quốc gia?.

Chưa hết, tại bản vẽ thiết kế mặt bằng chia ô theo sơ đồ lưới để tính khối lượng nạo vét, trong các ô lưới không thấy thể hiện thông số thiết kế như: cao độ tự nhiên, cao độ thiết kế, chiều cao đào, đắp, khối lượng đào, đắp… thế nhưng 2 đơn vị thẩm tra, thẩm định vẫn thẩm duyệt được hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.

Khi phóng viên hỏi, tại sao trên hồ sơ được duyệt không thể hiện mốc tọa độ quốc gia, dự án này thực hiện theo tạo độ nào, đo đạc đối nối từ mốc tọa độ quốc gia nào mà không thấy thể hiện? Sau một hồi tìm kiếm, vị cán bộ phụ trách thuộc Ban quản lý dự án – Quỹ đất huyện giải thích là dự án này được sử dụng tọa độ và cao độ giả định, “tọa độ giả định theo hệ tọa độ VN2000, dự án này nhỏ nếu sử dụng hệ tọa độ quốc gia sẽ tốn kém”, vị cán bộ lý giải thêm. Khi chúng tôi hỏi thêm, trên hồ sơ không thể hiện mốc tọa độ, cao độ thì khi kiểm tra, nghiệm thu tư vấn giám sát, chủ đầu tư dựa vào cơ sơ mốc mạng nào? Vị cán bộ này ầm ừ xong làm thinh.

anh-4(1).jpg
Bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt nhưng không có dấu của đơn vị thẩm tra, thẩm định

Tiếp tục làm rõ vấn đề, khi được hỏi: Trên hồ sơ thiết kế mặt bằng chia ô theo sơ đồ lưới không thể hiện thông số thiết kế, vậy đơn vị thẩm tra, thẩm định căn cứ vào đâu để kiểm tra khối lượng nạo vét thiết kế?, ông Đức lý giải là có thông số nhưng do số nhỏ không nhìn thấy được. “Báo chí thì chỉ làm việc về dự án có thực hiện đúng chủ trương hay không, có làm đúng trình tự và đủ các bước không, chứ sao lại hỏi sâu vào các con số trong hồ sơ, mấy anh mà hỏi quá thì tôi cũng…”, ông Đức lùng bùng khi chúng tôi mở bản vẽ ra và chỉ trực tiếp vào từng ô lưới thiết kế để ông Đức cùng thấy rõ, hoàn toàn không có một số liệu thiết kế nào thể hiện trong các ô lưới.

Như vậy, mặc dù xem hết hồ sơ từ bản vẽ thi công được duyệt cho đến báo cáo thẩm tra, thẩm định vẫn không thấy nhắc đến cơ sở tính toán để đưa ra phương án thiết kế nạo vét kênh dẫn nước cho trạm bơm Cù Bàn từ hiện trạng 6m lên 60 m?.

Ông P, kỹ sư thủy lợi phân tích, đối với các trạm bơm phải sử dụng kênh dẫn nước vào trạm bơm có địa chất là cát thì việc nạo vét thường niên là không tránh khỏi. Nhưng phương án nạo vét phải được tính toán dựa trên cơ sở là hồ sơ thiết kế trạm bơm cũ, công suất trạm bơm, hạ tầng mương thủy lợi nội đồng, nhu cầu tưới tiêu và đặc biệt là thực trạng kênh dẫn, mức độ thiếu nước hàng năm,…

Với nhiều điểm bất cập, tồn tại như đã nói trên, mong rằng dự án nạo vét trạm bơm Cù Bàn sớm được các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, rà soát tổng quát, thấu đáo để sớm đưa ra phương án nạo vét có cơ sở, phù hợp với thực tế, không để lợi dụng việc khai thác cát, sỏi lòng sông không đúng quy định pháp luật, tác động xấu đến môi trường sống người dân./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nạo vét trạm bơm Cù Bàn (Quảng Nam): Nhiều khuất tất, bất cập cần làm rõ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO