(TN&MT) - Kết quả đánh giá phân tích tính tương thích giữa chính sách của 10 ngân hàng thương mại (NHTM) ở Việt Nam với các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) cho thấy, việc áp dụng tiêu chí ESG tại các ngân hàng mới đang ở mức khởi đầu và cần được cải thiện trong thời gian tới.
Kết quả phân tích được giới thiệu công bố tại Hội thảo “Hướng tới tài chính bền vững – Cam kết Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) của Ngân hàng thương mại Việt Nam” do Sáng kiến Fair Finance Việt Nam (FFV) tổ chức mới đây.
Theo Báo cáo của FFV, mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có các quy định, chính sách và văn bản đề cập đến việc áp dụng các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong ngành ngân hàng, song nhìn chung các cam kết chính sách công khai về ESG của 10 ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện đang ở mức khởi đầu. “Nếu coi cam kết này là ‘cuộc đua lên đỉnh’ thì tính trung bình, 10 NHTM do FFV đánh giá mới đang ở những bước leo núi đầu tiên: trung bình E (Environment – Mội trường) mới đạt 0,3/10; S (Social – Xã hội) đạt 1,3/10; và G (Governance – Quản trị) đạt 1,6/10 điểm”.
Báo cáo cũng đã chỉ ra, hầu hết các NHTM chưa quan tâm nhiều đến chủ đề Biến đổi khí hậu và Thiên nhiên. Điểm cam kết của 10 NHTM về Sản xuất năng lượng đạt Biến đổi khí hậu còn hạn chế.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Chia sẻ của FFV về kết quả điều tra nghiên cứu thực địa về các rủi ro môi trường và xã hội của 8 dự án thủy điện nhỏ và vừa tại xã Bản Hồ, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai và thủy điện Cẩm Thuỷ I, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá.
Cũng một nghiên cứu của WARECD tại Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai và huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá chỉ ra những tác động của thủy điện nhỏ và vừa đến môi trường, sinh kế, cuộc sống của người dân.
Bên cạnh đó, kết quả phân tích các tác động xã hội và môi trường của các dự án nhiệt điện than và xu hướng các ngân hàng thoái vốn đầu tư vào nhiệt điện than - cũng chỉ ra rằng, rủi ro và tác động về môi trường, xã hội của các dự án thủy điện và nhiệt điện than cũng chính là rủi ro về tài chính và trách nhiệm đầu tư của các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng cần chuyển dịch đầu tư, cho vay vào năng lượng bền vững hơn, như năng lượng tái tạo.
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc áp dụng tiêu chí ESG trong ngành ngân hàng đang được xem là một trong những xu hướng trên thế giới, đóng góp cho việc thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và những cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (COP21). Thông qua các hoạt động tài chính, tín dụng, đầu tư và quản trị, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác có những ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đối với nền kinh tế mà còn với sự thịnh vượng của cộng đồng cũng như bảo vệ môi trường.
Khi các tổ chức tài chính Việt Nam thực hiện tốt trách nhiệm môi trường- xã hội của mình, họ sẽ quản lý được rủi ro trong hoạt động tín dụng, qua đó đảm bảo đầu tư hiệu quả, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nâng cao vị thế trong khu vực ASEAN và trên thị trường quốc tế. Qua đó, góp phần giúp Việt Nam thu hút thêm vốn từ những nhà đầu tư, quỹ đầu tư có trách nhiệm trên toàn cầu, và góp phần Việt Nam tiến xa hơn với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững mà chúng ta đã đề ra – bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý chương trình cấp cao, tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhấn mạnh.
Hội thảo khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về các yếu tố Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) dựa trên tiêu chuẩn và công ước quốc tế; đồng thời, có cơ chế giám sát, thanh tra việc thực thi hệ thống quản lý môi trường – xã hội (ESMS). Hội thảo cũng khuyến nghị các ngân hàng thương mại Việt Nam tăng cường minh bạch thông tin, phát triển và thực hành các chính sách về ESG theo chuẩn mực quốc tế
Sáng kiến Tài chính Công bằng Việt Nam (FFV) thời gian được được thực hiện thông qua những hoạt động khác nhau của các tổ chức xã hội gồm Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài Nguyên nước (WARECOD), Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC), Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho Phụ nữ (CEPEW) và tổ chức Oxfam tại Việt Nam. Các tổ chức này hiện đang hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bình đẳng giới và phát triển cộng đồng nhằm hướng đến phát triển bền vững.