Nâng cao vai trò giới trong xây dựng khả năng chống chịu BĐKH

09/12/2015 00:00

(TN&MT) - Sáng ngày 9/12, tại thành phố Huế đã diễn ra Hội thảo “Vai trò giới trong xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của con người trong quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH) - vấn đề nóng đang được nhiều nước trên thế giới chú trọng quan tâm.

Quang cảnh tại Hội nghị “Vai trò Giới trong xây dựng khả năng chống chịu với Biến đổi khí hậu cho thành phố Huế”
Quang cảnh tại Hội nghị “Vai trò Giới trong xây dựng khả năng chống chịu với Biến đổi khí hậu cho thành phố Huế”

Qua hội thảo nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến việc xây dựng thành phố có sức chống chịu trong bối cảnh BĐKH từ Mạng lưới các thành phố ở Châu Á có khả năng chống chịu với Biến đổi Khí hậu (ACCCRN) và tạo diễn đàn để trao đổi học hỏi về giới trong xây dựng sức chống chịu của các thành phố, trường hợp dự án GrEEEn City do ADB đầu tư vốn.

Với sự tham gia của gần 70 đại biểu đến từ Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ, bao gồm chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành có liên quan và cộng đồng các nhóm người dân ở các phường trong thành phố Huế.

BĐKH đang không ngừng gia tăng những tác động tiêu cực đến đời sống của con người. quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ ở các thành phố loại hai ở các nước Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, làm thay đổi cơ cấu dân số, ngành nghề và mục đích sử dụng đất ở các thành phố. Điều này cũng có nghĩa là tác động kép của BĐKH và đô thị hóa sẽ gia tăng tính phức tạp trong việc đạt mục tiêu phát triển đô thị bền vững và cân bằng sinh thái xã hội.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả nam giới và phụ nữ đang bị tác động bởi BĐKH, nhưng phụ nữ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hơn. Mặc dù phụ nữ và nam giới ở vùng đô thị có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp nhưng phụ nữ thường phải đối mặt với nhiều rào cản về chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế làm hạn chế khả năng ứng phó của họ. Thành phố Huế là một trong 3 thành phố thí điểm của chương trình xây dựng thành phố xanh GrEEEn City do ADB đầu tư vốn. Ở chương trình này, Chính sách an toàn bắt buộc của ADB là thực hiện lồng ghép giới hiệu quả.

Theo PGS Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến Đổi khí Hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết “Phụ nữ đang đối mặt với nhiều thách thức ở các thành phố trong bối cảnh BĐKH. Chính vì vậy, quá trình lập kế hoạch xây dựng thành phố có sức chống chịu cần có tiếng nói của phụ nữ và các quyết định liên quan cần có tiếng nói của cả nam giới và phụ nữ”.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) thực hiện nghiên cứu về “Vai trò Giới trong xây dựng khả năng chống chịu với Biến đổi khí hậu cho thành phố Huế”. Nhằm tìm hiểu vai trò của nam và nữ giới bị ảnh hưởng bởi quá tình đô thị hóa và BĐKH khác nhau như thế nào, phụ nữ và nam giới tham gia như thế nào trong việc đánh giá tình dễ bị tổn thương và việc xây dựng khả năng chống chịu cho thành phố Huế.

Bà Lâm Thị Thu Sửu - Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội chia sẻ: “Phụ nữ không chỉ được xem như là một nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do BĐKH mà họ nên được nhìn nhận như là “tác nhân thay đổi”, có thể đóng góp quan trọng trong việc xây dựng một thành phố phát triển bền vững và cân bằng sinh thái, thích nghi với BĐKH.

Tin & ảnh:Viết Toàn – Quỳnh Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò giới trong xây dựng khả năng chống chịu BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO