Còn tại Nhật Bản, những đợt nắng nóng dữ dội vào cuối tháng 7 vừa qua đã khiến ít nhất 44 người thiệt mạng và hơn 12.000 người phải nhập viện. Tại nhiều vùng trên cả nước, các trạm quan trắc đã ghi nhận nhiệt độ ở mức 40 độ C. Riêng trong ngày 21-7, Sở Cứu hỏa thủ đô Tokyo đã phải điều động xe cứu thương đến hỗ trợ người dân hơn 3.000 lần. Cơ quan khí tượng Nhật Bản đã công bố đợt sóng nhiệt hoành hành ở nước này là một thảm họa thiên nhiên.
Trong khi đó, báo cáo do Cơ quan khí tượng Trung Quốc cho thấy, nhiệt độ trung bình trên cả nước này đo được trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 đã ở mức cao nhất kể từ năm 1961 là 22 độ C. Có đến hơn 50 trạm quan trắc khí tượng trên cả nước ghi nhận các mức nhiệt hằng ngày cao kỷ lục.
Theo nhật báo Nikkei, tác hại của nắng nóng càng nghiêm trọng hơn khi hàng trăm triệu người dân tại các nước đang phát triển ở châu Á không có điều kiện tiếp cận với điện hoặc các thiết bị làm mát. Trong đó, 5 quốc gia phải đối diện với rủi ro cao khi thiếu các thiết bị làm mát là Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan và Indonesia. Ấn Độ là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi ít nhất 10% dân số nước này không có các thiết bị làm mát hỗ trợ khi thời tiết nóng nực.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, số người chết liên quan đến nhiệt độ cao ở các nước châu Á có thể tăng thêm hơn 21.000 người vào những năm 2030. Nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) xác định, biến đổi khí hậu làm tăng gấp đôi nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng bất thường.
Không chỉ vậy, nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra rằng, nhiệt độ bề mặt biển tăng cao cũng khiến các cơn bão nhiệt đới trở nên mạnh hơn. Điều này buộc chính phủ các nước phải tích cực vào cuộc để tìm ra cách thức mới ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.