Thế giới

Nắng mưa đảo lộn: Cảnh báo hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng tồi tệ

Mai Đan 11/05/2024 - 19:43

(TN&MT) - Thời tiết khắc nghiệt đang tàn phá nhiều nơi trên thế giới. Tại châu Á, nắng nóng tàn khốc đã khiến các trường học ở Philippines phải đóng cửa, khiến nhiều người thiệt mạng ở Thái Lan và lập kỷ lục tại Indonesia, Malaysia, Maldives và Myanmar. Châu Phi cũng ghi nhận nhiệt độ kỷ lục ở nhiều nơi. Trong khi đó, tại châu Mỹ, lũ lụt tàn phá thành phố Houston và nước Mỹ nói chung vừa chứng kiến số lượng lốc xoáy cao thứ hai trong tháng 4.

Nhiệt độ cao và lượng mưa kỷ lục

Theo nhà khí hậu học Maximiliano Herrera, chỉ trong 5 ngày đầu tiên của tháng 5, 70 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã phá kỷ lục về nhiệt độ. Tại Ấn Độ, 2 thành phố Nandyala và Kadapa ở bang Andhra Pradesh đã ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất trong lịch sử là 46,3 độ C.

Cũng liên quan đến nắng nóng, nhà khoa học khí hậu Friederike Otto cho biết trong một tuyên bố gần đây rằng các đợt nắng nóng ở Ấn Độ cho đến nay là loại hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm nhất, đây là dạng cực đoan gia tăng mạnh mẽ nhất trong một thế giới đang nóng lên.

Cuối tháng 4, nhiều vùng phía Bắc Thái Lan đạt mức 44 độ C, trong khi thị trấn Chauk ở khu vực nóng nhất Myanmar đạt kỷ lục 48,2 độ C.

01-gettyimages-2148008206.jpg
Người lao động té nước lên mặt để làm mát trong đợt nắng nóng ở Mumbai, Ấn Độ vào tháng 4 vừa qua

Tại châu Phi, nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với nắng nóng thiêu đốt khi nhiệt độ lên tới 47,5 độ C ở Kayes và Mali. Thủ đô của Niger có đêm tháng 5 nóng nhất và thủ đô của Burkina Faso cũng ghi nhận đêm nóng nhất trong tháng. Tại Tchad, nhiệt độ dự kiến sẽ duy trì trên 45,6 độ C trong cả tuần.

Các nhà khoa học cảnh báo, khi thế giới nóng hơn, có thể xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan hơn, bao gồm nhiệt độ cao và lượng mưa kỷ lục.

Ông Alvaro Silva - nhà khoa học khí hậu của Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, biến đổi khí hậu cũng đang làm thay đổi các kiểu thời tiết, dẫn đến các hệ thống mưa và nóng bị đình trệ trên các khu vực và dòng phản lực uốn khúc. Cùng với những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu là hiện tượng El Nino hiện đang suy yếu và xuất hiện ngay sau đó là La Nina kéo dài 3 năm.

Theo ông Francisco Aquino, nhà khí hậu học tại Đại học Liên bang Rio Grande do Sul, đợt nắng nóng kỷ lục ở Brazil đã càn quét các thành phố lớn như Sao Paulo, nhưng cũng đồng thời đẩy mưa bão di chuyển qua miền Nam đất nước, khiến nó trở nên nguy hiểm.

Trong khi đó, thành phố Houston thuộc bang Texas của Mỹ vẫn đang cố gắng khô ráo sau nhiều ngày mưa lớn khiến hơn 600 người cần được giải cứu khỏi lũ lụt, trong đó có 233 người ở Houston. Ngay phía Đông Bắc thành phố này, lượng mưa rơi đạt khoảng 58cm.

Ngoài ra, tháng 4 cũng đã mang đến những trận mưa lớn nhất từng được ghi nhận tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, làm ngập các đường cao tốc hiện đại và Sân bay Quốc tế Dubai.

Năm 2024 có thể sẽ là năm kỷ lục về thảm họa khí hậu

Trong bối cảnh thế giới ngày càng chứng kiến những thay đổi thất thường của thời tiết, những tuần vừa qua dường như đã đưa những thái cực về môi trường đó lên một tầm cao mới. Một số nhà khoa học khí hậu cho biết, họ khó có thể nhớ được thời điểm mà nhiều nơi trên thế giới có thời tiết quá độ cùng một lúc như bây giờ.

Ông Jonathan Overpeck - Trưởng khoa Môi trường của Đại học Michigan (Mỹ) cho biết: “Vì chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu tăng vọt chưa từng có trong 11 tháng qua, nên các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng tồi tệ vào đầu năm nay không phải là điều đáng ngạc nhiên. Nếu tốc độ nóng lên kỷ lục này tiếp diễn, năm 2024 có thể sẽ là năm kỷ lục về thảm họa khí hậu và sự đau khổ của con người”.

Các nhà khoa học cho biết, nhiệt độ đại dương toàn cầu trong tháng 4 phá kỷ lục trong tháng thứ 13 liên tiếp cũng là một yếu tố tiềm ẩn gây ra hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Theo Cơ quan khí hậu Châu Âu Copernicus, nhiệt độ bề mặt đại dương đạt 21,04 độ C, mức cao nhất được ghi nhận trong bất kỳ tháng 4 nào và chỉ thấp hơn một chút so với kỷ lục chung được thiết lập vào tháng 3.

Tác động lên các hệ thống biển là rất tàn khốc. Một hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt đã xảy ra vào mùa xuân này, mà các nhà khoa học cho biết vào thời điểm đó có thể là sự kiện tồi tệ nhất được ghi nhận.

04-2024-04-22t102300z-2974465-rc2ib7aj229n-rtrmadp-3-bangladesh-weather(1).jpg
Người kéo xe kéo lau mồ hôi trong đợt nắng nóng ở Dhaka, Bangladesh vào tháng 4/2024

Cơ quan khí hậu Châu Âu Copernicus cũng cho biết, tất cả những hiện tượng trên xảy ra khi thế giới vừa kết thúc tháng nóng kỷ lục thứ 11 liên tiếp.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu là 15 độ C vào tháng 4 đã đánh bại kỷ lục cũ từ năm 2016 là 0,14 độ C. Tháng trước ấm hơn 1,58 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp cuối thế kỷ 19. Thế giới vào năm 2015 đã áp dụng mục tiêu hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng mục tiêu này chủ yếu áp dụng cho mức nóng lên trong 1 thập kỷ trở lên chứ không phải 1 tháng.

Theo ông Silva, có một số yếu tố là nguyên nhân gây ra tình trạng cực đoan gần đây và biến đổi khí hậu là yếu tố quan trọng nhất. Vấn đề là thế giới đã thích nghi và xây dựng các thành phố phù hợp với nhiệt độ và lượng mưa của thế kỷ 20, nhưng biến đổi khí hậu lại mang đến nhiệt độ cao hơn và mưa lớn hơn. Theo giới khoa học, khí hậu toàn cầu có xu hướng nóng lên lâu dài, một phần chủ yếu do con người đốt nhiên liệu hóa thạch.

Ông Zeke Hausfather, trưởng nhóm nghiên cứu khí hậu tại công ty Stripe và là nhà khoa học nghiên cứu tại Berkeley Earth nhấn mạnh, hiện tượng El Nino đang suy yếu dần, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên khi thế giới vẫn đang chứng kiến nắng nóng khắc nghiệt chưa từng thấy.

El Nino đạt đỉnh điểm vào đầu năm nay và nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng nhiệt đới phía Đông Thái Bình Dương hiện đang quay trở lại mức trung tính. Khi sự thay đổi nhiệt độ liên quan đến các chu kỳ tự nhiên như El Nino đến rồi đi, năng lượng dư thừa bị giữ lại trong đại dương và khí quyển do nồng độ khí nhà kính ngày càng tăng sẽ tiếp tục đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức cao kỷ lục mới.

Ông Hausfather ước tính 66% khả năng rằng 2024 sẽ là năm nóng kỷ lục và 99% khả năng đây sẽ là năm nóng thứ 2 liên tiếp sau năm 2023. Theo thống kê hiện nay, nhiệt độ sẽ cao hơn 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các quốc gia đã đồng ý hạn chế mức độ nóng lên toàn cầu và duy trì nhiệt độ trái đất không vượt ngưỡng 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này đề cập đến sự nóng lên lâu dài trong nhiều thập kỷ chứ không phải một tháng hay một năm. Các nhà khoa học cũng cảnh báo những tín hiệu tạm thời này là đáng báo động về khả năng đẩy nhanh biến đổi khí hậu.

Chuyên gia Hausfather cho rằng, những gì xảy ra trong vài tháng tới sẽ giúp các nhà khoa học phán đoán nhiệt độ cao bất ngờ vào năm 2023 có phải là hiện tượng tạm thời hay sẽ là tín hiệu mới cho thấy Trái đất tiếp tục nóng lên nhanh hơn dự đoán trước đây.

"Nếu nhiệt độ toàn cầu giảm xuống mức kỷ lục trong 2 tháng tới, đó sẽ là dấu hiệu an ủi rằng khí hậu đang diễn biến dễ dự đoán hơn một chút. Tuy vậy, ngay cả khi điều này xảy ra, thế giới vẫn đang trên đà nóng lên gần 3 độ C, điều này sẽ có thể gây ra hậu quả thảm khốc", ông Hausfather nhấn mạnh.

Mặc dù các chu kỳ khí hậu tự nhiên như El Nino đến rồi đi nhưng hiệu ứng khí nhà kính ngày càng tăng sẽ tiếp tục đẩy nhiệt độ toàn cầu thiết lập mức kỷ lục mới.

Ông Carlo Buontempo, Giám đốc Copernicus

Theo Tổng hợp từ CNN & phys.org
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nắng mưa đảo lộn: Cảnh báo hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng tồi tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO