Nạo vét, nhận chìm vật chất trên biển: Sẽ không còn mối lo ngại về thảm họa môi trường

Kim Liên| 04/02/2020 11:59

(TN&MT) - Hoạt động nạo vét và nhận chìm vật chất ngoài biển là hoạt động thường xuyên khi cần khơi thông cầu cảng, tuyến hàng hải hay xây dựng cảng biển... Tuy vậy, đây cũng là hoạt động tương đối nhạy cảm khi dễ phát sinh vấn đề môi trường khó kiểm soát.

Để có căn cứ pháp lý khoa học, thực tiễn cho hoạt động này, vừa qua, Bộ TN&MT  đã ban hành Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT Quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam với nhiều hướng dẫn cụ thể, đảm  bảo cho hoạt động này không gây ảnh hưởng đến môi trường biển.

Vật chất  nạo vét, nhận chìm phải được phân tích kỹ

Chất nạo vét trước khi tiến hành nạo vét hàng loạt phải được đánh giá cụ thể về tất cả các phương diện có thể ảnh hưởng tới môi trường xung quanh như: Đặc điểm thành phần, tính chất vật lý, hàm lượng chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét; khả năng lắng đọng, tạo cặn chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét; mức độ khả dụng sinh học chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét;  độc tính của chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét; khả năng tích lũy sinh học của chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét..; khả năng tích lũy sinh học của chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét.

Nhận chìm vật chất trên biển. Ảnh: MH

Thông tư còn hướng dẫn cụ thể cách lấy mẫu và phân tích các yếu tố sinh học, thủy, động lực học xung quanh mẫu và khả năng phát tán trong vùng biển nạo vét. Sau đó, đánh giá đặc điểm thành phần, tính chất vật lý của chất nạo vét, hàm lượng chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét.

Các chất nạo vét chỉ được thực hiện khi các chỉ số gây ô nhiễm thấp hơn ngưỡng quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT. Trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét cao hơn các ngưỡng hàm lượng quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này và thấp hơn các giá trị quy định tại QCVN 43:2017/BTNMT về chất lượng trầm tích ban hành theo Thông tư số 78/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (gọi tắt QCVN 43:2017/BTNMT), sẽ phải tiến hành thử nghiệm để đánh giá về khả năng lắng đọng, tạo cặn chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét và thử nghiệm mức độ khả dụng sinh học chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét.

Đặc biệt, Thông tư cũng quy định rõ quy trình, quá trình lấy mẫu và quy trình, quá trình làm thửu nghiệm, đánh giá, xét nghiệm mẫu vật chất nạo vét. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để quyết địnhcho vật chất nạo vét này có được nạo vét và nhận chìm hay không. Với mỗi thông số kỹ thuật về các loại vật chất  nếu đã có trong tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, lấy căn cứ này để so sánh, đánh giá; còn nếu không có sẽ lấy tiêu chí quốc tế quy định để đánh giá. Đây là một quy định khá rõ ràng, có tầm nhìn và mang tính khái quát cao trong khi chúng ta còn thiếu hụt các văn bản pháp lý khoa học về các loại vật chất mang độc tố, có nguy cơ gây ô nhiễm.

Khu vực khả thi nhận chìm chất nạo vét cũng quy định chặt chẽ

Theo Thông tư này quy định, khu vực khả thi nhận chìm chất nạo vét  phải đảm các yêu cầu sau:  Không gây ra tác động có hại đến sức khỏe con người, tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước; hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường, hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản theo quy định pháp luật.

 Không gây ảnh hưởng đến an toàn sử dụng công trình cảng biển và luồng hàng hải, các công trình dầu khí, đường cáp quang, cáp điện ở biển, hoạt động của tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; Không ảnh hưởng đến các hoạt động quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển.

 Khu vực khả thi để nhận chìm chất nạo vét phải dựa trên các yếu tố như: Bảo đảm hài hòa giữa chi phí cho việc nhận chìm, các lợi ích thu được và mục tiêu bảo vệ môi trường biển; điều kiện thời tiết biển theo mùa và chủng loại, thông số kỹ thuật của các phương tiện, trang thiết bị dùng để vận chuyển và nhận chìm chất nạo vét; các quy định bảo đảm an toàn hàng hải hiện hành.

Ngoài ra, còn đảm bảo các yếu tố như: Chi phí hợp lý  vận chuyển và thi công việc nhận chìm chất nạo vét; các ranh giới hành chính và các ranh giới trên biển có liên quan; khả năng kiểm tra, giám sát, quan trắc khu vực nhận chìm chất nạo vét…

Thông tư cũng có hướng dẫn cụ thể cho việc phải đánh giá chi tiết các khu vực đề xuất nhận chìm chất nạo vét với đặc trưng, đặc tính vật lý, hóa học, sinh học của các khu vực đề xuất nhận chìm chất nạo vét. Đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động nhận chìm chất nạo vét tới tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái biển và các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại các khu vực đề xuất nhận chìm và vùng phụ cận,

Thông tư này quy định áp dụng đối với cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nạo vét, nhận chìm vật chất trên biển: Sẽ không còn mối lo ngại về thảm họa môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO