Nâng cấp sân bay Côn Đảo để đón được tàu bay lớn hơn

Theo Chinhphu.vn | 06/07/2020 18:02

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT)  đang hoàn thiện quy hoạch sân bay Côn Đảo theo hướng bảo đảm khai thác tàu bay mới với tải trọng lớn hơn rất nhiều.

Côn Đảo đang được Hãng hàng không VASCO độc quyền khai thác bằng tàu bay ATR72, sức chứa chỉ 70 hành khách. Ảnh minh hoạ.

Một trong những điểm đáng chú ý trong Quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo đang được Cục Hàng không Việt Nam xây dựng là việc tới năm 2030, vẫn giữ nguyên chiều dài đường cất - hạ cánh 1.830 m.

Đơn vị xây dựng dự thảo cũng khẳng định, dù không thay đổi chiều dài nhưng sẽ cải tạo, nâng cấp sức chịu tải cũng như mở rộng thêm, nâng cấp đường lăn… để có thể đáp ứng khai thác các tàu bay lớn hơn như: A319, A321neo, A321ceo.

Đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng nêu quan điểm, kết cấu mặt đường băng hiện là bê tông nhựa. Nếu thay bằng mặt đường bê tông xi măng, tàu bay A319 hoàn toàn có thể bay đến Côn Đảo mà không cần giảm tải.

Trước đây đã từng có nhiều ý kiến đề xuất kéo dài đường cất hạ cánh sân bay Côn Đảo từ 1.830 m hiện nay lên 2.400 m, chiều rộng đường băng 45 m để đón tàu bay lớn.

Tuy nhiên, Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC - Bộ Quốc phòng) đã nghiên cứu và đưa con số kinh phí đầu tư, nâng cấp sân bay Côn Đảo lên tới hơn 11.700 tỷ đồng. Trong đó, dành hơn 5.300 tỷ đồng để nâng cấp, kéo dài đường băng (bao gồm cả chi phí vận chuyển đất, đá từ đất liền ra để đắp lấn biển trong điều kiện không thể khai thác mỏ đất tại Côn Đảo). Đồng thời, sẽ cần ít nhất 3-4 năm để có thể hoàn thành được đường băng (không tính thời gian chuẩn bị đầu tư) nếu phương án này được chấp thuận.

Hạn chế về loại tàu bay

Côn Đảo là một trong những sân bay cổ nhất Việt Nam do Pháp xây dựng trong những năm thực thi chế độ tù đày đối với các chiến sĩ cộng sản Việt Nam thế kỷ 19. Sân bay này có đường băng ngắn, bao quanh là biển cả và núi non hiểm trở.

Sân bay Côn Đảo hiện là sân bay cấp 3C và sân bay quân sự cấp 2. Sân bay này chỉ đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72, F70 và tương đương, công suất 300.000 khách/năm. Hiện, Côn Đảo đang được Hãng hàng không VASCO độc quyền khai thác bằng tàu bay ATR72, sức chứa chỉ 70 hành khách mỗi chuyến.

Phía VASCO cho biết, hãng này cũng mong muốn có nhiều chuyến bay hơn, giảm chi phí, hướng tới giảm giá vé. Tuy nhiên, tình trạng khai thác ở Côn Đảo hạn chế do sân bay này không có đèn đêm, chỉ có thể cất hạ cánh vào ban ngày.

Phía sân bay Tân Sơn Nhất cũng không muốn đón ATR-72 do cất cánh hay hạ cánh đều chậm, không tăng được tần suất khai thác ở sân bay này, nên nhiều chuyến bay từ Côn Đảo phải hạ cánh ở sân bay Cần Thơ. Thực trạng khiến nhiều hãng bay không “mặn mà” khai thác đường bay Côn Đảo.

Nói về vấn đề “độc quyền” đường bay đến Côn Đảo khiến cho giá vé đường bay này đang ở mức tương đối cao, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, Chính phủ không hạn chế cũng không ưu ái cho doanh nghiệp hay hãng hàng không nào. Việc chỉ một hãng khai thác đường bay Côn Đảo hiện nay là do định hướng sử dụng đội máy bay của các hãng hàng không.

“Tôi khẳng định, bất kỳ hãng nào thu xếp được máy bay phù hợp với năng lực tiếp nhận ở Côn Đảo đều được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép, không hạn chế. Vietjet, Bamboo Airways, thậm chí là hãng hàng không sắp sửa ra đời Vietravel Airlines nếu thuê, mua máy bay phù hợp thì đều có thể bay được”, ông Cường cho biết.

Được biết, Bamboo Airways đang tiến hành thuê lại tàu bay Bombardier từ đối tác nước ngoài để khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo. Loại máy bay này đã từng được Air Mekong, biệt danh “Sếu đầu đỏ” khai thác đến Côn Đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cấp sân bay Côn Đảo để đón được tàu bay lớn hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO