Lục địa này dễ bị cháy lớn do sự kết hợp của địa hình xa xôi, nhiệt độ mùa hè cao và bụi cây bạch đàn dễ cháy.
Một đợt nắng nóng kéo dài bốn ngày đã mang đến thời tiết gây hỏa hoạn trên khắp các khu vực phía Nam của Tây Australia, Nam Australia, Victoria và Tasmania vào cuối tuần qua.
Bang Victoria ở phía Đông Nam đất nước là nơi bị tàn phá nặng nề nhất, với hơn 2.000 lính cứu hỏa, máy bay xả nước và tình nguyện viên chiến đấu với hỏa hoạn vào ngày 3/3.
Sét đánh đã gây ra vụ cháy rừng lớn nhất ở Công viên bang Bunyip vào hôm 1/3.
Các thị trấn vùng nông thôn đã được sơ tán và theo báo cáo, không có trường hợp thương vong, nhưng 3 ngôi nhà và một số tài sản khác đã bị phá hủy vào trưa 3/3.
Cơ quan Khí tượng Australia cho biết sóng nhiệt – hiện tượng xảy ra khi 3 ngày và đêm liên tiếp có nhiệt độ trên trung bình đã phá vỡ kỷ lục trong hơn một thế kỷ.
Trao đổi với Reuters qua điện thoại vào ngày 3/3, nhà khí tượng học Dean Narramore cho biết: “Nắng nóng phá vỡ kỷ lục nhiệt trong tháng 3 ở 4 bang dọc bờ biển phía Nam”.
“Nhiệt độ ở Tasmania, bang cực Nam Australia đạt 39,1 độ C vào ngày 2/3, phá vỡ kỷ lục nóng nhất trong 131 năm qua” - Narramore cho biết thêm.
Mùa hè nóng nhất ở Australia theo ghi nhận đang làm suy yếu một số ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp rượu vang với giá trị đạt 4,4 tỷ USD với sản lượng nho theo dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Hạn hán cũng đã phá hủy vụ lúa mì mùa đông.
Australia đã trải qua năm nắng nóng thứ ba trong năm 2018, một năm được đánh dấu bởi hạn hán nghiêm trọng ở các vùng của đất nước và mùa cháy rừng kéo dài.
Theo xu hướng đó, Australia có thể sẽ tiếp tục trải qua nắng nóng kỷ lục trong năm 2019 với tháng 1 nóng nhất.
Năm 2009, vụ cháy rừng tồi tệ nhất đã phá hủy hàng ngàn ngôi nhà ở bang Victoria, làm chết 173 người và 414 người bị thương vào một ngày mà truyền thông gọi là “Thứ Bảy Đen”.