Xã hội

Nâng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là cần thiết

Thúy Nhi 29/07/2024 - 15:15

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục đề xuất Cơ quan soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nghiên cứu đưa ra lộ trình tăng thuế đối với rượu bia và thuốc lá phù hợp hơn với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ưu tiên lựa chọn phương án 1 với tốc độ tăng thuế ổn định hơn.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024 và xem xét thông qua vào 5/2025.

Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính soạn thảo đề xuất bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá và đưa ra 2 phương án tăng thuế theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030. Theo đó, dự án Luật giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từ 2026 - 2030 để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược Phòng chống tác hại thuốc lá và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO.

Trong đó, phương án 1, đối với thuốc lá điếu, thuế suất tuyệt đối áp dụng từ năm 2026 là 2.000 đồng/bao, mỗi năm tăng lên thêm 2.000 đồng, đến năm 2030 là 10.000 đồng/bao.

Đối với xì gà, mức thuế tuyệt đối là 20.000 đồng/điếu, mỗi năm mức thuế tăng thêm 20.000 đồng và đến năm 2030 là 100.000 đồng/điếu. Mức thuế này cũng áp dụng đối với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng hút, hít, nhai, ngửi, ngậm (100g hoặc 100ml).

Phương án 2, mức thuế năm 2026 sẽ là 5.000 đồng/bao, mỗi năm tăng thêm 1.000 đồng và tới năm 2030 đạt 10.000 đồng/bao. Đối với xì gà, mức thuế được đề xuất cho năm 2026 là 50.000 đồng/điếu, mỗi năm mức thuế tăng thêm 10.000 đồng, tới năm 2030 mức thuế đạt 100.000 đồng/điếu. Mức thuế này cũng được đề xuất cho thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng hút, hít, nhai, ngửi, ngậm (100g hoặc 100ml).

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, mặt hàng rượu, bia và thuốc lá, các doanh nghiệp đồng tình với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khoẻ người dân, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng có hại cho sức khoẻ như rượu bia, thuốc lá. Tuy nhiên, dự thảo hiện đề xuất mức tăng thuế rất mạnh và tốc độ tăng thuế rất nhanh đối với các mặt hàng này.

Việc tăng thuế quá nhanh và mạnh này sẽ khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do chính sách thuế. Điều này sẽ dẫn đến nhiều dự án đầu tư gặp thua lỗ, không thể thu hồi được vốn. Thêm vào đó, sự sụt giảm sản lượng quá nhanh sẽ tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động, rất khó để chuyển đổi nghề nghiệp cho số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu bia, thuốc lá.

16024814a.jpg

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa ra lộ trình tăng thuế đối với rượu bia và thuốc lá phù hợp hơn với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ưu tiên lựa chọn phương án 1 với tốc độ tăng thuế ổn định hơn.

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, tại hội thảo Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá do Hội Tư vấn thuế Việt Nam và Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức mới đây, ông Nguyễn Chí Nhân - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, Hiệp hội nhận thấy việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB đối với thuốc lá là cần thiết nhằm thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, để đảm bảo về mức nộp thuế TTĐB vào ngân sách Nhà nước và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành thuốc lá hợp pháp, Hiệp hội đề xuất 2 phương án với mức thuế TTĐB tuyệt đối cho mặt hàng thuốc lá điếu, trong đó, cả hai phương án đều có mức khởi điểm từ 1.000 đồng/bao vào năm 2026 và đến 2030 là 3.000 đồng bao.

Phương án đề xuất này tạo ra mức tăng thuế hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá hợp pháp có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực việc làm của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, phương án này giúp hạn chế tốc độ tăng trưởng của thuốc lá lậu, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngân sách bền vững trong dài hạn với mức thu ngân sách ước tính đạt khoảng 29.500 - 30.000 tỷ đồng vào năm 2030, tăng trưởng 7 - 9%/năm. Bên cạnh đó, đến năm 2030 sản lượng thuốc lá nội địa hợp pháp dự kiến sẽ giảm gần 1 tỷ bao và ước tính tỷ lệ hút thuốc sẽ còn 37,4%. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Nhà nước về mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo sự hài hòa về nguồn cung hợp pháp để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và ngăn chặn người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thuốc lá nhập lậu.

Còn ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách, Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải cân đối nhiều lợi ích như người trồng nguyên liệu, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo sức khỏe của người dân… Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu cụ thể hơn về lộ trình tăng thuế cũng như thuế suất để có giải pháp hài hòa lợi ích các bên. Trong quá trình thảo luận cần có dẫn chứng cụ thể về ưu nhược điểm của các giải pháp để có sức thuyết phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO